ĐẶC ĐIỂM CỦA TÚI TIẾT VÀ ỐNG TIẾT

1. Đặc điểm

Túi tiết và ống tiết là một trong năm loại Mô tiết. Túi tiết và ống tiết là những lỗ hổng hình cầu hay hình trụ, được bao bọc bởi các tế bào tiết và chứa những chất do các tế bào đó tiết ra.

Trên một vi phẫu cắt ngang, rất khó phân biệt được ống tiết và túi tiết vì chúng đều có mặt cắt hình tròn. Tuy nhiên, khi quan sát trên kính hiển vi, có thể nhìn thấy đáy túi ở vi phẫu cắt ngang túi tiết nếu điều chỉnh tiêu cự, còn ở ống tiết thì chỉ là một hình tròn rỗng.

Trên một vi phẫu dọc, có thể dễ dàng phân biệt được hai loại mô tiết đó với nhau. Đường kính của túi tiết và ống tiết bao giờ cũng lớn hơn tế bào ở xung quanh.

Có thể nhận biết nhanh một số loại chất tiết bằng cảm quan như sau:

  • Bằng mắt thường, có thể trông thấy các túi tiết tinh dầu ở dạng những chấm vàng trong vỏ quả hoặc các chấm trong mờ trong lá khi giơ lá lên soi trước ánh sáng.
  • Nhúng chỗ cắt vào trong nước một lúc rồi rút ra xem có chất nhớt không (túi chứa chất nhày) hoặc bấm xem có nhựa mủ hay không.

2. Sự tạo thành túi tiết và ống tiết

Có hai cách tạo thành các túi tiết và ống tiết:

2.1. Kiểu phân sinh

Tế bào sinh ra túi tiết hay ống tiết phân chia nhiều lần rồi tách rời nhau ở phía giữa thành một khoảng trống rỗng, đựng chất tiết.

Ví dụ: túi phân sinh chứa tinh dầu của các cây họ Sim (Myrtaceae) như Bạch đàn (Eucalyptus camaldulensis Dehn.), Tràm (Melaleuca leucadendron L.), Đinh hương (Syzygium aromaticum Merr. et. Perry) v.v… hoặc ống phân sinh tiết nhựa của cây Thông (chi Pinus), ống tiết các cây họ cần (Apiaceae).

2.2. Kiểu dung sinh

Tế bào sinh ra túi tiết hay ống tiết phân chia nhiều lần rồi các tế bào ở giữa bị tiêu hủy đi, thành một khoảng trống đựng chất tiết lẫn với các mảnh vụn của các tế bào đã bị phá hủy.

Ví dụ: ống tiết chất nhày kiểu dung sinh của Trầu không  (Piper betle L.); túi tiết tinh dầu của các cây họ Cam (Rutaceae).

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *