1. Định nghĩa
Mô mềm là một trong sáu loại mô thực vật dựa theo chức phận sinh lý.
Mô mềm gồm những tế bào sống chưa phân hóa nhiều, vách vẫn mỏng và bằng cellulose; có nhiệm vụ liên kết các mô khác với nhau, đồng thời còn làm chức năng đồng hóa hay dự trữ.
Các tế bào mô mềm có thể vẫn còn xếp xít vào nhau, khi đó chúng có hình đa giác; hoặc đã bắt đầu bong ra ở góc tế bào thành những khoảng gian bào rõ rệt.
2. Phân loại
- Theo vị trí trong cơ quan, người ta phân biệt mô mềm vỏ và mô mềm ruột.
- Theo nguồn gốc hình thành, có thể chia ra loại mô mềm cấp một (sơ cấp) và mô mềm cấp hai (thứ cấp).
- Theo chức năng, người ta phân chia mô mềm thành ba loại: Mô mềm hấp thụ, mô mềm đồng hóa và mô mềm dự trữ.
2.1. Mô mềm hấp thụ
Bao gồm các lông hút của rễ, có nhiệm vụ hấp thụ nừớc và các muối vô cơ hòa tan trong nước.
2.2. Mô mềm đồng hóa
Cấu tạo bởi những tế bào chứa nhiều lạp lục để thực hiện chức năng quang hợp. Do ở vị trí cần có ánh sáng nên mô mềm đồng hóa thường đặt ngay dưới biểu bì của lá và thân cây non.
Trong lá cây lớp Ngọc lan, mô đồng hóa có thể có hai dạng:
- Mô hình giậu cấu tạo bởi những tế bào dài và hẹp xếp xít nhau như những chiếc cọc của một bờ giậu, thẳng góc với mặt lá, do đó khi quan sát bề mặt của lá qua kính hiển vi, mô này có hình những vòng tròn nhỏ xếp cạnh nhau. Điều này rất quan trọng khi ta nghiên cứu những bột lá: Các tế bào mô giậu hiện ra dưới dạng hình chữ nhật dài đặt cạnh nhau khi nhìn từ bên cạnh và dưới dạng những vòng tròn nhỏ xếp xít nhau khi nhìn trên bề mặt lá.
- Mô xốp còn gọi là mô khuyết, cấu tạo bởi những tế bào không đều, để hở những khoảng gian bào to lớn, rỗng, chứa đầy khí, gọi là khuyết.
2.3. Mô mềm dự trữ
Cấu tạo bởi những tế bào có vách mỏng bằng cellulose, thường để hở những khoảng gian bào ở góc tế bào. Trong tế bào chứa chất dự trữ để nuôi cây. Các chất dự trữ có thể là:
- Đường trong thân cây Mía (Saccharum officinarrum L.).
- Tinh bột trong các củ như củ Khoai lang (Ipomoea batatas Forsk.), hạt (ví dụ: Ngô (Zea mays L.), Đậu xanh (Vigna aurea Khoi), v.v…
- Dầu và các hạt alơron trong hạt Thầu dầu (Ricinus communis L.), dầu trong hạt Lạc (Arachis hypogaea L.) L.), Vừng (Sesamum orientale L.), v.v…
- Chất hemicellulose gần giống chất cellulose, đọng ở mặt trong vách tế bào làm cho vách đó dày lên và cứng rắn như ở các hạt Mã tiền (Strychnos nux-vomica L.), hạt Cà phê (Coffea spp.).
- Không khí đọng trong những khuyết lớn, tạo thành một mô khí, thường gặp ở trong các cây sống ở duới nước như Sen (Nelumbo nucifera Gaertn.), Súng (Nymphaea spp.).
- Nước chứa trong những không bào lớn và khó bốc hơi vì bị giữ lại bởi các chất nhày. Thông thường, các cây mọng nước có khả năng chịu hạn như cây Xương rồng thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), cây Thuốc bỏng (Kalanchoe pinnata Pers). Các tế bào chứa nhiều nước này tạo thành một mô nước.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn