MÔ TẢ VÀ PHÂN LOẠI THÂN CÂY

1. Phân loại thân cây

Tùy theo nơi sống và dạng thân, người ta phân loại thân cây thành hai loại sau: Thân khí sinh và thân địa sinh.

Phân loại thân cây

2. Đặc điểm

2.1. Thân khí sinh

2.1.1. Thân đứng

  • Thân cây gỗ to, hóa gỗ và phân nhánh. Ví dụ: Sấu (Dracontomelon duperreanum Pierre), Ngọc lan hoa trắng (Michelia alba L.).
  • Thân cột: Thân hình trụ, thẳng, không phân nhánh, mang một bó lá ở ngọn. Ví dụ: Cau (Areca catechu L.), Dừa (Cocos nucifera L.).
  • Thân rạ: Thân rỗng ở các gióng và đặc ở các mấu. Ví dụ: Lúa (Oryza sativa L.), Tre (Bambusa bambos (L.) Voss.).
Phân loại thân cây
Thân đứng – Thân cột – Thân rạ

2.1.2. Thân bò

Thân không đủ cứng rắn để mọc thẳng đứng cho nên phải mọc bò lan trên mặt đất. Ví dụ: Dâu tây (Fragaria vesca L.), Rau má (Centella asiatica Urb.).

Phân loại thân cây
Rau má

2.1.3. Thân leo

Thường được gọi là “dây” hay “đằng”. Đó là những thân không đủ cứng rắn để mọc thẳng một mình nhưng lại có thể dựa vào những cây khác hoặc giàn để vươn lên cao, đưa lá ra ánh sáng. Cây có thể leo bằng:

  • Thân quấn: Dây leo bằng cách tự quấn chung quanh giàn hoặc giá đỡ. Ví dụ: Thiên lý (Telosma cordata Merr.) Mồng tơi (Basella alba L.), v.v. Chiều quấn của thân không thay đổi trong một loài cây. Ví dụ: Thân cây Bìm bìm (Merremia bimbim (Gagnep.) Van Ouststr.) quấn từ trái sang phải.

Phân loại thân cây

  • Tua quấn: Cành hay lá biến đổi thành những sợi xoắn dùng để quấn chặt cây vào giàn. Ví dụ: Tua quấn của Đậu Hà lan (Pisum sativum L.) là do lá biến đổi thành. Tua quấn của các cây họ Bí – Curcubitaceae như Bí đao (Benincasa hispida (Thunb.) Cogn.), Mướp (Luffa cylindrica (L.) Roem.) là do cành biến đổi.

Phân loại thân cây

  • Thân leo nhờ rễ bám: Như Trầu không (Piper betle L.) hoặc nhờ rễ mút như cây Tầm gửi (Loranthus chinensis DC.); nhờ các móc như cây Câu đằng (Uncaria rhynchophylla (Miq.) Jacks.)

Phân loại thân cây

2.2. Thân địa sinh

Thân địa sinh mọc ở dưới đất nhưng không bị nhầm lẫn với rễ vì có mang những lá biến đổi thành vẩy khô hay mọng nước. Có ba loại thân ngầm như sau:

2.2.1. Thân rễ

Thân cây dài, mọc nằm ngang dưới đất, trông như rễ, nhưng khác rễ vì mang những lá biến đổi thành vẩy khô. Trong thân rễ có nhiều chất dự trữ như tinh bột; nhiều thân rễ được sử dụng làm thuốc như Gừng (Zingiber officinale (Willd.) Roscoe.), Riềng (Alpinia officinarum Hance.), Nghệ (Curcuma longa L.), Thiên niên kiện (Homalomena occulta (Lour.) Schott), v.v…

Phân loại thân cây

2.2.2. Thân hành

Thân đứng thẳng, rất ngắn, mặt dưới mang rễ, xung quanh mang nhiều lá biến đổi thành vảy mọng nước và chứa nhiều chất dự trữ. Có ba loại thân hành, thường được gọi là giò:

  • Thân hành áo: Các lá mọng nước ở bên ngoài bao bọc hoàn toàn các vẩy ở bên trong tựa như một lớp áo phủ ở ngoài. Ví dụ: Hành (Allium fistulosum L.), Tỏi (Allium sativum L.).

Phân loại thân cây

  • Thân hành vẩy: Các lá mọng nước úp lên nhau như những viên ngói trên mái nhà. Ví dụ: Bách hợp (Lilium brownii F.E. Brown).
  • Thân hành đặc: Phần thân cây gọi là phiến tương đối dày và chứa nhiều chất dự trữ còn các vảy mỏng và khô, chỉ có tác dụng che chở. Ví dụ: La dơn.

2.2.3. Thân củ

Thân phồng to lên vì trong chứa nhiều chất dự trữ. Ví dụ: củ Khoai tây sinh bởi cành ở gốc cây phát triển thành củ ở dưới đất. Củ Su hào (Brassica caulorapa Pasq.) cũng là một thân củ nhưng mọc ở trên mặt đất.

Phân loại thân cây

Mô tả và phân loại thân cây./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *