Với tôi, đã có một mong ước từ lâu là được ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để tìm hiểu về hệ thực vật và các loại cây cỏ dùng làm thuốc.
Tuy nhiên, mong ước chính đáng này cũng không dễ gì mà thực hiện được trong ngày một ngày hai. Với việc ra Trường Sa, dù khó cũng còn có khả năng, còn ra Hoàng Sa để nghiên cứu, thì quả thật không biết phải đợi đến bao giờ.
Trong lúc đợi thực hiện được ước mơ lớn đó, thì đành dựa vào các tài liệu nghiên cứu trước đây (nghiên cứu gần đây nhất cũng từ năm 1973, cách nay hơn 40 năm) để tổng quan lại về hệ thực vật và các cây cỏ được sử dụng làm thuốc ở hai Quần đảo của chúng ta. Do bản thân năng lực tìm kiếm thông tin tài liệu có hạn nên không kiếm được nhiều tài liệu tham khảo. Hy vọng khi đọc xong bài này, các bạn có thông tin gì mới/khác thì có thể chia sẻ để hoàn thiện hơn. Các tài liệu này cũng đã cũ, sơ sài, có nhiều sai sót. Mặt khác, qua thời gian, nhiều thông tin đã thay đổi nên tôi cố gắng tổng hợp và chỉnh lý lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Về hệ thực vật
Hiện đã ghi nhận được 48 loài có mặt ở cả hai Quần đảo, thuộc 25 họ thực vật, 41 chi và 48 loài khác nhau. Có 5 loài chưa xác định chính xác tên khoa học (2 loài tới họ, 3 loài tới chi). Trong đó, họ Lúa – Poaceae có số loài lớn nhất (9 loài), tiếp theo đến các họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae (4 loài); Cà phê – Rubiaceae; Thầu dầu (Euphorbiaceae); Bìm bìm – Convolvulaceae; Cúc – Asteraceae (3 loài),… (xem Bảng 1).
Nếu chỉ xét trên những cây đã xác định chính xác tên khoa học (43 loài), tiến hành so sánh sự có mặt của các loài này ở hai nước Việt Nam và Trung Quốc (để cho chính xác, chỉ tính phần đất liền), thì có một thông tin khá thú vị và (theo tôi) rất đáng quan tâm là: Toàn bộ các cây này đều mọc ở trong đất liền của Việt Nam (100%), trong khi đó có tới 8 loài (chiếm 18,6%) không ghi nhận có mọc ở Trung Quốc (như Vĩ thảo hai gié – Brachiaria distachya (L.) Stapf; Mảnh vĩ bò – Lepturus repens (J.R.Forst.) R.Br.; Lâm bòng – Guettarda speciosa L.; Bàng nước – Fagraea crenulata Maingay ex C.B.Clarke;…) (xem Bảng 1).
Bảng 1. Danh mục thực vật ở Hoàng Sa – Trường Sa
Về hệ cây thuốc
Trong tổng số 43 loài đã xác định được tên khoa học, tiến hành tra tài liệu tham khảo, thấy có 35 loài được sử dụng làm thuốc. Như vậy, tỷ lệ cây thuốc trên tổng số cây là 81,40%. Đây thật sự là một con số đáng kinh ngạc và cũng rất đặc biệt. Trong khi tỷ lệ số cây được sử dụng làm thuốc của Việt Nam hiện nay khoảng 30% tổng số loài, và chúng ta mới đang kỳ vọng sẽ (rất lâu nữa, sau rất nhiều cuộc điều tra sưu tầm/tìm kiếm nữa) có khoảng 50% tổng số loài cây của Việt Nam được sử dụng làm thuốc. Về tác dụng của từng cây thuốc, chúng ta hoàn toàn có thể tra cứu thông tin một cách dễ dàng nên tôi sẽ không trình bày ở đây. Danh sách các loài cây thuốc xem ở Bảng 2.
Bảng 2. Danh mục cây thuốc ở Hoàng Sa – Trường Sa
Thay lời kết, xin trích một đoạn trong bài “Giới thiệu một bài khảo cứu Hoàng Sa của linh mục H. Fontaine và ông Lê Văn Hội” đăng trong Tập san sử địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (1975): “Mặt khác, trong lịch sử Việt Nam có ghi nhận sự kiện: triều đình đã từng sai binh lính đem hạt giống, trồng cây trên quần đảo Hoàng Sa để mưu lợi cho muôn đời về sau, nhất là cho cây cối mọc khiến các tàu thuyền có thể nhận ra đảo ở xa để tránh bị mắc cạn hay bị đụng chìm. Tỷ như năm Minh Mạng thứ 14(1833), vua Minh Mạng đã bảo hộ công: ” dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nươc một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè. Đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người sẽ nhận biết, có thể tránh được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy “. (Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ II kỷ, quyển 104, tờ 16b-17a, bản dịch chép tay của Trần Quang Huy). Việc trồng cây này đã được thực hiện và được Đại Nam Hội Điển Sử Lệ (1851), quyển 207, tờ 25b cũng như Việt Sử Cương Giám Khảo Lược (1876), quyển 4 của Nguyễn Thông nhắc đến.
Như thế, ta có thể đi đến một kết luận rằng “chính binh lính người Việt thời vua Minh Mạng cũng như các thời đại khác đã du nhập các tộc loại thảo mộc hiện có tại Hoàng Sa nhằm giúp ích cho tàu bè qua lại có thể dễ nhận ra đảo để tránh mắc cạn, khỏi đụng vào đảo và đá ngầm. Do đấy, chính thảo mộc hiện có ở Hoàng Sa là di tích quá khứ các người Việt cũng như việc hành xử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, một điều không ai có thể chối cãi.”
Hy vọng Hoàng Sa sẽ sớm trở về với Đất Mẹ. Cũng hy vọng sẽ được ra Hoàng Sa – Trường Sa trong một ngày không xa nữa.
Tài liệu Tham khảo (phần thực vật)
Saurin E. (1955), Notes sur les iles paracels. (Archives géologiques du Vietnam, No.3, p, i-39, Sài Gòn).
Fontaine H. et Lê Văn Hội “Contribution à la connaisance de la flore dé iles Paracels”, Khảo Cứu Niên San Khoa Học Đại Học Đường (Annales de la Faculté de la Faculté de la Faculté de Sciences), Sài Gòn, 1957, p 133-137.
Sơn Hồng Đức (Giảng viên Địa lý học, Văn Khoa Sài Gòn), Thử khảo sát về quần đảo Hoàng Sa, Tập san sử địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (1975)
Trịnh Tuấn Anh, Phúc trình cuộc thám sát hòn Nam Yít thuộc quần đảo Trường Sa vào mùa thu năm 1973, Tập san sử địa số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (1975)
Thông tin khác