ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CẤP HAI CỦA THÂN CÂY

Cấu tạo cấp hai của thân cây lớp Ngọc lan bao gồm ba phần chính:

1. Tầng phát sinh ngoài

Là tầng phát sinh bần – lục bì, đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo cấp hai của thân cây. Tầng phát sinh ngoài có vị trí không cố định trong vỏ cấp một, từ biểu bì đến trụ bì.

Tầng phát sinh này, về phía ngoài tạo ra một lớp mô che chở cấp hai gọi là bần. Và phía trong tạo ra một lớp mô mềm cấp hai gọi là lục bì.

Lớp bần cấu tạo bởi nhiều tầng tế bào có vách hóa bần, không thấm nước và khí. Nút lie cấu tạo hoàn toàn bởi mô này. Từng quãng có các lỗ vỏ, trông giống như những kẽ sần.

Lỗ vỏ cấu tạo bởi những tế bào bổ sung vẫn có vách hóa bần, nhưng không gắn chặt vào nhau. Lỗ vỏ đảm bảo cho sự trao đổi khí có thể xảy ra giữa trong và ngoài cây;, chống các ký sinh trùng.

Lớp lục bì cấu tạo bởi nhiều tầng tế bào sống có vách mỏng bằng cellulose. Tế bào xếp rất đều đặn thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Tế bào thường có hình chữ nhật. Và dễ phân biệt với các tế bào của mô mềm cấp một (có hình đa giác và xếp không đều). Trong các tế bào này, khi thân cây chưa quá già, vẫn còn có các lạp lục, do vậy mới có tên là lục bì.

Ở phần thân còn non mặc dù đã có cấu tạo cấp hai nhưng chưa hình thành lớp vỏ bần. Nghĩa là mới chỉ có một tầng phát sinh trong phát triển.

2. Tầng phát sinh trong

2.1. Cấu tạo

Trong cấu tạo cấp hai của thân cây, tầng phát sinh trong được gọi là tầng sinh gỗ. Tầng này cũng cấu tạo bởi một vòng tế bào đặt ở phía trong libe cấp một và phía ngoài gỗ cấp một.

Các tế bào này có khả năng sinh sản rất nhanh tạo thành hai lớp mô cấp hai; là libe cấp hai ở phía ngoài và gỗ cấp hai ở phía trong.

  • Về phía ngoài, libe cấp hai cấu tạo bởi các mạch rây dẫn nhựa luyện kèm theo mô mềm libe. Đôi khi thêm các sợi libe để tăng cường nhiệm vụ nâng đỡ.
  • Về phía trong, tầng sinh gỗ tạo ra một lớp gỗ cấp hai cấu tạo bởi các mạch gỗ và mô mềm gỗ.

Mạch gỗ có vách dày hóa gỗ và có khoang rộng, dùng để dẫn nhựa nguyên; mô mềm gỗ cũng có vách dày hóa gỗ nhưng với khoang tế bào hẹp hơn. Ngoài ra, còn có thể gặp các sợi gỗ để tăng cường nhiệm vụ nâng đỡ. Qua quá trình sinh trưởng và phát triển, hằng năm tầng sinh gỗ lại sinh ra một lớp libe cấp hai và một lớp gỗ cấp hai.

Do cấu trúc mềm và dễ bị ép bẹp, lớp libe cũ bị lớp libe mới dồn ra phía ngoài. Trông giống như những tờ giấy của một quyển sách (tiếng Latinh từ liber nghĩa là sách).

2.2. Ứng dụng

Trong ngành Dược, có thể dựa vào đặc điểm của các sợi libe để kiểm nghiệm dược liệu như vỏ cây thuốc Canhkina, vỏ Quế (Cinnamomum cassia Presl). Đôi khi, gặp trường hợp các sợi libe xếp thành từng lớp xen kẽ rất đều với các mạch rây và mô mềm libe, tạo thành libe kết tầng (thân Râm bụt (Hibiscus rosa-sinensis L.).

Các lớp gỗ tạo thành hằng năm rất dễ phân biệt với nhau theo mạch gỗ. Vì các mạch mùa xuân hay mùa mưa rộng hơn các mạch mùa thu hay mùa khô. Do đó, ta có thể đếm được các lớp gỗ hằng năm để tính tuổi của cây.

3. Tia ruột

Các tia ruột cấp hai là những dải mô mềm đi từ trong ra ngoài,  xuyên qua vòng libe gỗ cấp hai. Tia ruột có thể rất hẹp. Cấu tạo bởi một hay hai dãy tế bào có vách mỏng, kéo dài theo hướng xuyên tâm. Trong trường hợp này, libe và gỗ cấp hai tạo thành một vòng tròn liên tục gọi là hậu thể liên tục.

Đôi khi các tia ruột này có thể loe rộng ra trong libe thành hình phễu, cắt libe cấp hai thành từng bó nhọn. Có trường hợp các tia ruột cấp hai đó rất rộng và cắt vụn vòng gỗ cấp hai thành nhiều bó libe gỗ cấp hai. Tạo thành hậu thể gián đoạn.

Đặc điểm cấu tạo cấp hai của thân cây./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *