Bài viết Bệnh thiểu năng tuần hoàn não trong y học hiện đại của Ths.Bs.Trịnh Văn Cường.
Đây là một trong những bệnh gặp rất nhiều trên lâm sàng, mặt khác phạm vi về bệnh lý này cũng vô cùng rộng lớn. Tất cả những lý do khiến cho lưu lượng máu lên não bị suy giảm thì được coi là nguyên nhân gây ra thiểu năng tuần hoàn não (thiểu năng = suy giảm chức năng). Trong chuyên đề này xin được chia làm hai bài viết: một bài viết thuần về YHHĐ, một bài viết về thuần YHCT. Trước tiên xin được giới thiệu với các bạn bài viết về YHHĐ.
Để hiểu rõ về bệnh lý này trước hết cần phải tìm hiểu về tuần hoàn não, hiểu rõ được não được nuôi dưỡng như thế nào. Có hai động mạch là ĐỘNG MẠCH CẢNH TRONG cung cấp máu cho 2/3 trước của bán cầu đại não, chia thành hai ngành là ngành nông tạo nên mạng lưới động mạch vỏ não và ngành sâu đi thẳng vào phần sâu của não tới các cấu trúc của trung tâm; ĐỘNG MẠCH ĐỐT SỐNG cung cấp máu cho 1/3 sau của bán cầu đại não và thân não. Các nhánh nối thông ở nền sọ của hai hệ động mạch này tạo thành đa giác Willis.
Chính bởi vì não được nuôi dưỡng bởi hai hệ động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống nên các nguyên nhân thường gặp nhất gây thiểu năng tuần hoàn não là xơ vữa động mạch (các mảng lipid máu bám vào thành mạch gây xơ vữa), thoái hóa đốt sống cổ (gây chèn ép hai động mạch đốt sống), huyết áp thấp mạn tính. Đó là 3 nguyên nhân phổ biến thường gặp nhất ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như chấn thương sọ não, có khối u chèn ép động mạch cảnh, động mạch não, viêm tắc động mạch, tiểu đường, béo phì, …. Hoặc các tổn thương dị dạng mạch máu bẩm sinh đều có thể là nguyên nhân.
LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng của thiểu năng tuần hoàn não thường gặp nhất là: NHỨC ĐẦU (chiếm 91% trường hợp) nhức đầu phổ biến nhất là tính chất lan tỏa khắp đầu, bệnh nhân không đau nhiều, chỉ than phiền có cảm giác căng nặng ở trong đầu. CHÓNG MẶT (chiếm 87% trường hợp) có thể cảm thấy hoa mắt, mặt tối sầm, hơi hơi loạng choạng khi đi đứng, đặc biệt là khi thay đổi tư thế từ nằm sang đứng đột ngột. DỊ CẢM thường là những cảm giác không thật, bất thường do bệnh nhân tự cảm thấy như tê tê bì bì ở đầu ngón tay, cảm giác kiến bò là biểu hiện rất sớm của vữa xơ động mạch não, cảm giác như có tiếng ve kêu, cối xay lúa trong tai. NGOÀI RA còn có các triệu chứng khác như rối loạn giấc ngủ, rối loạn về sự chú ý, rối loạn cảm xúc, rối loạn trí nhớ,… Tuy nhiên về cơ bản với ba triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, dị cảm là cũng rất đầy đủ để chẩn đoán xác định thiêu năng tuần hoàn não. Vấn đề còn lại chỉ là tìm nguyên nhân gây nên thiêu năng tuần hoàn não.
Như đã nói về nguyên nhân thường gặp nhất là xơ vữa động mạch, thoái hóa đốt sống cổ, huyết áp thấp. Với huyết áp thấp thì chỉ cần đo huyết áp là có thể chẩn đoán sơ bộ. Với thoái hóa đốt sống khi thăm khám yêu cầu bệnh nhân quay cổ trái phải nếu cảm thấy choáng váng, chóng mặt là có thể sơ bộ đánh giá động mạch sống nền bị chèn ép. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH có giá trị nhất là dựa vào siêu âm Doppler động mạch hoặc chụp động mạch não
PHÂN BIỆT
Nguy cơ cao nhất của thiểu năng tuần hoàn não là ĐỘT QUỴ, do đó việc chẩn đoán sớm là cực kỳ quan trọng. Chẩn đoán có giá trị nhất là dựa vào lâm sàng kết hợp với siêu âm doppler mạch hoặc chụp động mạch não. CHẨN ĐOÁN PH N BIỆT hàng đầu cần chú ý đó là rối loạn tiền đình. Thiểu năng tuần hoàn não và rối loạn tiền đình là hai bệnh lý khác nhau. RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH biểu hiện đặc trưng nhất là chóng mặt đi kèm buồn nôn, hoa mắt chóng mặt ù tai, mất thăng bằng đi lảo đảo. THIỂU NĂNG TUẦN HOÀN NÃO là chóng mặt nặng đầu khi thay đổi tư thế chứ không có đi lảo đảo như rối loạn tiền đình. Cần lưu ý thiểu năng tuần hoàn não là một yếu tố gây nên rối loạn tiền đình. Thiểu năng tuần hoàn não là bệnh có liên quan đến việc lưu thông máu đến não, còn rối loạn tiền đình là bệnh có liên quan đến tiền đình. Phân biệt chính xác nhất dựa vào cận lâm sàng như siêu âm dopple mạch hoặc chụp động mạch não.
ĐIỀU TRỊ
Điều trị nội khoa là ưu tiên hàng đầu, tìm nguyên nhân và giải quyết tốt các triệu chứng. Điều trị ngoại khoa can thiệp khi tình trạng bệnh nặng lên và không thuyên giảm, đặc biệt là tình trạng do xơ vữa mạch đưa đến đe dọa đột quỵ trong tương lai.
CÁC THUỐC CẢI THIỆN TUẦN HOÀN NÃO tác động trên nhiều cơ chế khác nhau như STUGERON làm giãn mạch não, tăng cung cấp oxy não như DUXIL, tăng lưu thông mạch máu như PIRACETAM. Các thuốc có cả dạng uống và tiêm như TANGANIL, dạng tiêm như CEREBROLYSIN, dạng uống đơn thuần như SIBELIUM,…
GIẢM CHÓNG MẶT có thể dùng các thuốc kháng histamine, thuốc kháng cholinergic, các miếng dán chứa scopolamine.
GIẢM ĐAU có thể dùng các giảm đau thông thường như Paracetamol hoặc giảm đau chống viêm không steroid. Thuốc CHỐNG LO U như diazepam (Valium), alprazolam (Xanax).
KINH NGHIỆM CỦA TÁC GIẢ
Nếu chẩn đoán xác định thiểu năng tuần hoàn não thì phải tìm được nguyên nhân gây bệnh, với ba nguyên nhân chính như xơ vữa mạch, thoái hóa đốt sống cổ, huyết áp thấp. Song song với đó cần phải loại trừ các bệnh lý khối u, dị dạng mạch não; yên tâm nhất vẫn là nên yêu cầu bệnh nhân đi chụp động mạch làm cái siêu âm Doppler mạch. Với kinh nghiệm điều trị bằng Y học hiện đại thì có hai loại thuốc mình vô cùng yêu thích khi dùng trên lâm sàng, khả năng cắt triệu chứng cực kỳ thần tốc, gần như chỉ ngày một ngày hai là bệnh nhân khỏi ngay đó là Nootropyl và Tanganil. Tuy nhiên lưu ý đâu là thuốc cắt triệu chứng và phải dùng đường tiêm.
1. NOOTROPYL hoạt chất chính là Piracetam, đây là hàng của Công ty Aesica Pharmaceuticals S.r.l – ITALY. Tác dụng tăng cường máu lên não. Loại này một hộp có 4 ống, mình thường dùng loại 3g/15ml; giá khá chát khoảng gần 180k/1 ống, một hộp 4 ống khoảng 700k. Hai năm nay dịch bệnh nên thuốc này thuộc loại khan hiếm bậc nhất trên thị trường, trước chưa có dịch mình mua có 70-80k/1 ống.
2. TANGANIL hoạt chất là Acetyl leucine, hàng của PHÁP, cơ chế tác dụng của Acetyl leucine vẫn chưa được khẳng định rõ ràng, đây là thuốc cắt cơn chóng mặt do mọi nguyên nhân cực hiệu quả. Là thuốc hàng đầu để chữa chóng mặt.