ĐỊNH NGHĨA VÀ CÁC PHẦN CỦA THÂN CÂY

1. Định nghĩa

Thân cây là một trong những cơ quan sinh dưỡng quan trọng của cây. Thân cây là cơ quan sinh dưỡng của cây, thường mọc ở trên không, từ dưới lên trên, có nhiệm vụ mang lá, hoa, quả và dẫn nhựa đi khắp cây.

2. Các phần của thân cây

Các bộ phận khác nhau của cây thường được phân biệt với nhau nhờ vào đặc điểm hình thái và giải phẫu. Thân cây là bộ phận có hình dạng dài tạo thành trục mang các cành bên, lá và chồi. Thân cây có các phần chính như sau:

2.1. Thân chính

Là một cơ quan hình trụ nón và thường có mặt cắt hình tròn. Đôi khi mặt cắt là hình tam giác (họ Cói Cyperaceae), hình vuông (họ Bạc hà Lamiaceae). Hình ngũ giác (họ Bí Cucurbitaceae) hay hình dẹt (thân cây Quỳnh Epiphyllum oxypetalum Haw.).

Khi còn non, thân cây có màu xanh lục, đến khi già thì có màu nâu. Chiều cao của thân cây rất đa dạng. Một số cây không có thân như cây Mã đề (Plantago major L.) có lá mọc hình hoa thị sát mặt đất. Bên cạnh đó, một số cây có thân rất cao như cây Chò chỉ (Cúc Phương) cao tới 70m.

Mặt ngoài của thân có thể nhẵn; có khía dọc (họ Cần Apiaceae) hoặc có cánh (cây Củ cái họ củ nâu Dioscoreaceae). Trong thân cây có thể đặc hoặc rỗng (họ Lúa Poaceae). Thân có thể mang các lông che chở, lông tiết (Lamiaceae) hoặc mọng nước (họ Xương rồng Cactaceae, họ Thuốc bỏng Crassulaceae).

Cây có thể mang một thân giả do các bẹ lá úp lên nhau tạo thành như ở các cây họ Gừng (Zingiberaceae).

2.2. Mấu và gióng

Phần trên thân cây nơi mọc ra lá và chồi đươc gọi là các mấu, vị trí giữa hai nốt liên tiếp thì gọi là gióng hay lóng. Hướng mọc của thân có thể thẳng đứng, mọc ngang hoặc leo. Tất cả các thân, dù dài hay ngắn, mọc đứng hay mọc ngang đều được phân biệt bởi sự có mặt của đốt và gióng.

2.3. Chồi

Phần thân không dài ra, có các gióng ngắn và lá non, được bao bọc bằng các lá bắc chồi thì gọi là chồi. Chồi ngọn ở đầu ngọn thân cây, còn chồi bên mọc ở kẽ các lá về sau phát triển thành cành hoặc thành hoa.

Các loại chồi thường gặp: Chồi lá là loại chồi chỉ mọc ra cành và lá; chồi hoa là loại chỉ mọc ra hoa và chồi hỗn hợp là loại chồi có thể mọc ra cả lá và hoa.

2.4. Cành

Từ các chồi bên mọc ra các cành ở ngay phía ngoài mặt thân cây. Cành cũng có đủ các bộ phận như thân chính, nhưng kích thước nhỏ hơn. Cành có hướng mọc là nghiêng chứ không thẳng đứng như thân chính.

Tùy theo tỷ lệ tương đối giữa thân, cành và tuổi của cây, người ta phân biệt các loại cây khác nhau. Mỗi loài cây có một góc đặc trưng giữa cành và thân cây. Góc đó có thể rất nhỏ và cành gần như mọc đứng (ví dụ: Trắc bách – Platycladus orientalis Franco). Góc vuông và cành nằm ngang (ví dụ: Bàng – Terminalia cattapa L., Gạo – Bombax malabaricum DC.). Hoặc góc tù tạo thành các cành rủ xuống (ví dụ: Liễu – Salix babylonica L.)

2.5. Gốc

Đây là phần tận cùng của thân ở trên mặt đất, nơi tiếp giáp với cổ rễ. Ở một số cây có phần gốc lồi ra để tăng cường độ vững chắc cho cây, gọi là bành gốc.

Ví dụ: cây Gạo (Bombax malabaricum DC.), cây Xà cừ (Khaya senegalensis A. Juss.).

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *