Sâm Xuyên Đá là loại Sâm gì?

Dạo này nhiều thần dược mới rộ lên lắm các bạn ạ, làm người nghiên cứu về cây thuốc như tôi (cái này là tự nhận vơ) cũng thấy hoa hết cả mặt mày. Cũng một phần là do sự phát triển của internet và mạng xã hội, mà thông tin được lan truyền một cách vô cùng nhanh chóng, rồi qua những lời đồn thổi theo kiểu “tam sao thất bản”, “một đồn mười, mười đồn trăm” mà công dụng của nó được tô vẽ thêm một cách rất thần kỳ.

Mấy anh chị tranh thủ bán hàng kiếm cơm thì đã đành, đằng này còn có cả các anh chị nhà báo cũng hừng hực khí thế lao vào rừng sâu núi thẳm đi tìm “dược liệu quý” để “truyền bá” cho nhân dân, rồi chả biết thực hư thế nào, viết ra những bài báo, mà tôi đọc cảm thấy như là đang đọc truyện truyền thuyết vậy, gớm gớm, hấp dẫn ra phết, hehe. Đấy là tôi, chứ nhân dân nhà ta mà đọc xong có khi còn há hốc hết cả mồm, nên gì thì gì chứ quyết cũng phải sắm cho mình được một ít hàng gọi là cho bằng bạn bằng bè, vì “nghèo thì nghèo, vẫn phải cho thằng Tèo ra phố” cơ mà.

Lại nói về Sâm Xuyên Đá

Cây này mới rộ lên khoảng hơn một năm nay thôi, mà giờ lướt đâu cũng thấy người bán người mua nườm nượp, kinh thật. Người ta rao giảng rằng đây là loại Sâm quý nhất nhì Việt Nam, sâm trồng Ngọc Linh và sâm trồng Hàn Quốc không có cửa so với loại sâm này @@.

sâm xuyên đá

Dựa vào đâu để bảo như vậy, hehe, nghe có vẻ rất là khoa học, các anh chị ấy bảo là nó có nhiều Saponin các dược sĩ và các bạn yêu quý của tôi ạ. Rất tiếc, theo tôi nghĩ thì các anh chị ấy chắc gì đã biết Saponin là cái thứ gì. Nếu cứ Saponin là quý thì sao không ngâm mẹ nó quả Bồ kết mà các bà ngày xưa hay đem gội đầu ấy mà uống cho nó bổ, vì hàm lượng Saponin trong quả Bồ kết cũng cao lắm (đến 10%, gần bằng Sâm Ngọc Linh mọc hoang và xêm xêm Sâm Hàn Quốc đấy, cái này là kết quả nghiên cứu chứ không phải nghe nói hay đoán, ngửi, nếm mà biết nhé).

Mà Saponin có nhiều nhóm lắm, như trong Nhân sâm thì nó là nhóm Dammaran, chứ không phải nhóm nào cũng có tác dụng như nhau đâu (à mà thôi, mấy anh chị ấy cũng có khi không biết nó là cái gì đâu). Anh chị ấy bảo chỉ cần ngửi mùi hoặc sắc nước uống là đã biết loại sâm này rất quý, cực giàu Saponin vì thấy nó “dậy mùi Saponin”, khéo hàm lượng Saponin còn không kém Sâm Ngọc linh là bao nhiêu @@, rồi thì có khi đây lại là một phát hiện chấn động không kém việc phát hiện ra sâm Ngọc Linh, hehe, tiên sư, đọc đến đây tôi cũng phải đóng vội mấy cái bỉm của Ốc Vít nhà tôi các bạn ạ @@, vì các anh chị ấy giỏi quá, hay quá, thần thánh quá. Thế này thì các bạn trẻ thi đại học được toàn chín ba hai bảy điểm trở lên vẫn chày cối cày quốc đến lồi con mắt, mài mòn đít trên giảng đường đại học Dược làm gì cho phí cái tuổi xuân, phí bao tiền của bố mẹ, thà rằng cứ bái các anh chị ấy làm sư phụ, để các anh chị ấy truyền cho “bí kíp” định tính và định lượng thành phần hóa học bằng “khứu giác” và “vị giác”, hehe.

Sâm Xuyên Đá thực chất là loài gì?

Quay lại chủ đề, nó là một loài thực vật mang tên Nhương lê kim cang hay một số nơi còn gọi là Tứ phương đằng (vì thân non có thiết diện vuông), có tên khoa học là Myxopyrum smilacifolium Bl.** (thuộc họ Nhài – Oleaceae).

cây sâm xuyên đá

Tên thực tế thì chi này (Myxopyrum) ít được nghiên cứu cả trên thế giới và ở Việt Nam (tìm thấy nhõn một bài nghiên cứu về thành phần hóa học trong lá có Iridoid glucosides). Trong các sách thuốc, thì thấy ghi nhận công dụng là dùng chữa tê thấp, ho, suyễn, tuy nhiên chưa rõ tác dụng đến đâu. Ngoài ra, một số cộng đồng ở miền núi cũng sử dụng cây này (dùng chữa cam trẻ em, đau nhức xương khớp).

Tôi chưa kết luận gì về tác dụng của nó, vì chưa có bằng chứng khoa học chứng minh nó, cũng chưa dùng thử hay phỏng vấn ai đã dùng loại “Sâm” này (nhưng hiện đang có một đề tài triển khai nghiên cứu về cây này (not me), và chúng ta sẽ có những câu trả lời trong thời gian sắp tới). Chỉ có điều, nghe lý luận của các anh chị thì thấy nó ngây ngô nửa mùa và phản khoa học một cách kinh khủng, vậy mà cũng ối người tin theo @@.

Tuy nhiên, trên đời này làm cái gì cũng phải có tâm, có đạo đức các anh chị ạ (người ta nói là đến cả các chị cave cũng phải có đạo đức nghề nghiệp cơ mà), và tất nhiên là cả chuyên môn nữa, mà thân là nhà báo thì càng phải vậy, vì sức ảnh hưởng của các anh chị đến cộng đồng nó rất lớn, thậm chí lớn hơn những người có chuyên môn rất rất nhiều lần (Tôi không dám nhận là người có chuyên môn đâu, vì có lần có một anh nhà báo đã nói tôi là toàn nói linh tinh, biết mẹ gì đâu 🙁 ). Với lại, sức khỏe của con người ta, không phải chuyện có thể đem ra mà đùa được.

Ghi chú:

* Ai tò mò về công dụng được quảng cáo của nó thì có thể lên google gõ từ “Sâm xuyên đá” để tìm hiểu thêm.
** Ngoài loài này, có thể còn một số loài cùng chi, như M. nervosum, M. pierrei.

Tác giả: Nghiêm Đức Trọng- Giảng viên Đại học Dược Hà Nội

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *