HƯƠU VÀ NAI

THÔNG TIN KHOA HỌC CỦA HƯƠU VÀ NAI

Hươu, nai cho chúng ta nhiều vị thuốc quý

– Lộc nhung (Cornu cervi parvum): Lộc do hươu, nai đực cung cấp, còn hươu cái không cho ra lộc nhung.

– Gạc là sừng hươu, nai già dùng để nấu cao ban long.

Hươu và nai sừng đặc, có cấu tạo như xương, nguồn gốc từ biểu bì, thay thế hàng năm.

Hươu

Hươu sao – Cervus nippon Temminck.

Hươu vàng (Nai vàng, hươu lớn) – Cervus porcinus Zimmermann.

Cà toong (Nai cá (hay ăn cá)) – C. eldi (Guthria) M’ Clelland.

Hươu ngựa – C. elaphus L.

Hươu Canada – C. canadensis.

Họ Hươu (Cervidae), bộ phụ nhai lại (Ruminantia)

Nai

Tên khoa học: Cervus unicolor Kerr, họ Hươu – Cerridae.

 

Sau đây chúng ta trình bày lần lượt hươu và nai:

Đặc điểm của hươu và nai

Hươu sao – Cervus nippon Temminck

Hươu và Nai

Hươu thuộc lớp có vú, bộ nhai lại (Ruminantia), họ Hươu (Cervidae).

Hươu sao thường cao 1 m, dài từ 0,90 – 1,20 m. Hươu đực cao hơn hươu cái. Trọng lượng thường từ 45 – 70 kg, con đực nặng hơn con cái. Hai bên thân có nhiều sao trắng, nên gọi là hươu sao. Bụng trắng nhạt. Hươu sao mang thai từ 210 – 224 ngày. Thường sinh đẻ từ tháng 1 – 8. Mỗi lứa đẻ 1 con. Có thể mỗi năm đẻ 1 con. Hươu sao đực 2 tuổi mọc cặp sừng đầu tiên, không phân nhánh dài 15 – 20 cm, hươu đực từ 3 tuổi trở lên có cặp sừng 4 mấu, hàng năm có thể thay sừng. Sau khi rụng sừng già 4 – 5 ngày, ở chân của sừng cũ hình thành một lớp váng mỏng phủ kín bề mặt sừng rụng, sau đó mọc thành sừng non mới dài từ 3 – 10 cm, rất mềm, mọng, màu đỏ gọi là “quả đào” hay “trái mơ”. Sau khi mọc 10 – 12 ngày, “quả đào” phân đôi: một phần là nhánh trán, một phần là thân sừng. Sau 44 – 50 ngày kể từ khi mọc, thân sừng dài 20 – 25 cm phình to và phân nhánh lần thức hai, sừng non này gọi là nhung. Sau 52 – 53 ngày (kể từ khi mọc) chỗ phân nhánh lần hai gọi là nhung yên ngựa (có hình yên ngựa). Sau 4 – 4,5 tháng, hươu đực có cặp sừng mới hoàng chỉnh và rắn chắc gọi là gạc. Tuổi thọ của hươu sao khoảng 15 – 18 năm. Mùa thu hái nhung từ tháng 2 – 3.

Hươu ngựa (Cervus elaphus L.), họ Hươu – Cervidae.

Hươu ngựa cao khoảng 1,40 m, dài 2,40 m, nặng trung bình 150 kg, da màu đỏ, bụng trắng, thường sống đơn độc. Vào thời khi động đực mỗi con đực kèm theo hàng chục con cái.

Hươu Canada (C. canadensis), họ Hươu – Cervidae.

Hươu Canada cao tới 1,70 m. Sống ở Bắc Mỹ và châu Âu. Loài ở Bắc Mỹ lớn hơn loài ở châu Âu.

Nai (Cervus unicolor Kerr)

Hươu và Nai

Thuộc lớp có vú, bộ nhai lại, họ Hươu – Cervidae.

Nai to và mạnh hơn hươu, lông cứng hơn, màu xám hoặc nâu, không có đốm. Trọng lượng của nai từ 110 – 200 kg. Nai có lông màu nâu đen gọi là nai đen. Mỗi năm nai đẻ 1 lứa, 1 con.

Cũng như hươu, khi nai 2 tuổi mọc cặp sừng đầu tiên là sừng “chìa vôi”, không phân nhánh, hàng năm đều thay sừng. Sừng rụng từ tháng 4 – 7. Sau 7 ngày kể từ khi sừng rụng, mọt lên sừng mới hình trứng mọng, bên ngoài có lớp da màu đen, có lông tơ bóng mượt gọi là nhung. Hai tuần lễ sau khi mọc, nhung phân nhánh lần thứ nhất và 50 – 60 ngày sau, thì phân nhánh lần thứ hai. Sau khi mọc 3 tháng hình thành cặp sừng mới. Sừng mọc 4 – 4,5 tháng có màu trắng ngà là gạc.

Phân bố

– Hươu sao phân bố rộng rãi ở nước ta, chúng có ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế …

Ngày nay hươu sao gần như bị tiêu diệt. Nhưng mấy chục năm lại đây nhiều gia đình nuôi. Trại nuôi hươu Hương Khê (Hà Tĩnh), vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Công viên Thủ Lệ (Hà Nội).

– Nai thường gặp ở các vùng núi và trung du, ở các đảo phía Đông Bắc Bắc Bộ, chủ yếu ở vùng rừng cây lá rộng, rừng có suối và đầm lầy nhỏ. Nai không sống ở rừng rậm, mà sống tương đối định cư. Hiên nay số lượng hươu giảm sút nhiều, hươu vàng và cà toong gặp ở phía Nam.

Bộ phận dùng

Nhung hươu, nai (lộc nhung)

Hươu và Nai

Nhung là sừng non của hươu hay nai đã làm khô, mặt ngoài phủ đầy lông tơ. Chất mềm có thể thái được, mùi hơi tanh, vị hơi mặn.

Nhung hươu sao có đường kính mặt cắt khoảng từ 2 – 5 cm, da nâu vàng đến vàng hồng, lông tơ màu tro sáng đến tro sẫm. Trọng lượng từ 80 – 200 g, có thể có 1 – 2 nhánh.

Loại 1, nhánh dài 14 – 30 cm hình trái núi hay yên ngựa.

Loại 2, nhánh dài từ 20 – 40 cm.

Nhung nai

Hươu và Nai

Nhung nai có thể phân 1 nhánh, đầu thân sừng hình quả mơ hay yên ngựa. Thân sừng dài 20 – 45 cm, da nâu đen đến đen, lông to nâu đen. Nặng 200 – 600 g.

Nhung hươu ngựa

Có thể phân từ 1 – 4 nhánh, dài 30 – 100 cm, đường kính mặt cắt 4 – 9 cm, màu nâu đen đến đen, lông tơ màu tro nâu đến nâu, nặng 200 – 2000 g.

Phương pháp chế biến

Các địa phương khác nhau có các phương pháp chế biến nhung cũng khác nhau; nhưng nguyên tắc chung như sau:

– Dùng dây buộc đầu nhung hay dùng khim chỉ khau díu mép da nhưng chỗ mặt cắt.

– Có thể tẩm rượu rồi sấy, có thể nhúng vào nước nóng (800C) vài lần (mặt cắt quay lên trên tránh chảy máu ra).

– Sấy: Có nhiều phương pháp sấy: dùng lò than hồng, ngoài quây cót, để nhung trên lò than cao 40 cm, sấy bằng cát rang, bằng gạo rang, sấy bằng tủ sấy điện; đưa nhiệt độ từ 400C lên dần lên 70 – 800C (mặt cắt vẫn để lên trên). Sấy đến khi khô kiệt, không nứt nẻ là được.

Thành phần hoá học

Nhung hươu, nai chứa calci phosphat, calci carbonat, protein, keo, các acid amin: lycin, histidin, arginin, asparagic, threolin, cerin, glutamic, prolin, glycin, alanin, balin, leucin, isoleucin, tyrosin, phenylalanin. Các chất khoáng và vi lượng: Ca, Mg, A, Si, P, Na, K, Fe, Ni, Ti, Mn, Au, Pb, Ba, Co, Va, Mo, B, Sr, các hợp chất phospholipid: lisolecithin, sphingomyelin, lecithin, cholamincephadin, cardiolipin, xerobrisid, các nội tiết tố, estron, progesteron, testosteron, cortison…

Gạc hươu có chứa: 0,59% phospholipid, cephalin, cholesterol, Ca, P và các acid amin: glycin, prolin, glutamic.

Tác dụng và công dụng

Nhung hươu, nai là thuốc bổ dành cho người già, yếu, suy nhược cơ thể, làm việc quá sức, mới ốm dậy, huyết áp hạ.

Dùng dưới dạng rượu hay dùng ăn với cháo. Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 0,3 – 1g nhung. Biệt dược Pantocrin (lộc nhung, tinh nhung Liên Xô (cũ) dùng dưới dạng dịch chiết cồn, thuốc tiêm, thuốc viên) là thuốc chữa cho người lao lực, hạ huyết áp, phụ nữ sau khi sinh ít sữa.

Dạng tiêm dưới da 1 – 2 ml một ngày, một đợt điều trị 2 – 3 tuần lễ. Nhắc lại đợt 2, đợt 3 sau khi nghỉ không dùng thuốc 7 – 10 ngày.

Thuốc uống: Uống 30 – 40 giọt hoặc 2 – 4 viên nửa giờ trước bữa ăn, ngày 2 lần.

Chống chỉ định: Không dùng cho người xơ vữa động mạch, người bị bệnh tim, đau thắt ngực khi bị ngồi máu, viêm thận nặng, ỉa chày.

Dạng sản xuất: Dạng lọ (chai con) 30 – 50 ml, ống tiêm 1 – 2 ml.

Lộc giác sương: Bã gạc sau khi nấu cao lỏng là thuốc bổ xương, trị ho, mụn nhọt, tiểu tiện ra máu, di tinh.

Ngày uống 4 – 6 g dưới dạng bột, viên.

Gạc là nguồn nguyên liệu để nấu cao ban long, dùng làm thuốc bổ, chữa các chứng bệnh hư, khí huyết, suy yếu, có thai ra huyết, dùng 6 -12 g/ngày.

Lộc giác dùng cho người mệt mỏi, suy nhược thần kinh. Tác dụng lưu thông tuần hoàn, chữa thấp khớp, nhọt độc.

Lấy gạc đem nước trong cát đến giòn, màu vàng rồi tán thành bột, ngày uống 4 – 16 g.

Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *