ĐẶC ĐIỂM THỂ VÙI TRONG TẾ BÀO THỰC VẬT

1. Đặc điểm thể vùi

Thể vùi là một phần cấu tạo của thể nguyên sinh. Thể vùi trong tế bào thực vật là những thể nhỏ bé trong chất tế bào và là những chất dự trữ hay cặn bã.

2. Các loại thể vùi

2.1. Thể vùi loại tinh bột

Đây là loại chất dự trữ phổ biến nhất của thể vùi trong tế bào thực vật (trong củ, thân rễ, hạt…). Mỗi loại cây có dạng tinh bột riêng, kích thước cũng khác nhau cho nên dễ dàng phân biệt giữa chúng với nhau:

Hạt tinh bột Khoai tây (Solanum tuberosum) thường có hình trứng, ở phía đầu nhỏ có một điểm sẫm màu gọi là rốn, quanh rốn là những là vân tăng trưởng đồng tâm có độ ngậm nước khác nhau, kích thước lớn có thể tới 160 μm. Các hạt tinh bột thường đứng riêng (hạt đơn), có khi hai ba hạt dính lại với nhau tạo thành hạt kép, hoặc hai ba hạt được bao chung những vân tăng trưởng tạo hạt nửa kép. Khi Khoai tây nẩy mầm các hạt tinh bột có dạng hạt bị ăn mòn.

Hạt tinh bột Đậu (Phaseolus sp.) có hình bầu dục, rốn dạng rãnh phân nhánh, vân tăng trưởng khó phân biệt, kích thước trung bình 70 μm.

Hạt tinh bột Ngô (Zea mays) có hình nhiều cạnh, rốn hình sao nằm ở giữa, vân tăng trưởng khó thấy. Kích thước trung bình 25 μm.

Hạt tinh bột sắn (Manihot esculenta) có hình chuông, rốn hình chữ x nhỏ nằm lệch về phía đỉnh chuông, vân tăng trưởng khó thấy.

Hạt tinh bột Mỳ (Triticum vulgare) hình đĩa rốn là một điểm ở giữa với các vân tăng trưởng đồng tâm, kích thước khoảng 5-50 μm.

Hạt tinh bột Gạo (Oryza sativa) có hình nhiều cạnh nhỏ, thường tụ tập thành từng đám. Rốn ở giữa, vân tăng trưởng không rõ, kích thước 5 μm.

Hạt tinh bột trong nhựa mủ cây Xương rắn (Euphorbia milii) có những hình thù đặc trưng như hình que, hình chấm, hình quả tạ, hình xương ống.

Thể vùi trong tế bào thực vật
Thể vùi loại tinh bột

Do các hạt tinh bột được cấu tạo từ những tinh thể hình kim xếp vuông góc với vân tăng trưởng thành từng lớp, nên khi soi trên kính hiển vi phân cực ta thấy xuất hiện chữ thập đen mà chỗ giao nhau lại chính là rốn của hạt tinh bột.

 Có thể dựa vào hình thái các hạt tinh bột và tính chất của tinh bột (tinh bột là những polysaccharid (C6H10O5)n khi gặp iod trong kaliiodid (KI3) sẽ bắt màu xanh đen rất đặc hiệu) để kiểm nghiệm thuốc và bột dược liệu.

2.2. Thể vùi loại protid

Trong chất tế bào tồn tại những hạt protid dự trữ, không màu, chiết quang, thường hình cầu hay bầu dục, được gọi là hạt alơron. Kích thước trung bình 50 μm. Về cấu tạo, hạt alơron được bao bởi màng bản chất protid nhưng không định hình, bên trong có 1 – 2 khối hình cầu gọi là á cầu và một khối hình nhiều cạnh gọi là á tinh.

Thể vùi trong tế bào thực vật
Hạt Alơron

Á cầu là khối chất phytin (muôi calci và magnesi inositol phosphat). Á tinh là khối protid kết tinh dễ phồng lên khi gặp nước nhưng không tan trong nước. Hạt alơron là do các không bào khô lại khi hạt chín (hạt Thầu dầu, hạt Đậu, hạt các cây họ Lúa, họ Cần).

2.3. Thể vùi loại lipid

Thường gặp trong chất tế bào thậm chí cả trong lạp lục những giọt dầu nhỏ hình cầu, không màu hay màu vàng, rất chiết quang, không tan trong nước, chỉ tan trong dung môi hữu cơ (benzen, ether, cloroform,…) Với acid osmic chúng bắt màu đen, với sudan III cho màu đỏ da cam. Có ba loại giọt dầu:

Giọt dầu mỡ: Loại này thường ít gặp ở tế bào thực vật, thường thấy trong hạt Lạc, Ngô, Trẩu, Thầu dầu… Dầu không mùi, để lại vết mờ trên giấy.

Giọt tinh dầu: Loại này gặp nhiều ở một số họ thực vật (Lamiaceae, Asteraceae, Lauraceae, Piperaceae…). Tinh dầu là những sản phẩm dễ bay hơi và có mùi. Đó là những hydrocarbon terpenic, và pentadien. Chúng là những sản phẩm thải hồi của các quá trình chuyển hóa trong tế bào. Tinh dầu thường gặp ở những bộ phận khác nhau của cây như ở tế bào biểu bì tiết trong cánh hoa (hoa Hồng, hoa Nhài, Ngọc lan), ở tế bào tiết trong mô mềm của thân Trầu không, Long não; ở các túi tiết trong lá Bưởi, Chanh, những ống tiết ở Mùi, Thìa là, những lông tiết ở Bạc hà, Hương nhu. Tinh dầu thường chiếm một tỷ lệ rất nhỏ khoảng dưới 1% (theo khối lượng) nhưng có giá trị trong ngành Dược và Công nghiệp

Nhựa và gôm: Là những sản phẩm hóa học rất thay đổi. Chúng là kết quả của quá trình oxy hóa và trùng hợp hóa một số dầu. Các nhựa và gôm thường gặp trong những ống chứa đầy nhựa và gôm do những tế bào tiết ở xung quanh tiết ra như ở Thông, Sau sau, Mận, v.v… Ngoài ra nhựa còn gặp cả trong ống nhựa mủ như ở cây Cao su.

2.4. Thể vùi loại tinh thể

Là những chất cặn bã kết tinh. Trong tế bào thực vật thường gặp hai loại tinh thể:

Tinh thể calci oxalat: Trong quá trình trao đổi chất xuất hiện một số thành phần mà cây xanh không sử dụng được như acid oxalic và cation Ca2+. Chúng kết hợp với nhau tạo thành calci oxalat kết tinh. Các tinh thể này dưới nhiều hình dạng khác nhau giúp người dược sĩ phân biệt các loại dược liệu và cây thuốc. Tinh thể calci oxalat gặp ở tế bào nhiều loài và ở nhiều cơ quan khác nhau của cây; ở vỏ củ Hành tinh thể có hình lăng trụ đứng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau thành hình chữ thập; ở lá Trúc đào, tinh thể có hình khối nhiều mặt hình cầu gai hay hình quả dâu; ở lá Bèo tây tinh, thể có hình kim; ở lá Cà độc được tinh thể có hình như hạt cát…

Thể vùi trong tế bào thực vật
Thể vùi loại tinh thể

Tinh thể calci carbonat: Trong lá Đa, lá Dâu tằm, lông che chở lá Vòi voi, thường gặp loại tinh thể calci carbonat có hình một khối xù xì như quả Mít, nhiều gai nhọn gọi là nang thạch.

Đặc điểm thể vùi trong tế bào thực vật./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *