Sự hình thành
Trong các xã hội cổ xưa (và thậm chí đến tận ngày nay), bệnh tật được cho rằng do sự trừng phạt của trời, hoặc do các thế lực siêu tự nhiên gây ra, do đó các thầy lang đã chữa bệnh bằng các lời cầu nguyện và nghi lễ, trong đó có sử dụng cây cỏ. Cây cỏ làm thuốc được lựa chọn dựa trên màu sắc, mùi, vị, hình dạng hay sự hiếm có của chúng. Việc sử dụng cây cỏ làm thuốc là quá trình mò mẫm học tập trải qua nhiều thế hệ.
Các nghiên cứu khảo cổ cho thấy người Neanderthal cổ ở Iraq từ 60.000 năm trước đã biết sử dụng một số cây cỏ mà ngày nay vẫn thấy sử dụng trong Y học cổ truyền như cỏ thi (Achillea millefolium), Cúc bạc, v.v… Người dân bản xứ Mexico từ nhiều nghìn năm trước đã biết sử dụng Xương rồng Mexico mà ngày nay được biết là chứa chất gây ảo giác, kháng sinh. Các tài liệu cổ xưa nhất về sử dụng cây thuốc đã được người Ai Cập cổ đại ghi chép trong khoảng thời gian 3.600 năm trước đây với 800 bài thuốc và trên 700 cây thuốc trong đó có Lô hội (Aloe vera), Gai dầu (Cannabis sativa), v.v… ; người Trung Quốc cổ đại ghi chép trong bộ Thần nông Bản thảo trong khoảng thời gian gần 5.0 năm trước đây với 365 vị thuốc; người An Độ cổ đại đã ghi chép nền y học của người Hindu khoảng 2.000 năm trước, trong đó có các loài cây cỏ gây ngủ, ảo giác, chữa rắn cắn, v.v…
Khái niệm tài nguyên cây thuốc
Tài nguyên cây thuốc là một dạng đặc biệt của tài nguyên sinh vật, thuộc tài nguyên có thể tái sinh (hồi phục), bao gồm hai yếu tố cấu thành là cây cỏ – là yếu tố vật thể và tri thức sử dụng chúng – là yếu tố phi vật thể – để làm thuốc và chăm sóc sức khỏe.
Bộ phận cấu thành thứ nhất (cây cỏ) là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài dưới tác động của các yếu tố tự nhiên. Do đó liên quan đến các môn khoa học tự nhiên như sinh học, nông học, lâm học, dược học, v.v…
Bộ phận cấu thành thứ hai (tri thức) là kết quả của quá trình đấu tranh sinh tồn của loài người, có từ khi loài người xuất hiện trên trái đất; được đúc rút, tích lũy và lưu truyền trải qua nhiều thế hệ, chịu tác động của các quy luật kinh tế – xã hội, quản lý, do đó liên quan đến các môn học xã hội như dân tộc học, xã hội học, kinh tế học v.v…