1. Khái niệm Mô thực vật
Các cơ quan của cây (rễ, thân, lá, hoa, quả và hạt) có hình thái rất khác nhau. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu cấu tạo giải phẫu bên trong thì sẽ nhận thấy chúng được cấu tạo từ những đơn vị cấu trúc tương tự nhau – đó là tế bào và mô; với thực vật được gọi là mô thực vật. Mỗi loại tế bào được biến đổi cho phù hợp với một chức phận sinh lý nhất định.
Mô (tiếng Anh là tissues) là tổ chức của các tế bào thuộc một hoặc một số loại tế bào có nguồn gốc và chức phận chung.
Nếu mô được cấu tạo chỉ từ một loại tế bào đảm nhiệm một chức năng thì gọi là mô đơn, ví dụ: biểu bì, mô phân sinh, v.v…
Nếu mô cấu tạo từ một vài loại tế bào đảm nhiệm một vài chức năng nhất định thì gọi là mô phức, ví dụ: libe là mô dẫn bao gồm sợi libe, mô mềm libe, v.v… Một số các mô khác nhau kết hợp lại thành một cấu trúc của mỗi một cơ quan của cơ thể.
2. Phân loại Mô thực vật
- Theo hình dạng, kích thước tế bào, gồm hai loại: Mô mềm (cấu tạo bởi các tế bào có kích thước bằng nhau theo mọi hướng) và mô tế bào hình thoi (cấu tạo bởi những tế bào phát triển mạnh theo một hướng).
- Theo nguồn gốc, gồm hai loại: Mô phân sinh (cấu tạo bởi những tế bào còn khả năng sinh sản ra những mô mới) và mô vĩnh viễn (không có khả năng sinh sản).
- Theo chức phận sinh lý, gồm sáu loại: Mô phân sinh, mô dinh dưỡng (mô mềm), mô che chở, mô nâng đỡ, mô dẫn và mô tiết.
3. Đặc điểm Mô thực vật
Các loại tế bào và mô được phát triển thông qua quá trình chuyên hóa. Xét một cây trong quá trình sinh trưởng và phát triển của nó, trước hết người ta nghiên cứu về cấu tạo của loại mô giúp cây phát triển về chiều dài và chiều rộng, đó là các mô phân sinh. Các tế bào này thường có dạng vòm với nhân lớn.
Trong điều kiện nhất định, các tế bào này sẽ phân chia rất nhanh và tạo thành các tế bào giống hệt nhau, có kích thước lớn hơn tế bào gốc ban đầu. Sự hình thành các đám tế bào này giúp cho cây tăng trưởng.
Bên cạnh quá trình tăng sản về số lượng, ở mô phân sinh còn xuất hiện quá trình biệt hóa, hình thành nên các loại mô khác có hình dạng và chức năng khác nhau. Do đó, trong một đoạn đầu ngọn thân rất ngắn (chừng vài milimet), người ta phát hiện được có 3 loại mô khác nhau: Tầng phát sinh vỏ, tầng sinh mô mềm và tầng phát sinh gỗ. Ba loại mô này được biệt hóa trực tiếp từ mô phân sinh ngọn, sau này phát triển thành các loại mô: Biểu bì, mô mềm (vỏ và ruột) và mạch dẫn (gỗ và libe).
Ngoài ra, trong quá trình phát triển, một số loại mô khác được hình thành đảm nhiệm các chức phận đặc biệt khác của cây như mô tiết, mô dày và mô cứng.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn