ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÂN LOẠI LỖ KHÍ

1. Đặc điểm

Lỗ khí là một trong hai bộ phận quan trọng của Biểu bì đối với việc kiểm nghiệm Dược liệu.

Cấu tạo bởi hai tế bào hình hạt đậu gọi là tế bào lỗ khí mang nhiều lạp lục, úp vào nhau bởi mặt lõm, để hở một khe nhỏ gọi là khe lỗ khí thông với một khoảng trống ở dưới gọi là khoang dưới lỗ khí.

Để giảm bớt hơi nước, lỗ có thể đặt ở đáy một hố nhỏ gọi là giếng như ở lá Đa (Kicus altissima Blume), lá Thông.. (Pinus khasya Royle.), lá cây Dứa Mỹ (Agave americana L. var. marginata Baill.) hoặc các lỗ có thể tập trung trong một hốc nhỏ khoét trong lá và phủ đầy lông gọi là phòng ẩn lỗ khí, như ở trong lá Trúc đào hoặc đặt trong những cái rãnh như ở lá cây họ Lúa (Poaceae).

Tế bào lỗ khí thường đi kèm với 1, 2, 3, 4 tế bào kèm gọi là tế bào bạn, hình dạng khác hẳn các tế bào biểu bì ở xung quanh. Số lượng và vị trí của các tế bào bạn là những đặc điểm mà người ta có thể sử dụng để kiểm nghiệm các dược liệu.

Lỗ khí đặt ở cả hai mặt của các lá đứng thẳng ở lớp Hành, nhưng chỉ có ở mặt dưới của các lá nằm ngang ở lá cây lớp Ngọc lan và ở mặt trên của các lá nổi trên mặt nước như lá Súng (Nymphaea stellata Willd.); lá chìm dưới nước không có.

Độ rộng của khe lỗ khí vào khoảng 1/1000mm2. Mỗi mm2 của mặt lá mang trung bình 300 lỗ. Lỗ có thể mở rộng hoặc khép lại bởi khe lỗ khí để điều hòa sự trao đổi giữa cây và môi trường xung quanh. Quá trình đóng mở đó thực hiện như sau: Khi có ánh sáng, các lạp lục của tế bào sẽ thực hiện sự quang hợp và sản xuất ra đường làm tăng nồng độ của dịch tế bào. Nước sẽ kéo vào trong tế bào lỗ khí làm cho hai tế bào đó phồng lên.

Vì hai tế bào hình hạt đậu úp mặt lõm vào nhau, hơn nữa vách tế bào dày không đều, vách trong mỏng, khi các tế bào đó phồng lên thì vách tế bào sẽ căng ra, mặt lõm căng nhiều hơn, làm cho khe lỗ khí mở rộng ra. Trái lại, khi thiếu ánh sáng, hiện tượng quang hợp yếu đi, khe lỗ khí sẽ khép kín lại để phù hợp với sự trao đổi khí giảm bớt đi khi thiếu ánh sáng.

2. Phân loại

Thông thường, người ta phân biệt 5 kiểu lỗ khí dựa vào các tế bào bạn, như sau:

2.1. Kiểu hỗn bào (kiểu Hoàng liên):

Lỗ được bao bọc bởi những tế bào bạn giống tế bào biểu bì. Ví dụ: Thanh táo (Justicia gendarussa L.f), Xương sông (Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce.).

2.2. Kiểu trực bào (kiểu Cẩm chướng):

Lỗ được bao bọc bởi hai tế bào bạn xếp thẳng góc với khe lỗ khí.

2.3. Kiểu dị bào (kiểu Rau cải):

Lỗ được được bao bọc bởi ba tế bào bạn trong đó có một tế bào nhỏ hơn hai tế bào kia. Ví dụ: Đuôi công hoa đỏ (Plumbago indica L.), Su hào (Brassica caulorapa Pasq.).

2.4. Kiểu song bào (kiểu Cà phê):

Lỗ được bao bọc bởi hai tế bào bạn song song với khe lỗ khí. Ví dụ: Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schumann), Cà phê chè (Coffea arabica L.).

2.5. Kiểu vòng bào:

Lỗ được bao quanh bởi các tế bào bạn xếp nối tiếp nhau theo chiều dài thành một vòng đai liên tục. Ví dụ: Khúc khắc (Heterosmilax gaudichaudiana Maxim.), Lá lốt (Piper lolot Lour.).

Lỗ khí
Một số kiểu tế bào lỗ khí

Ngoài ra, một số cây còn có những lỗ để tiết nước ra ngoài dưới thể lỏng: Đó là những lỗ nước có ở lá Chè (Camellia sinensis O. Ktze), các cây họ Cúc (Asteraceae) và họ cần (Apiaceae). Dưới lỗ nước có một số tế bào họp thành mô nước nhận vài nhánh của các mạch xoắn; những mạch này dẫn nước đến một mô nước rồi nước sẽ qua lỗ nước thoát ra ngoài. Vì cơ chế của lỗ nước giống các tuyến mật nên có tài liệu xếp lỗ nước vào loại mô tiết./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *