Khiên ngưu

Thông tin về Khiên Ngưu

Khiên ngưu | 牵牛 Qian niu | Ipomoea nil (L.) Roth | Convolvulaceae

Khiên ngưu là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong Y học cổ truyền, dùng làm thuốc trị táo bón, lợi tiểu, lợi mật, trị các loại giun sán,…

Loại hạt đen gọi Hắc sửu, hạt trắng gọi là Bạch sửu (từ loài khác cùng chi Ipomoea).

khiên ngưu hoa
Hình ảnh: Khiên Ngưu hoa

Truyền thuyết về vị thuốc Khiên Ngưu

Bây giờ xin kể cho các bạn nghe một truyền thuyết liên quan đến vị thuốc này. Thực ra còn một số truyền thuyết khác (rất dài), sẽ kể cho các bạn vào một dịp khác.

Truyện xưa kể rằng, ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) có một thanh niên tên là Lý Hổ, dáng người vạm vỡ, cơ thể khỏe mạnh, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì bị mắc bệnh trướng bụng. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, nhưng đều không hiệu quả.

Người vợ trẻ của Lý Hổ rất lo lắng, cuối cùng đã nhờ đến một lão lang trung giỏi nhất ở Lộ Châu, Sơn Tây xem bệnh cho Lý Hổ. Lão lang trung sau khi khám bệnh cho Lý Hổ, bèn kê một toa thuốc “sử dụng hạt của cây lạt bá hoa dại sắc uống” [dã lạt bá hoa – hoa lạt bá dại: lạt bá là nhạc khí thời xưa, làm bằng đồng, hình giống sừng trâu/bò, dùng làm kèn lệnh. Sau này dùng với nghĩa là cái loa/còi/kèn; ở đây không phải là tên cây mà chỉ là mô tả hình dạng hoa loại cây này]. Vợ của Lý Hổ chưa bao giờ nghe đến loại thuốc này, bèn hỏi lại lão lang trung. Lão lang trung nói: “Tại quê nhà Lô Châu, Sơn Tây, trước của nhà ta có mọc loại hoa dại này, bà có thể nhờ ai đó đến nhà ta để lấy hạt về mà làm thuốc”.

Vợ của Lý Hổ đi đến Sơn Tây để lấy hạt của “dã lạt bá hoa”. Lý Hổ uống liền vài thang, đã thấy có hiệu quả, một tháng sau thì lành bệnh. Để đền ơn cứu mạng của lão lang trung, Lý Hổ dẫn đến nhà ông một con bò (khiên lai liễu nhất đầu ngưu; ngưu là con bò, thủy ngưu mới là trâu) trao cho ông và hỏi: “Thưa tiên sinh, ngài trị bệnh cho tôi bằng loại thuốc gì vậy?”.

Lão lang trung không biết trả lời sao, nguyên do là loại cây này là cây dại, chưa có tên gì cả. Khi Lý Hổ hỏi, lão lang trung bèn nghĩ: Hạt của loại hoa này có thể dùng trị bệnh nan y như vậy, làm cho hôm nay bệnh nhân dắt bò đến đây cảm tạ, hay là cứ gọi nó là “khiên ngưu hoa” đi. Lão lang trung bèn chỉ vào bụi hoa trước cửa mà nói rằng: “Tên nó là khiên ngưu hoa”. Cũng kể từ đó, loại “dã lạt bá hoa” này có tên là Khiên Ngưu hoa. Hạt của nó cho chúng ta vị thuốc, gọi là “Khiên ngưu tử”.

Tác giả: Giảng viên đại học Dược Hà Nội – DS. Nghiêm Đức Trọng

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *