Tam thất bắc hẳn là vị dược liệu không còn xa lạ với nhiều người. Nhất là trong xu thế sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khoẻ, phòng và điều trị bệnh hiện nay, tam thất bắc ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng với nhiều tác dụng.
Tam thất bắc, là phần rễ củ của cây Tam thất Panax notoginseng (Burkill) F.H.Chen, cùng chi Nhân sâm với cây Nhân sâm Panax ginseng C.A.Mey , nên có phần nào tác dụng và thành phần các hoạt chất giống với Nhân sâm.
Theo Y học cổ truyền, tam thất bắc có công năng hoá ứ chỉ huyết – dùng khi có chảy máu như bị thương chảy máu, hoặc ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết; sau đẻ ra huyết nhiều; hoặc vừa có ứ huyết vừa xuất huyết, hoá ứ chỉ thống – dùng trong các trường hợp huyết ứ mà dẫn đến đau đớn, các trường hợp chấn thương sưng đau do huyết tụ, hoá ứ tiêu ung nhọt – dùng trong huyết ứ hoặc ung nhọt sưng đau, ngoài ra còn dùng khi bị rắn độc cắn. Với tác dụng tiêu ung nhọt, hiện nay tam thất bắc được dùng nhiều để điều trị khối u, thường có hiệu quả.
Theo Y học hiện đại, các nghiên cứu hiện đại được công bố trên báo khoa học quốc tế [1] cho thấy tam thất bắc có nhiều tác dụng dược lí tương đối đồng nhất với công năng trong Y học cổ truyền, như: Cầm máu – cả chảy máu trong và ngoài (chỉ huyết), chống đông máu, tạo huyết khối (hoá ứ), ngăn ngừa sự phát triển của khối u, chống ung thư (tiêu ung nhọt). Ngoài ra còn nhiều tác dụng khác đáng kể đến như: Bảo vệ các tế bào cơ tim, chống xơ vữa động mạch; chống oxy hoá, diệt gốc tự do; bảo vệ hệ thống thần kinh; tăng cường miễn dịch.
Với nhiều tác dụng kể trên, và thực tế sử dụng cho thấy hiệu quả tốt, tam thất bắc là một dược liệu quý trong việc chăm sóc và tăng cường sức khoẻ, phòng và chữa bệnh hiện nay.
[1] Wang, T., Guo, R., Zhou, G., Zhou, X., Kou, Z., Sui, F., … & Wang, Z. (2016). Traditional uses, botany, phytochemistry, pharmacology and toxicology of Panax notoginseng (Burk.) FH Chen: A review, Journal of ethnopharmacology, 188, 234-258.