THÂN CÂY

MỤC TIÊU HỌC TẬP

Sau khi thực tập xong bài này, sinh viên phải:

  • Trình bày và vẽ được các đặc điểm hình thái của thân cây và phân biệt được các loại thân cây.
  • Phân biệt được cấu tạo cấp một và cấp hai của các loại thân cây lớp Ngọc lan và lớp Hành.
  • Vẽ được sơ đồ tổng quát của các loại thân cây: Thầu dầu non, Dâm bụt, Thiên môn đông.
  • Vẽ được một phần cấu tạo chi tiết của thân cây Dâm bụt.
  • Làm được tiêu bản vi học thân cây Dâm bụt.

Nhận dạng các phần của một thân

Yêu cầu:

  • Quan sát trên một mẫu thân và chỉ ra các phần của thân: thân chính, mấu, gióng, chồi ngọn, chồi bên, cành.
  • Vẽ và ghi chú từng phần.
  • Phân biệt thân đơn trục và hợp trụ

Cách làm:

Quan sát bằng mắt thường hoặc kính lúp (nếu cần) các mẫu cây ớt, cây mào gà, cây mã đề, cây nho. Phân biệt các phần của thân trên các mẫu này.

Nhận dạng các loại thân cây

Yêu cầu:

Quan sát các loại thân bố trí trong phòng thí nghiệm và phân biệt các loại: thân gỗ, thân rạ, thân bò, thân leo, thân củ, thân rễ và thân hành.

Các đặc điểm chính:

  • Thân gỗ: cây gỗ to.
  • Thân rạ: Thân rỗng ở gióng và đặc ở các mấu.
  • Thân bò: Thân mọc bò lan trên mặt đất và có các rễ phụ mọc ra ở các mấu.
  • Thân leo: Leo bằng thân cuốn, tua cuốn hay rễ bám.
  • Thân củ: Thân phồng lên thành củ để chứa chất dự trữ.
  • Thân rễ: Có hình dạng gần như rễ, mang các vảy mỏng do các lá biến đổi thành. Thân hành: Thân rất ngắn, mang rễ ở mặt dưới, phần trên có nhiều lá mọng nước gọi là vảy hành.

Cấu tạo giải phẫu của thân cây

Quan sát các tiêu bản sau đây trên kính hiển vi. Trước hết quan sát ở vật kính nhỏ để thấy toàn bộ cấu tạo của vi phẫu. Sau đó chuyển sang vật kính lớn hơn để xem chi tiết.

Cấu tạo thân cây lớp Ngọc lan (Magnoliopsida)

Cấu tạo cấp một:

Yêu cầu:

Quan sát tiêu bản thân non cây Thầu dầu và chỉ ra được các phần sau: biểu bì, mô mềm vỏ, nội bì, trụ bì, bó libe-gỗ cấp một và mô mềm ruột.

Cách quan sát:

Dùng vật kính nhỏ để quan sát toàn bộ vi phẫu, sau đó chọn chỗ rõ nhất chuyển sang vật kính lớn để quan sát chi tiết. Từ ngoài vào trong có các phần sau

Phần vỏ:
  • Biểu bì: Là một lớp tế bào ngoài cùng xếp sát vào nhau, đều đặn, màng ngoài có một lớp cutin mỏng bao bọc. Đôi khi quan sát thấy có lỗ khí.
  •  Mô mềm vỏ: Gồm nhiều lớp tế bào hình nhiều cạnh, có góc tròn, tại các góc có những khoảng gian bào nhỏ.
  •  Nội bì: Là một hàng tế bào xếp sát nhau thành vòng không tròn đều.
Phần trụ giữa:
  •  Trụ bì: Là một lớp tế bào nằm ngay sát dưới lớp nội bì và xếp luân phiên với tế bào nội bì.
  •  Bó libe gỗ cấp một: Nằm ngay sát trụ bì, libe ở ngoài gồm có mô mềm libe và mạch rây, bó gỗ ở trong gồm có mạch gỗ và mô mềm gỗ.
  •  Mô mềm ruột: Nhiều tế bào hình đa giác, gần như tròn, các góc có khoảng gian bào nhỏ.

Cấu tạo cấp hai

Yêu cầu:

Làm tiêu bản thân Dâm bụt theo quy trình ở bài 1.

Quan sát cấu tạo giải phẫu rễ Bí ngô và chỉ ra các phần sau: bần, mô mềm vỏ, libe cấp 2, gỗ cấp 2, tầng phát sinh libe-gỗ, sợi libe, tia ruột và mô mềm ruột.

Vẽ sơ đồ tổng quát và một phần cấu tạo chi tiết của thân Dâm bụt.

rễ cây dâm bụt
Hình ảnh thân cây dâm bụt

Cách quan sát:

Dùng vật kính nhỏ để quan sát toàn bộ vi phẫu, sau đó chọn chỗ rõ nhất chuyển sang vật kính lớn để quan sát chi tiết. Từ ngoài vào trong có các phần sau Lớp bần: Cấu tạo bởi vài hàng tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn thành các vòng tròn đồng tâm và dãy xuyên tâm, màng tế bào hóa bần, bắt màu xanh. Trên lớp bần có thể thấy lỗ vỏ.

− Tầng phát sinh bần, lục bì: một lớp tế bào mỏng hình chữ nhật bắt màu đỏ nhạt, nằm ngay sát dưới lớp bần và trên lớp mô mềm vỏ (màu đỏ sẫm).

− Mô mềm vỏ cấp một: gồm nhiều tế bào hình đa giác không đều, các góc có khoảng gian bào.

− Bó libe cấp một: Những lớp tế bào bị ép bẹp màu đỏ sẫm, không nhìn rõ hình dạng tế bào, nằm trong mô mềm vỏ cấp một.

– Libe cấp hai: Cấu tạo xen kẽ giữa các mạch rây và mô mềm libe bắt màu đỏ với sợi libe bắt màu xanh (libe kết tầng).

− Gỗ cấp hai: cấu tạo bởi những mạch gốc và mô mềm gỗ, xếp đều đặn thành từng dãy xuyên tâm. Kích thước phần này khá lớn.

− Gỗ cấp một: Bị dồn vào trong ở ngay dưới phần gỗ cấp hai. các bó gỗ cấp một gồm các mạch gỗ xếp thành hình tam giác, đỉnh hướng vào trong (phân hoá ly tâm).

− Tầng phát sinh libe-gỗ: Gồm một lớp tế bào dẹt, có màng mỏng, nằm ngay giữa libe và gỗ cấp hai.

− Ruột và tia ruột: Ruột nằm chính giữa của thân, cấu tạo bởi những tế bào mô mềm không đều, các góc có khoảng gian bào nhỏ. Tia ruột gồm 1-2 dãy tế bào đi từ ruột qua lớp gỗ cấp hai và loe ra hình phễu ở phần libe cấp hai. Tế bào của tia ruột thường lớn hơn tế bào mô mềm gỗ.

 Cấu tạo thân cây lớp Hành (Liliopsida)

thân cây lớp hành
Hình ảnh thân cây lớp hành

Yêu cầu

Quan sát tiêu bản thân Thiên môn đông và chỉ ra được các phần sau: biểu bì, mô mềm vỏ, nội bì, trụ bì, bó libe – gỗ cấp một và mô mềm ruột.

Cách quan sát

Dùng vật kính nhỏ để quan sát toàn bộ vi phẫu, sau đó chọn chỗ rõ nhất chuyển sang vật kính lớn để quan sát chi tiết. Từ ngoài vào trong có các phần sau

Phần vỏ

− Biểu bì: Một hàng tế bào, phía ngoài có lớp cutin mỏng và có thể thấy cả lỗ khí.
− Mô mềm vỏ: Gồm 5-6 lớp tế bào xếp sát nhau, đôi chỗ có các khoảng gian bào nhỏ.
− Nội bì: Một lớp tế bào mỏng nằm sát lớp trụ bì hóa mô cứng ở bên trong.

Phần trụ giữa:

− Trụ bì: Gồm vài lớp tế bào hoá mô cứng xếp sát nhau, bắt màu xanh.
− Mô mềm ruột: Nhiều tế bào đa giác hoặc trong, góc có khoảng gian bào.
− Bó libe gỗ: Nhiều bó libe gỗ sắp xếp theo lối đồng tâm xếp rải rác trong mô mềm ruột. Các bó phía ngoài nhỏ hơn phía trong. Bó gỗ hình chữ V, góc nhọn quay vào trong, phân hóa ly tâm. Libe nằm kẹp giữa hai cạnh của bó gỗ.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *