PHÂN LOẠI LÔNG CHE CHỞ CỦA BIỂU BÌ

1. Khái niệm

Lông che chở là một trong hai bộ phận quan trọng của Biểu bì đối với việc kiểm nghiệm Dược liệu

Lông che chở là những tế bào biểu bì mọc dài ra ngoài để tăng cường vai trò bảo vệ, hoặc để giảm bớt sự thoát hơi nước. Tế bào của lông có thể vẫn còn sống hoặc đã chết và chứa đầy không khí làm cho lớp lông có màu trắng. Hình dạng các lông rất quan trọng để phân biệt các loài, đặc biệt là các dược liệu đã bị cắt vụn hoặc các bột thuốc.

2. Một số dạng lông che chở thường gặp

Lông che chở
Một số loại lông che chở

2.1. Lông đơn bào:

Cấu tạo bởi một tế bào, thẳng hay cong, có khi phân thành nhánh. Ví dụ: lông ở mặt dưới lá Táo ta (Ziziphus mauritiana Lam.), Ngái (Ficus hispida L.f).

2.2. Lông đa bào:

Cấu tạo bởi nhiều tế bào xếp thành một dãy (Ví dụ: lông ở lá Mướp (Luffa cylindrica Roem), Mơ tam thể (Paederia lanuginosa Wall); lông đa bào có thể phân nhánh (Ví dụ: lông ngoài quả Kamala, cây Cối xay (Abutilon indicum (L.) Sweet) hoặc phân nhánh thành nhiều tầng như ở cây Tu hú gỗ (Callicarpa candicans Hoehr.)

2.3. Lông hình thoi:

Cấu tạo bởi một tế bào hình thoi, nằm ngang, song song với mặt biểu bì, dính ở giữa trên một tế bào chân ngắn. Ví dụ lông ở cây Vú sữa (Chrysophyllum cainito L.) và một số cây họ Cúc (Asteraceae).

2.4. Lông tỏa tròn:

Cấu tạo bởi một chân ngắn và một đầu đa bào từ chân đó mọc tỏa ra trong một mặt phẳng. Ví dụ lông ở lá cây Khổ sâm (Croton tonkinensis Gagnep.), lá Sầu riêng (Durio zibethinus Murr.). Nếu các tế bào từ chân lông toả ra khắp mọi phía trong không gian, ta có lông hình sao.

2.5. Lông ngứa:

Như ở cây Lá han (Laportea violacea Gagnep.), cấu tạo bởi một tế bào chứa acid formic. Đầu ngọn lông có silic nên giòn, dễ gãy khi chạm vào da người, để giải phóng chất ngứa ở trong lông vào trong da. Lông này có tác dụng bảo vệ cây khỏi bị súc vật ăn.

Lông có thể biến đổi thành gai như ở cây Hoa hồng (Rosa chinensis Jacq.). Tuy nhiên, gai còn có thể có nguồn gốc khác: Do lá kèm biến đổi ở cây Xương rồng – họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) hoặc do cành biến đổi như gai Bồ kếp (Gleditsia fera Merr.). Vì vậy, có tác giả gọi các gai do lông biến đổi là trâm để phân biệt với gai thật do cành biến đổi.

Ngoài các lông che chở nói trên, biểu bì còn có thể mang lông tiết (xem phần mô tiết).

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *