ĐỊNH NGHĨA VÀ CÁC PHẦN CỦA RỄ CÂY

1. Định nghĩa

Rễ cây là cơ quan sinh trưởng của cây, thường mọc ở dưới đất, từ trên xuống. Rễ không bao giờ mang lá. Rễ không có chất diệp lục trừ rễ khí sinh của họ Lan (Orchidaceae).

Nhiệm vụ của rễ cây:

  • Hấp thụ nước và muối khoáng hòa tan trong nước để nuôi cây.
  • Dự trữ chất dinh dưỡng.
  • Bám chắc vào đất giúp cây đứng vững trong môi trường sống của mình.

2. Các phần (miền) của rễ

Rễ cái là cơ quan hình trụ nón có màu trắng hay nâu nhạt. Rễ cái do rễ phôi phát triển, nối liền với trụ dưới lá mầm, hướng thẳng xuống đất, giữ chặt cây vào đất.

Rễ cây

2.1. Chóp rễ:

Chóp rễ là một bộ phận giống như một cái mũ úp lên đầu ngọn rễ, gồm các tế bào có vách ngoài hóa nhầy để giảm sự va chạm của rễ vào đất và che chở cho miền sinh trưởng của rễ. Các tế bào chóp rễ có chứa các hạt tinh bột; hạt tinh bột thường nằm ở vách gần đất, tham gia vào sự thăng bằng hướng đất của rễ. Chóp rễ tồn tại trong một thời gian rồi rụng đi. Đặc biệt các cây sống ở dưới nước có các chóp rễ rất phát triển.

2.2. Miền sinh trưởng:

Miền sinh trưởng nằm ngay trên chóp rễ. Nó là một mô phân sinh gồm các tế bào có khả năng phân chia nhanh, làm cho các tế bào đó phát triển dài ra, lớn lên và phân hóa thành các mô khác, làm cho rễ ngày càng ăn sâu vào môi trường sống.

Hình dạng và cách phân chia tế bào của vùng khởi sinh tạo thành nhiều kiểu đỉnh rễ khác nhau. Đối với những loài cây thuộc ngành Quyết, như ở các cây họ Cỏ tháp bút (Equisetaceae) hoặc họ Dương xỉ (Polypodiaceae), đỉnh sinh trưởng chỉ có một tế bào khởi sinh. Tế bào này có dạng hình khối bốn mặt. Tế bào thường chia theo bốn mặt để tạo thành các mô của rễ và chóp rễ. Đỉnh rễ với một tế bào khởi sinh thường có đối xứng toả tròn.

Ở các cây có hạt, đỉnh sinh trưởng bao gồm các tế bào của mô phân sinh ngọn, trong đó phân làm ba tầng: Lớp ngoài cùng cho tầng sinh bì và chóp rễ; lớp giữa cho tầng sinh vỏ và lớp trong đặt cơ sở cho tầng sinh trụ giữa.

Có thể phân biệt hai kiểu đỉnh sinh trưởng như sau:

  • Kiểu 1: Đỉnh sinh trưởng gồm 3 nhóm tế bào khởi sinh, chóp rễ và tầng sinh bì được tạo nên bởi cùng một loại tế bào khởi sinh.
  • Kiểu 2: Đỉnh sinh trưởng cũng gồm ba nhóm tế bào khởi sinh. Chóp rễ có nguồn gốc độc lập.

Theo một số tác giả, tầng ngoài cùng sinh ra chóp rễ, còn tầng sinh bì lại được phát triển từ các tế bào của tầng sinh vỏ. Kiểu này được gọi là kiểu khép kín. Kiểu mở là mô phân sinh gồm một nhóm tế bào xếp lộn xộn không thành lớp, nhóm tế bào này sinh ra tất cả các mô của rễ và rất phổ biến ở các cây ngành Thông và một số cây thuộc ngành Ngọc lan.

Rễ cây
Các loại đỉnh sinh trưởng của Rễ

2.3. Miền lông hút:

Miền lông hút mang nhiều lông nhỏ dài từ 5 – 7cm, độ dài của miền không đổi đối với mỗi loài. Miền này đảm nhiệm chức năng chủ yếu của rễ; đó là sự hấp thu nước và muối vô cơ hòa tan. Lông hút sống hoạt động trong một thời gian nhất định. Các lông phía trên sẽ già, chết và rụng đi. Miền lông hút sẽ ngày càng chuyển dần xuống phía đầu ngọn dưới làm cho các lông mới có thể tiếp xúc với vùng đất mới sâu và rộng.

2.4. Miền hóa bần:

Miền hóa bần hay còn gọi là miền phân nhánh. Đối với các cây thuộc ngành Thông và Ngọc lan, trên rễ cái có một vùng sinh ra các rễ con, được gọi là rễ cấp hai. Sau một thời gian phát triển, các rễ con khác nhau phân nhánh từ miền hóa bần của rễ con và được gọi là rễ con cấp ba. Cứ như vậy cả hệ thông rễ cây sẽ được phát triển.

2.5. Cổ rễ:

Cổ rễ là đoạn nối liền với thân. Tại vùng này, hệ mạch dẫn của rễ sẽ chuyển tiếp sang cấu tạo hệ mạch dẫn của thân.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *