LÁ CÂY

MỤC TIÊU HỌC TẬP

Sau khi thực tập xong bài này, sinh viên phải:

  • Trình bày và vẽ được các đặc điểm hình thái của một lá.
  •  Phân biệt và vẽ được cấu tạo giải phẫu của các loại lá cây đại diện cho lớp Ngọc lan và lớp Hành.
  •  Làm được thành thạo tiêu bản lá Trúc đào.

Hình thái lá

Nhận biết các phần của lá

Quan sát lá cây Đinh lăng và chỉ ra được các phần: phiến lá, cuống lá và bẹ lá.
Quan sát các lá cây Hà thủ ô đỏ, cây Tra làm chiếu và cây Sa nhân và chỉ ra các phần : bẹ chìa, lá kèm và lưỡi nhỏ.

Phân biệt các thứ lá

Xác định các loại lá bố trí trong phòng thí nghiệm là loại lá đơn hay lá kép (loại gì).

Dựa vào hình vẽ các dạng phiến lá để xác định kiểu phiến lá của các mẫu trên.

Cấu tạo lá cây lớp Ngọc lan (Magnoliopsida)

Yêu cầu:

  • Làm tiêu bản lá Trúc đào theo quy trình ở bài 1.
  • Quan sát và chỉ ra các phần trong cấu tạo giải phẫu lá Trúc đào.
  • Vẽ sơ đồ tổng quát cấu tạo giải phẫu lá Trúc đào.

Cách quan sát

Trước hết quan sát ở vật kính nhỏ, thấy vi phẫu có hai phần: Phần phồng to ở giữa là gân chính (giữa) của lá; phần hẹp ở hai bên là phiến lá.

Đưa từng phần vào giữa vi trường và quan sát ở vật kính lớn để xem chi tiết.

Phần phiến lá:

Từ trên xuống dưới quan sát thấy:

  • Biểu bì trên: Một lớp tế bào có màng cutin, không có lỗ khí.
  • Hạ bì trên: 2-3 lớp tế bào nằm ngay sát dưới biểu bì, chứa nước và màng
    hơi dày.
  • Mô giậu trên: Hai lớp tế bào hình trụ, chứa nhiều lạp lục.
  • Mô khuyết: Nằm ở giữa phần thịt lá.
  • Mô giậu dưới: Chỉ gồm một lớp tế bào ngắn, trong chứa lạp lục.
  • Hạ bì dưới: mỏng hơn hạ bì trên.
  • Biểu bì dưới: tương tự như biểu bì trên nhưng mang các phòng ẩn lỗ khím(phần lõm vào), bên trong có các cặp lỗ khí.

 Phần gân lá:

Biểu bì trên và dưới: Một lớp tế bào mỏng nối tiếp với biểu bì ở phần phiến lá.

Mô dày: Một lớp mỏng ở sát dưới lớp biểu bì trên và dưới của gân lá.

Mô mềm: Nhiều tế bào hình đa giác hoặc hình tròn, các góc có khoảng gian bào nhỏ. Có tinh thể canxi oxalat.

Bó libe gỗ: Làm thành hình cung ở chính giữa gân lá, mặt lõm quay về phía trên, gỗ bắt màu xanh ở giữa, libe bắt màu đỏ bao bọc xung quanh. Phía ngoài libe có các đám sợi xếp rời nhau thành một vòng bao quanh bó libe gỗ.

giải phẫu lá trúc đào
Hình ảnh giải phẫu lá trúc đào

Cấu tạo lá cây lớp Hành (Liliopsida)

Yêu cầu:

Quan sát tiêu bản lá Ý dĩ và chỉ ra các phần trong cấu tạo giải phẫu.

Vẽ chi tiết cấu tạo giải phẫu lá Ý dĩ.

lá ý dĩ
Hình ảnh giải phẫu lá Ý Dĩ

Cách quan sát:

Nhìn tổng thể ở vật kính nhỏ thấy lá Ý dĩ khác với lá Trúc đào ở chỗ không phân biệt hai phần khác biệt là phiến lá và gân lá. Lá ý dĩ có mặt trên và dưới như nhau. Đưa lên quan sát chi tiết ở vật kính nhỏ, từ ngoài vào trong có các phần

  • Biểu bì: Lớp tế bào mỏng ở ngoài cùng phủ một lớp cutin mỏng, có tế bào lỗ khí (có thể có ở cả biểu bì trên và biểu bì dưới.
  • Mô mềm đồng hóa: Nhiều tế bào hình tròn hay nhiều cạnh.
  • Mô cứng: Gồm các tế bào có màng hóa gỗ, bắt màu xanh, làm thành các cột nâng đỡ nối liền bó libe gỗ với biểu bì hoặc bao quanh bó libe gỗ.
  • Bó libe gỗ: Xếp thành một hàng trong phiến lá, tương ứng với các gân lá song song.

Copy ghi nguồn DuocLieu.edu.vn

Link bài viết: LÁ CÂY

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *