ĐẶC ĐIỂM CỦA THỂ LẠP TRONG TẾ BÀO THỰC VẬT

1. Đặc điểm của Thể lạp

Thể lạp trong tế bào thực vật là những thể nhớt, chúng có thể biểu hiện những biến đổi hình thể dạng amip.

Về mặt siêu cấu trúc, người ta thấy rằng lạp có màng giới hạn bên ngoài, thường là màng kép, có thể có một hệ thống màng bên trong tương đối phức tạp, mặc dù chúng thay đổi về cấu trúc chức năng, các lạp được liên hệ với nhau qua sự hình thành từ những cấu trúc mầm tương tự ở các mô phân sinh và một loại lạp có thể biến đổi thành loại lạp khác.

Thể lạp trong tế bào thực vật là những thể của thể nguyên sinh, dựa trên bản chất các chất màu mà thể lạp được phân thành ba loại: Lạp lục, Lạp màu và Lạp không màu.

2. Các loại thể lạp

2.1. Lạp lục

Lạp lục có nhiều, trong mô quang hợp chính trong phần thịt của lá, chúng cũng có thể ở các phần màu lục khác của cây và ngay cả những mô ở sâu cách xa ánh sáng như trong tế bào mô mềm của các mô dẫn hoặc ở phôi được vỏ hạt và quả bọc kín. Màu xanh lục, có vai trò đồng hóa ở cây xanh và tảo.

Ở thực vật bậc cao, lạp lục có dạng hình cầu, hình bầu dục, hình thấu kính hay hình thoi. Ở tảo, lạp lục dưới dạng khác nhau gọi là thể sắc. Các thể sắc này hình xoắn như ở tảo xoắn (Spirogỵra sp.) có dạng hình ngôi sao như ở tảo sao (Zỵgnema sp.) và dạng hình mạng gặp ở tảo sinh đốt (Oedogonium sp.)

Thể lạp trong tế bào thực vật
Thể lạp trong tảo
A. Tảo sao (Zỵgnema sp.) C. Tảo xoắn (Spirogyra sp.)
B. Tảo sinh đốt (Oedogonium sp.) D. Dranarpandia sp.

 

Lạp lục có kích thước rất nhỏ 4 – 10 μm. Mỗi lạp lục đều được bao bọc bởi một màng kép gồm hai lớp màng cách nhau một khoảng rỗng. Lớp màng ngoài nhẵn, lớp màng trong nhô ra nhiều phiến mỏng, trên đó có những hạt xếp từng chồng như úp bát nối các phiến lại với nhau tại chỗ này hay chỗ kia. Tại các hạt này tập trung chất diệp lục.

Thể lạp trong tế bào thực vật
Cấu tạo của lạp lục

Sơ đồ cấu tạo lạp lục (trên): 1. Chất nền       2. Hạt        3. Phiến

Một phần của lạp lục (dưới)

Bằng phương pháp tế bào học và hiển vi điện tử người ta đã xác định thành phần hóa học lạp lục gồm protein, phospholipid, các chất màu, ARN, ADN… Chất màu gồm nhiều loại nhưng các diệp lục (chlorophyll), chiếm chủ yếu, ngoài ra còn có các carotenoid (caroten, xantophin) và nhiều chất màu khác như furoxanthin, phycoerythrin, phycoxyanin

2.2. Lạp màu

Lạp màu là thể lạp có màu: vàng, da cam, đỏ hay một dãy màu trung gian khác, thường tạo cho cánh hoa, quả, lá, rễ cây những màu sắc khác màu xanh của diệp lục, những màu này thuộc nhóm carotenoid. Lạp màu cũng có hình dạng rất khác nhau: Hình cầu, hình thoi, hình kim, hình dấu phẩy hay hình khối nhiều mặt. về cấu trúc, lạp màu không có cấu tạo các phiến như ở lạp lục. Các chất màu thường gặp như caroten (C40H56) có màu đỏ da cam ở củ Cà rốt và quả Gấc. Lycopin đồng phân của caroten, gặp nhiều ở quả Cà chua chín. Xanthophin (C40H56O2) có màu vàng của lá các cây rụng lá về mùa thu; zeaxanthin có trong Ngô; capsanthin có trong quả Ớt. Chức năng chính của lạp màu là quyến rũ sâu bọ để thực hiện thụ phấn, và phát tán quả và hạt.

Thể lạp trong tế bào thực vật
Lạp màu trong các tế bào quả

2.3. Lạp không màu

Lạp không màu là loại lạp nhỏ không mang màu và thường gặp ở những cơ quan không màu của thực vật bậc cao, nhất là ở các mô phôi ngọn rễ, ngọn thân, cánh hoa màu trắng, nội nhũ của hạt.

Về hình dạng, lạp không màu có hình hầu dục, hình tròn, hình thoi hay hình que. Đó là những lạp thể nhỏ nhất thường tập trung quanh nhân tế bào hoặc nằm rải rác trong chất tế bào. Ta có thể quan sát lạp không màu ở tế bào biểu bì lá cây Lẻ bạn (Rhoeo discolor), lá Khoai lang (Ipomoea batatas) lá Thài lài tía (Zebrina pendula)…

Lạp không màu là nơi đúc luyện tinh bột vì các glucid hòa tan trong chất tế bào thường kéo đến lạp không màu rồi tích lũy dưới dạng tinh bột. Chính vì vậy mà lạp không màu còn hay gặp ở các cơ quan dự trữ dưới đất như thân rễ, rễ củ và thân củ. Ngoài ra một số ý kiến còn cho rằng chính lạp không màu còn có khả năng tạo mỡ và tạo protid trong tế bào.

Thể lạp trong tế bào thực vật
Lạp không màu

Lạp không màu có thể chuyển thành lạp lục cho nên củ Khoai tây để ra ánh sáng ta thấy có màu xanh lá cây. Lạp lục, lạp không màu và lạp màu có mối quan hệ với nhau, chúng có cùng nguồn gốc từ tiền thể lạp, từ đấy có thể chuyển thành lạp lục, lạp không màu hay lạp màu.

Đặc điểm của thể lạp trong tế bào thực vật./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *