Hình thái của rễ

Các phần của rễ cây

Nhận dạng các phần của một rễ: Quan sát trên rễ đậu non.

Nhận dạng các phần của rễ bằng mắt thường hoặc kính lúp. Quan sát từ dưới lên trên thấy cây đậu non có một rễ cái là rễ chính mọc tiếp theo trục của thân, phát triển ngược chiều với thân. ở tận cùng của rễ có chóp rễ (quan sát trên kính lúp). Trên chóp rễ có một đoạn ngắn, nhẵn là miền sinh trưởng. Trên miền sinh trưởng là miền lông hút, có nhiều lông nhỏ để hút nước và các muối vô cơ hòa tan trong nước để nuôi cây. Trên miền lông hút là miền hóa bần, nơi có rễ con cấp II mọc ra.

Nhận dạng các loại rễ cây

Quan sát các loại rễ bố trí trong phòng thí nghiệm và phân loại các loại: rễ cọc, rễ chùm, rễ phụ, rễ bám, rễ khí sinh, rễ mút và rễ củ.

Đặc điểm nhận dạng chính như sau:

  • Rễ cọc: Rễ cái phát triển hơn rễ con.
  • Rễ chùm: Rễ cái và rễ con bằng nhau.
  • Rễ bám: Mọc ra ở các mấu của thân, bám vào các vật để cây leo lên.
  • Rễ khí sinh: Mọc ra từ thân và nằm trong không khí. Mặt ngoài có mô xốp dể hút nước cung cấp cho cây.
  • Rễ mút: Rễ của các loài cây sống ký sinh vào các cây khác với các giác
    mút mọc đâm vào cây chủ để hút chất dinh dưỡng.
  • Rễ củ: Rễ cái, rễ con hoặc rễ phụ phát triển thành củ.

Cấu tạo giải phẫu của rễ cây

Quan sát các tiêu bản sau đây trên kính hiển vi. Trước hết, quan sát ở vật kính nhỏ để thấy toàn bộ cấu tạo của vi phẫu. Sau đó chuyển sang vật kính lớn hơn để xem chi tiết.

Cấu tạo của rễ cây lớp Ngọc lan (Magnoliopsida)

Cấu tạo cấp một:

Yêu cầu: Quan sát tiêu bản rễ Si và chỉ ra được các phần sau: ngoại bì, mô mềm vỏ, nội bì, trụ bì, gỗ cấp một, libe cấp một và mô mềm ruột.

Cách quan sát:

Với vật kính nhỏ, quan sát thấy trên vi phẫu có hai phần lớn: phần vỏ và trụ giữa. Trong trụ giữa có các bó libe-gỗ xếp xen kẽ nhau. Riêng bó gỗ có sự phân hóa hướng tâm. Chuyển chỗ nào có cấu tạo rõ nhất vào giữa kính trường để quan sát chi tiết. Với vật kính lớn, quan sát lần lượt từ ngoài vào trong thấy:

Phần vỏ:
  • Ngoại bì: Cấu tạo bởi một lớp tế bào có màng ngoài dày hóa bần. Không có lông hút ở bên ngoài.
  • Mô mềm vỏ: Gồm các tế bào hình đa giác tương đối đều nhau, ở các góc có khoảng gian bào. Phía trong, gần sát nội bì có các ống nhựa mủ.
  • Nội bì: Cấu tạo bởi một lớp tế bào, trên vách xuyên tâm có khung hóa bần (đai Caspari).
Phần trụ giữa:
  • Trụ bì: Nhiều lớp tế bào hình chữ nhật đều nhau nằm sát nội bì, các góc có những chỗ dày hóa gỗ.
  • Bó libe: Hình bầu dục, nằm sát ngay dưới lớp trụ bì, gồm những tế bào nhỏ bắt màu đỏ, xếp luân phiên với các bó gỗ bắt màu xanh.
  • Bó gỗ: Hình tam giác, đỉnh nhọn hướng ra ngoài, tiếp giáp với trụ bì, đáy rộng quay vào trong. Bó gỗ cấu tạo bởi các mạch gỗ, không có sợi gỗ và mô mềm gỗ.
  • Mô mềm ruột: Là phần trong cùng của trụ giữa, gồm những tế bào hình đa giác, có kích thước tương đối lớn, xếp sát nhau nên không có khoảng gian bào.

rễ non cây si

Cấu tạo cấp hai:

Yêu cầu:

  • Làm tiêu bản rễ Bí ngô theo quy trình.
  • Quan sát cấu tạo giải phẫu rễ Bí ngô và chỉ ra các phần sau: bần, mô mềm vỏ, libe cấp 2, gỗ cấp 2, tầng phát sinh libe-gỗ, tia ruột, gỗ cấp 1 và mô mềm ruột.
  • Vẽ sơ đồ tổng quát và một bó libe-gỗ của rễ Bí ngô.

Cách quan sát:

Trước hết quan sát ở vật kính nhỏ để thấy cấu tạo tổng quát, sau đó chuyển sang vật kính lớn để xem chi tiết. Từ ngoài vào trong thấy:

  • Lớp bần: Gồm vài lớp tế bào có màng hóa bần bắt màu xanh, xếp đều đặn thành những vòng tròn đồng tâm và dãy xuyên tâm.
  • Mô mềm vỏ: Gồm một vài lớp tế bào có màng mỏng, xếp không đều, có các khoảng gian bào nhỏ.
  • Bó libe gỗ cấp hai: Các bó mạch lớn, xếp theo lối chồng chất, libe bắt màu hồng nằm bên ngoài, gỗ nằm phía trong bắt màu xanh. ở giữa là tầng phát sinh libe gỗ. Mỗi bó gỗ có 3-5 mạch gỗ lớn. Giữa các bó libe gỗ là các tia ruột khá rộng.
  • Tầng phát sinh libe gỗ: Nằm giữa libe cấp hai và gỗ cấp hai gồm nhiều lớp tế bào nhỏ hình chữ nhật, có màng mỏng, xếp thành dãy đều đặn.

rễ cây bí ngô

Cấu tạo của rễ cây lớp Hành (Liliopsida)

Yêu cầu:

Quan sát tiêu bản rễ Thiên môn đông và chỉ ra được các phần sau: tầng lông hút, mô mềm vỏ, nội bì, trụ bì, gỗ cấp một, libe cấp một và mô mềm ruột.

Vẽ sơ đồ tổng quát của rễ Thiên môn đông.

rễ cây thiên môn đông

Cách quan sát

Tiến hành quan sát tương tự như tiêu bản rễ Si. Lưu ý cấu tạo của rễ Thiên môn đông cũng tương tự như cấu tạo của rễ Si vì cùng có cấu tạo cấp 1. Tuy nhiên, có một vài điểm chi tiết khác nhau là: bên ngoài cùng của rễ Thiên môn đông có tầng lông hút (do cắt qua tầng lông hút) bao gồm các tế bào ngoại bì kéo dài ra, số bó libe gỗ trong rễ Thiên môn đông nhiều hơn.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *