CẤU TẠO CẤP MỘT CỦA THÂN CÂY LỚP NGỌC LAN

Cắt ngang qua thân cây non của một cây thuộc lớp Ngọc lan, vừa mới nảy mầm. Đem soi dưới kính hiển vi, ta thấy cấu tạo cấp một của thân cây lớp Ngọc lan đó gồm có ba phần:

1. Biểu bì

Cấu tạo bởi một lớp tế bào sống không có diệp lục, vách hóa cutin thành một lớp dày hay mỏng tùy theo cây sống ở khí hậu khô hay ẩm. Lớp cutin này không thấm nước và khí cho nên trong biểu bì cần có lỗ khí để thông hơi. Ngoài ra, biểu bì của thân còn có thể mang lông che chở, lông tiết hoặc lông ngứa.

2. Vỏ cấp một

Cấu tạo bởi mô mềm vỏ, gồm nhiều lớp tế bào sống. Tế bào có vách mỏng bằng cellulose, trong đựng nhiều lạp lục. Vỏ ở thân mỏng hơn vỏ cấp một ở rễ.

Ở một số cây, dưới lớp biểu bì có thêm một lớp mô dày cấu tạo bởi những tế bào sống có vách dày bằng cellulose để làm nhiệm vụ nâng đỡ. Lớp mô dày này thường tập trung ở những chỗ lồi của thân cây có khía dọc như các cây họ cần (Apiaceae) hoặc ở góc những thân cây vuông như các cây thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).

Những cây sống ở nước có vỏ cấu tạo bởi mô mềm xốp. Gồm những dãy tế bào chằng chịt với nhau như mạng lưới, để hở những khoang trống chứa đầy khí gọi là khuyết. Ví dụ: Rau dừa nước (Ludwigia adscendens Hara.). Lớp tế bào trong cùng của vỏ gọi là nội bì. Nội bì gồm một lớp tế bào sống chứa nhiều hạt tinh bột có thể nhuộm tím sẫm bởi các thuốc thử iod. Ở một số cây, vách tế bào nội bì có thể mang khung hóa bần, gọi là đai Caspari.

3. Trụ giữa

Các cây lớp Ngọc lan chỉ có duy nhất một trụ giữa (cấu tạo một trụ).

Cấu tạo cấp một của thân cây lớp Ngọc lan

3.1. Trụ bì

Lớp tế bào ngoài cùng của trụ giữa là trụ bì cấu tạo bởi một hay nhiều tầng tế bào, thường xếp xen kẽ với tế bào nội bì. Và đôi khi có thể hóa mô cứng để làm nhiệm vụ nâng đỡ_ đó là những sợi trụ bì.

3.2. Hệ thống dẫn

Dưới trụ bì là các yếu tố dẫn nhựa của thân cây. Yếu tố này không xếp thành bó gỗ và bó libe riêng biệt như trong rễ cây. Những bó chồng được tạo thành từ những bó libe gỗ. Gồm có libe hình bầu dục ở phía ngoài và gỗ hình tam giác có đỉnh quay vào tâm ở phía trong.

Ở một số cây, phía trong gỗ lại có thêm một lớp libe nữa gọi là libe quanh tủy (bó chồng kép). Ví dụ như cây Mướp (Luffa cylindrica Roem.), Mã tiền (Strychnos nux – vomica L.), Lá ngón (Gelsenium elegans Benth.), Cà độc dược (Datura metel L.), v.v…

Các bó libe – gỗ ở thân cây cấp một của các cây lớp Ngọc lan xếp theo một vòng tròn. Chỉ có trường hợp đặc biệt ở một số cây như cây Trầu không (họ Hồ tiêu, Piperaceae), các bó libe gỗ mới xếp thành hai vòng tròn.

Trong bó gỗ, các mạch gỗ nhỏ đặt ở phía trong, các mạch gỗ to ở phía ngoài (phân hóa ly lâm). Ở khe giữa libe và gỗ có một lớp tế bào thuộc mô phân sinh cấp hai. Lớp này được gọi là tiền tầng sinh gỗ, có nhiệm vụ làm cho thân cây sau này phát triển theo chiều ngang.

3.3. Ruột và tia ruột

Giữa hai bó libe gỗ, có những dải mô mềm gọi là tia ruột hay tia tủy. Ở phía trong các bó libe gỗ là một khối mô mềm gọi là ruột hay tủy. Vài loài cây có ruột rỗng như các cây thuộc họ cần (Apiaceae).

Cấu tạo cấp một của thân cây lớp Ngọc lan./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *