Bài viết Ráng/Dương xỉ sử dụng làm thức ăn và thuốc uống của Hoàng Đức Huy.
Dùng ráng / dương xỉ trong đời sống hàng ngày của chúng ta thường ít khi thấy, tùy theo văn hóa tập quán sống của bà con ở những vùng khí hậu khác nhau. Ở một số nước ôn đới như Âu châu, một số loài quý hiếm của ráng pteridophytes vẫn được người dân ở đây sử dụng. Ngược lại, ở những vùng nóng, việc sử dụng ráng / dương xỉ thì rất nhiều vì các loài có thể sử dụng được phần lớn trong các quần thể pteridophytes phát triển rất nhiều ở đây.
Thoạt tiên, ráng / dương xỉ thường được mọi người xem không phải là cây thực phẩm. Tuy nhiên, một số loài vẫn được tiêu thụ vẫn được tiêu thụ đến ngày nay. Ở những khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới Á châu (đặc biệt là Bhutan, Việt Nam, Campuchia, Indonesia), một số loại dương xỉ được dùng làm rau. Thật vậy, ở nhiều chợ địa phương, chẳng hạn như ở miền Bắc Việt Nam, bày bán những bó lá dớn tươi dùng để chế biến các món ăn (xem hình).
Ở Âu châu, thời kỳ đói kém, ráng / dương xỉ còn được làm “bánh mì dương xỉ” như rễ của loài ráng đại dực Pteris aquilina (ngày nay là Pteridium aquilinum) được phơi khô và nghiền nhỏ, trộn với bột lúa mạch đen để làm một loại bánh mì thô nhưng quý giá trong thời kỳ khan hiếm. Loại bánh mì này không chỉ là đặc sản của vùng Tournus-Mâcon, vì nó còn được biết đến ở Le Creusot, Pháp.
Ngược lại, ở Á châu hay Phi châu, việc sử dụng dương xỉ trong khẩu phần ăn truyền thống là phổ biến và rất đa dạng. Nhiều loài thường lớn và có thân rễ, thân và lá giàu chất dinh dưỡng, được khai thác thường xuyên.
Số lượng ráng/dương xỉ được người dân tiêu thụ rộng rãi trên nhiều quốc gia có khí hậu ấm áp ở bắc và nam bán cầu thực sự rất lớn. Tổng quan này nhằm mục đích làm nổi bật sự đa dạng và những công dụng của ráng/dương xỉ. Á châu (ôn đới và nhiệt đới) phần lớn chiếm ưu thế trong việc sử dụng dương xỉ làm thực phẩm: đây có phải là kết quả của truyền thống tổ tiên hay do nguyên nhân thông thường hơn? các ví dụ được chọn ở đây cho thấy vai trò của các loại rau, việc tìm kiếm hương vị tinh tế và bổ sung dinh dưỡng trong các bữa ăn của chúng ta.
Ngoài ra, một số loài dương xỉ được trồng làm thức ăn cho gia cầm gia súc, tạo điều kiện cho người dân sống ở những khu vực có mức sống thấp dễ sống hơn. Ở Phi châu, người Senegal chăn nuôi gia cầm, gia súc tiết kiệm hơn khi họ sử dụng bèo tai chuột Salvinia nymphellula làm thức ăn bổ sung cho heo nuôi. Một số loại dương xỉ được trồng sinh khối lớn làm phân xanh để cải tạo đất, giúp giảm việc sử dụng hóa chất đầu vào đắt tiền.
Một số loài dương xỉ thủy sinh nhất định như bèo hoa dâu Azolla pinnata và dương xỉ Phi châu Bolbitis có khả năng hấp thu các kim loại nặng độc hại (xử lý bằng thực vật).
Dương xỉ làm vật liệu xây dựng (thân cây Cyathea) như dầm và mái nhà và các vật dụng khác nhau như chậu lan làm vật trang trí trong nhà, nhưng cũng dùng để buộc nón lá. Ở làng Chuông (Thanh Oai, Hà Tây), vành nón được làm bằng thân xẻ của guột cứng / ráng tây sơn Dicranopteris linearis (Gleicheniaceae; xem ảnh).
Trong những năm gần đây, các nhà thực vật học dân tộc đã xác định được công dụng làm thực phẩm và làm thuốc của 125 loài ráng/dương xỉ ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới. Mặc dù không đầy đủ nhưng các ví dụ được chọn trong cẩm nang này là các loài đang được tiêu thụ sử dụng ngày nay. Do đó, tổng quan này giúp chúng ta đánh giá tiềm năng dinh dưỡng thuận lợi của những loại cây đặc biệt này. Thật vậy, chúng chắc chắn đóng góp vào dinh dưỡng của con người ở một số nơi trên thế giới từ các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Á châu và Phi châu.