1. Lịch sử về tế bào thực vật
1.1. Khái niệm tế bào
Sơ lược lịch sử về tế bào thực vật gắn liền với tên tuổi của hai nhà sinh vật học Đức vào đầu thế kỉ 19 là Schwann và Schleiden, những người đã đề ra thuyết tế bào: tất cả các sinh vật đều cấu tạo bởi tế bào. Tuy nhiên, trước khi lý thuyết tế bào ra đời, những nét cơ bản của khái niệm này đã được nhiều tác giả đề cập tới và coi tế bào như những đơn vị của các cơ thể sống.
Từ tế bào (cellula, tiếng La tinh nghĩa là buồng nhỏ) do Robert Hooke, nhà vật lý học người Anh (người phát minh kính hiển vi) đưa ra vào năm 1665. Hooke lần đầu tiên đã sử dụng thuật ngữ này để gọi các đơn vị nhỏ được giới hạn bằng các vách có thể thấy được trong mô bần dưới kính trường phóng đại, ông đã nhận biết được tế bào ở những mô thực vật khác nhau và thấy rằng các khoang của tế bào sống được chứa đầy “dịch”.
1.2. Chất nguyên sinh
Chất chứa đựng trong tế bào có tên là chất nguyên sinh nghĩa là chất sống ở dạng đơn giản nhất. Với những nghiên cứu tiếp theo về tế bào, người ta ngày càng chú ý tới chất nguyên sinh và thể vùi của nó và đã phát triển quan điểm cho rằng chất nguyên sinh là phần chính của tế bào, còn vách không phải là thành phần cần thiết, ở các tế bào thực vật, vách tế bào dường như là một chất tiết của chất nguyên sinh, tức là nguồn gốc của nó còn phụ thuộc vào chất nguyên sinh.
Năm 1880, Hanstein dùng thuật ngữ thể nguyên sinh để gọi một đơn vị chất nguyên sinh chứa trong một tế bào và đề nghị dùng thuật ngữ này thay cho thuật ngữ “tế bào”. Nhưng thuật ngữ tế bào vẫn được duy trì và là tên gọi thích hợp với thể nguyên sinh có vỏ bọc của nó ở các tế bào thực vật.
2. Thành phần của chất nguyên sinh và không phải chất nguyên sinh
Thành phần chất nguyên sinh gồm: chất tế bào là chất nguyên sinh chứa đựng các hạt nhỏ khác nhau và hệ thống màng; nhân là thể được coi là trung tâm của hoạt động tổng hợp, điều hòa và là nơi chứa các đơn vị di truyền; Lạp là các thể gắn liền với quá trình trao đổi chất, đặc biệt là quá trình quang hợp; Thể tơ là thể nhỏ hơn lạp và được biết có tham gia vào các hoạt động hô hấp.
Thành phần không phải chất nguyên sinh gồm: không bào và ít nhiều thể vùi như các tinh thể, hạt tinh bột và giọt dầu. Những chất không phải là chất nguyên sinh trong chất tế bào và không bào là những chất dinh dưỡng hoặc những sản phẩm khác nhau của quá trình trao đổi chất và thường được liệt vào chất hậu sinh. Vách tế bào được coi như cấu tạo từ những chất hậu sinh không được giữ lại trong thể nguyên sinh mà đọng lại ở bề mặt của nó.
Trong các phần của thể nguyên sinh, những thành phần của chất nguyên sinh là những chất sống, còn thành phần không phải chất nguyên sinh là chất không sống. Không thể vạch một ranh giới rõ rệt những thành phần sống và không sống. Những chất riêng lẻ họp thành chất nguyên sinh như protein, mỡ, nước nếu tách riêng, đều là những phần không sống, nhưng lại là “sống” khi là thành phần của chất nguyên sinh. Những chất không phải là chất nguyên sinh như tinh thể, thể dầu hoặc tinh bột là không sống ngay cả khi chúng nằm trong chất nguyên sinh, nhưng những chất này hoặc các thành phần của chúng có thể kết hợp trong chất nguyên sinh sống thông qua các hoạt động trao đổi chất.
Như vậy, tế bào có thể được xác định như một thể nguyên sinh có hoặc không có vỏ không sống bao bọc (vách tế bào), bao gồm các thành phần của chất nguyên sinh và những nguyên liệu không phải là chất nguyên sinh có liên quan mật thiết với hoạt động sống của thể nguyên sinh. Thuật ngữ tế bào cũng được dùng cho những di tích chết của một tế bào thực vật bậc cao chỉ còn vách tế bào là chính.
Sơ lược lịch sử về tế bào thực vật
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn