CẤU TẠO CỦA THỂ NGUYÊN SINH

1. Đặc điểm cấu tạo của thể nguyên sinh

Thể nguyên sinh, còn gọi là chất nguyên sinh, là nội dung của tế bào trừ nhân, được bao quanh bởi vách tế bào. Cấu tạo của thể nguyên sinh gồm:

  • Chất tế bào
  • Các thể sống nhỏ (thể tơ, thể ribo, thể golgi, thể lạp)
  • Thể vùi (tinh thể, dầu, alơron, tinh bột)
  • Không bào
Cấu tạo của tế bào thực vật
Một phần cấu tạo của tế bào thực vật
1. Vách tế bào;
2. Màng sinh chất;
3. Sợi nội chất;
4. Khoang sợi nội chất;
5. Hệ golgi;
6. Ti thể;
7. Lạp lục;
8. Chất nền và thể Ribo;
9. Nhân;
10. Màng nhân;
11. Lỗ nhân;
12. Hạch nhân;
13. Chất nhiễm sắc;
14. Dịch nhân

2. Chất tế bào:

Chất tế bào là chất sống cơ bản của tế bào. Chất tế bào bao gồm hệ thống, màng: màng nguyên sinh chất (màng ngoài), màng không bào (màng trong), hệ thống lưới nội chất, các sợi liên bào và một hỗn hợp chất nền trong đó không có một cấu trúc hằng định nào khác.

Chất tế bào có thành phần hóa học rất phức tạp và không ổn định. Các nguyên tố chính là C, H, O, N và một số nguyên tố cần thiết như S, P, Co, Mg, K, Na, Cl, Fe, Zn, Al, … Phần lớn các thành phần là sản phẩm của quá trình trao đổi chất (chất dự trữ, chất bài tiết…) mà không phải là chất sống. Chất sống căn bản của quá trình sống là protid.

Phân tích hóa học chất tế bào rất khó khăn vì đó là một chất phức tạp, luôn luôn thay đổi, và chỉ chiếm một phần trong tế bào, khó tách riêng khỏi các phần khác. Đối với các thực vật bậc cao, lại càng khó khăn hơn, vì xung quanh tế bào có vách cellulose bao bọc và trong tế bào lại còn có nhiều dịch tế bào.

Cấu tạo của thể nguyên sinh
Sự chuyển động của chất tế bào ở lá Tóc tiên nước

3. Các thể sống nhỏ:

3.1. Thể tơ (mitochondrin)

Là các thành tố hằng định của các thể nguyên sinh, là những tổ chức rất nhỏ bé chỉ gặp ở những tế bào có nhân thực (Eucaryota), còn ở những tế bào tiền nhân (Procaryota) thì không có tổ chức này.

Cấu tạo của thể nguyên sinh
Thể tơ

1.Gờ    2. Lớp ngoài màng kép  3. Lớp trong màng kép

Nhờ các enzym, thể tơ được coi là trung tâm hô hấp và là nhà máy năng lượng của tế bào. Quá trình sinh lý đặc biệt này xảy ra nhờ sự hấp thụ oxy và giải phóng CO2 và nước cùng với những năng lượng cần thiết cho hoạt động sống của tế bào.

3.2. Thể lạp

Thể lạp là những thể của thể nguyên sinh được giới hạn rõ ràng, có cấu trúc và chức năng đặc biệt, ở các thực vật bậc thấp có thể không có lạp hoặc chỉ chứa một hoặc hai lạp trong một tế bào, nhưng ở thực vật bậc cao mỗi thể nguyên sinh thường chứa nhiều lạp, tế bào động vật không có bộ phận tương thích với lạp.

Tùy theo bản chất các chất màu mà người ta phân thể lạp ra làm ba loại: lạp lục, lạp màu và lạp không màu.

Cấu tạo của thể nguyên sinh
Lạp lục

4. Thể vùi:

Là những thể nhỏ bé trong chất tế bào và là những chất dự trữ hay cặn bã.

5. Không bào:

Không bào là những khoảng trống trong chất tế bào, chứa đầy chất lỏng gọi là dịch không bào hay dịch tế bào. Toàn bộ các không bào trong một tế bào gọi là hệ không bào.

Bằng thuốc nhuộm tế bào như xanh methylen, xanh cresyl người ta dễ dàng quan sát được các không bào. Ở tế bào mô phân sinh không bào nhỏ li ti khó phân biệt, chúng rất nhiều và chứa dịch đậm đặc. Ở những tế bào đã phát triển, các không bào tập hợp lại, nên số lượng giảm đi, nhưng kích thước lại lớn lên. Ở các tế bào già thường chỉ còn một không bào lớn nằm ở giữa, nó đẩy nhân và chất tế bào ra sát vách, tế bào hết chức năng sống, lúc đó thường tế bào chỉ còn vách và không bào.

Về thành phần hóa học của dịch tế bào, chúng ta cần quan tâm vì chính những thành phần này đã đóng góp cho ngành dược những chất có tác dụng chữa bệnh quan trọng.

Cấu tạo của thể nguyên sinh./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *