1. Đặc điểm cấu tạo trụ giữa của rễ cây
Trụ giữa là một phần quan trọng trong cấu tạo cấp một của rễ cây. Cấu tạo trụ giữa của rễ cây gồm có: trụ bì, hệ thống dẫn, tia ruột và mô mềm ruột. Trụ giữa chiếm vị trí trung tâm của rễ.
2. Thành phần cấu tạo
2.1. Trụ bì
Gồm các tế bào có vách mỏng nằm xen kẽ với tế bào nội bì, có thể là một lớp hay nhiều lớp. Ở các cây ngành Thông và các cây thuộc lớp Ngọc lan, phần trụ bì có khả năng phân sinh. Tại khu vực này, trong miền hóa bần các rễ con sẽ được hình thành. Ngoài ra, theo nhiều tác giả, tầng phát sinh gỗ và cả tầng phát sinh ngoài cũng được hình thành từ trụ bì.
Ở ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ở rễ các cây lớp Hành, trụ bì thường cấu tạo nhiều lớp và lúc trưởng thành thường hóa mô cứng ở các mức độ khác nhau. Trụ bì của ngành Thông thường nhiều lớp và nhiều lúc không đều.
2.2. Hệ thống dẫn
Gồm các bó gỗ và bó libe nằm xen kẽ nhau.
Bó libe cấp một làm thành từng dải nằm ở phần xung quanh của trụ giữa ngay sát trụ bì, còn bó gỗ hình thành nên những chỗ lồi vào mô mềm ruột. Trong bó libe ở ngành Ngọc lan, những mạch rây đầu tiên ở vùng ngoài cùng của bó libe, những bó đó có thể có hoặc không có tế bào bạn. Bó libe của một số họ có thể có thêm sợi libe để làm nhiệm vụ nâng đỡ như họ Đậu (Fabaceae), họ Na (Annonaceae), họ Bông (Malvaceae).
Libe của ngành Thông chưa có cấu tạo hoàn chỉnh thành mạch rây điển hình và mới là các tế bào rây. Bó gỗ cấp một của rễ được cấu tạo theo kiểu phân hóa hướng tâm. Các mạch gỗ sinh ra trước nhỏ hơn, nằm sát trụ bì còn các mạch sinh ra sau lớn hơn được đặt gần trung tâm hơn
2.3. Ruột và tia ruột
Xen kẽ giữa các bó libe và bó gỗ có các tia ruột; trong cùng là mô mềm ruột, gồm các tế bào mô mềm giống với các tế bào mô mềm của yếu tố dẫn.
Cấu tạo trụ giữa của rễ cây./.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn