1. Sự phân hóa
Ở Thực vật bậc cao, đã bắt đầu có sự phân hóa thành các cơ quan có cấu tạo và chức năng chuyên biệt; hình thành nên khái niệm cơ quan sinh sản và cơ quan sinh dưỡng của thực vật.
Bắt đầu từ đại diện nguyên thủy nhất của thực vật có mạch là ngành Rêu (Bryophyta), cơ thể chưa có rễ thật, nhưng đã bắt đầu có thân và lá làm nhiệm vụ dẫn truyền chất dinh dưỡng để giúp cây phát triển.
Sang đến các ngành Quyết, cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh các cơ quan sinh dưỡng (sinh trưởng) của cây là rễ, thân và lá, nhưng sự sinh sản vẫn còn có cả sinh sản vô tính và hữu tính. Trong đó, sinh sản vô tính từ các bào tử đựng trong túi bào tử và cơ quan sinh sản hữu tính mới chỉ là các túi tinh và túi noãn ở thể giao tử.
Ở ngành Thông (Pinophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta), cơ thể thực vật đã phân hóa thành hai nhóm cơ quan đảm nhiệm hai chức năng chính là sinh dưỡng và sinh sản. Từ đây, người ta có khái niệm hoàn chỉnh về các cơ quan sinh dưỡng của cây bao gồm rễ, thân, lá và các cơ quan sinh sản của cây bao gồm hoa, quả và hạt.
Theo phân loại học, ngành Ngọc lan được chia thành hai lớp: Ngọc lan (Magnoliopsida) và Hành (Liliopsida). Đặc điểm hình thái và cấu tạo giải phẫu của hai lớp này thường khác nhau.
2. Nghiên cứu
Nghiên cứu về cơ quan sinh dưỡng của thực vật là nghiên cứu các đặc điểm hình thái, cấu tạo giải phẫu và ứng dụng của các cơ quan sinh dưỡng: Rễ, thân và lá cây.
Nghiên cứu về cơ quan sinh sản của thực vật là nghiên cứu các đặc điểm hình thái, cấu tạo giải phẫu và ứng dụng của các cơ quan sinh sản: Hoa, quả và hạt.
Nghiên cứu về cơ quan sinh dưỡng, sinh sản của thực vật rất quan trọng đối với ngành Dược.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn