PHÂN LOẠI VÀ MÔ TẢ MỘT SỐ LOẠI RỄ CÂY

Trong tự nhiên có rất nhiều loại rễ cây khác nhau. Sự khác nhau này phụ thuộc vào khả năng thích ứng với môi trường và chức phận sinh lý của từng loại rễ cây. Phân loại rễ cây bao gồm:

1. Rễ trụ

Rễ chính được phát triển từ rễ phôi, hướng thẳng từ trên xuống và đâm sâu xuống đất. Rễ chính phát triển mạnh, đặc trưng cho rễ ngành Thông và rễ cây lớp Ngọc lan.

Loại rễ cây

2. Rễ chùm

Hệ rễ có rễ chính không phát triển mạnh hoặc chết đi, chỉ còn lại hệ thống rễ được tạo thành từ những rễ phát sinh từ dưới thân; chúng phát triển với mức độ gần giống nhau, chiều dài gần bằng nhau, đặc trưng cho các cây lớp Hành (Liliopsida).

3. Rễ củ

Phát triển mạnh và mang nhiều chất dư trữ như tinh bột, inulin. Rễ củ có thể phát triển từ rễ cái như củ Cà rốt (Daucus carota L.), Củ đậu (Pachyrrhirzus erosus Urb.) hoặc từ rễ con như củ Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.).

Loại rễ cây
Rễ củ

4. Rễ phụ

Rễ được sinh ra không phải từ rễ chính hay rễ bên mà là từ thân hoặc lá. Rễ phụ của nhiều cây được hình thành từ phần dưới của thân gần đất. Rễ phụ có nguồn gốc nội sinh.

Ví dụ: Đa búp đỏ (Ficus elastica Roxb. ex. Horn.), Đa bồ đề (Ficus religiosa L.). Các rễ phụ sau khi chạm đất sẽ to dần lên rồi trở thành những cái cột để nâng đỡ cây. Rễ phụ đôi khi còn được gọi là rễ cột.

Loại rễ cây
Rễ phụ

5. Rễ bám

Rễ bám là những rễ mọc ra từ các mấu thân để giúp cây bám chặt vào cây khác hoặc giàn leo. Ví dụ: Rễ bám ở cây Lá lốt (Piper lolot L.).

Loại rễ cây
Rễ bám

6. Rễ khí sinh

Rễ mọc trong không khí, mặt ngoài có môt lớp mô xốp bao bọc để hút hơi ẩm của không khí, gọi là lớp màn. Rễ có màu xanh vì có diệp lục. Ví dụ: rễ phụ ở các loài họ Lan (Orchidaceae)

7. Rễ biểu sinh

Rễ có ở những cây sống nhờ trên các cây khác, song rễ các cây đó chỉ bám vào vỏ những cây gỗ lớn, nhờ những rễ dẹp; nhưng cây này có khả năng hấp thụ nước chảy dọc thân. Lớp tế bào bên ngoài của rễ có chứa chất diệp lục. Ví dụ: họ Lan (Orchidaceae)

8. Rễ cà kheo (rễ chống)

Rễ cà kheo cũng là một loại rễ phụ của các cây họ Đước như cây Đước (Rhizophora mucronata), cây Vẹt (Bruguiera gymnorhiza). Rễ phụ của các cây đó phát triển rất mạnh và mọc vững chắc xuống đất để tăng sức chống đỡ cho cây trước sự xô đẩy của sóng nước.

9. Rễ hô hấp

Rễ hô hấp là loại rễ của nhiều cây sống trong đầm lầy, việc hấp thụ không khí trở nên khó khăn, hệ rễ của các cây đó ngoi lên khỏi mặt nước như cái cọc để hấp thu không khí. Ví dụ: rễ Bụt mọc (Taxodium distichum Rich.).

10. Rễ giác mút (rễ ký sinh)

Rễ của thực vật ký sinh và nửa ký sinh sống nhờ vào những chất hữu cơ sẵn có của cây chủ. Những rễ này đâm sâu vào mô mềm và các bó mạch của cây chủ, hấp thụ những chất hữu cơ cần thiết và nước.

Loại rễ cây
Rễ mút

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *