DƯỢC LIỆU HÀ THỦ Ô ĐỎ

Dược liệu chứa Anthranoid

DƯỢC LIỆU HÀ THỦ Ô ĐỎ

1. Tên khoa học:

Tên: Fallopia multiflora

Họ Việt Nam: Họ rau Răm

Họ Latin: Polygonaceae

2. Phân bố:

Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang. Một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều vùng ở phía Bắc và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định.

Dược liệu Hà thủ ô đỏ Dược liệu Hà thủ ô đỏ

3. Bộ phận dùng:

Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ.

Dược liệu Hà thủ ô đỏ

4. Thành phần hoá học chính:

Củ Hà thủ ô chứa 1,7% anthranoid, trong đó có emodin, chrysophanol, rhein, physcion. 1,1% protid, 45,2% tinh bột, 3,1% lipid. 4,5% chất vô cơ, 26,4% các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin) và 2,3,5,4-tetrahydroxytibene-2-O-b-D-glucoside.

5. Phương pháp kiểm nghiệm:

Định tính:

A. Phản ứng với dung dịch natri hydroxyd (TT).

B. Phản ứng với dung dịch amoniac đậm đặc (TT).

C. Phản ứng với dung dịch antimoni clorid(TT).

D. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại lát cắt có màu vàng xám.

E. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

Định lượng

6. Phương pháp chế biến và bảo quản:

Chế biến:

Thu hoạch vào mùa thu, khi lá khô úa, đào lấy củ cắt bỏ hai đầu, rửa sạch, củ to cắt thành miếng, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn. Trước khi dùng thường nấu, đồ với đậu đen.

Chế Hà thủ ô: Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại. Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1 kg Hà thủ ô cần 100 g đậu đen, 2 lít nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra, bỏ lõi (nếu có). Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô. Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Nếu đồ, phơi 9 lần (cửu chưng cửu sái) thì càng tốt. Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu.

Bảo quản: Để nơi khô thoáng, tránh mốc, mọt.

7. Công dụng, cách dùng và liều lượng:

Công dụng:

Dưỡng huyết, bổ can thận, nhuận tràng thông tiện, làm xanh tóc.

Chủ trị: Huyết hư thiếu máu, da xanh, gầy, đau lưng, di tinh, tóc bạc sớm, táo bón.

Cách dùng và liều lượng: Ngày dùng 6 – 12 g Hà thủ ô đã chế, dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc.

Dược liệu Hà thủ ô đỏ – Fallopia multiflora, Polygonaceae.

Tham khảo thêm tại đây

Chuyên đề dược liệu tốt nghiệp./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *