Đinh Lăng Rừng

Có Đinh Lăng Rừng hay không?

Nói cho nhanh thì Đinh Lăng chưa và không bao giờ có hàng rừng, vì tại làm sao??? Vì Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms*) không phải là cây nguyên sản ở Việt Nam. Nguồn gốc Đinh Lăng là từ các đảo Thái Bình Dương (chính vì vậy Tàu mới gọi là Nam dương sâm** – 南洋参), du nhập về Việt Nam từ thời nào không rõ.

đinh lăng rừng
Hình ảnh: Đinh Lăng “Rừng” bày bán tràn lan trên quốc lộ

Ban đầu nó chỉ là cây trồng làm cảnh, sau này mới sử dụng làm thuốc. Trước đây, cây được trồng rải rác ở các hộ gia đình, hiện nay được trồng ở nhiều nơi với diện tích lớn để phục vụ nguyên liệu cho Công nghiệp Dược.

Nhu cầu sử dụng Đinh lăng ngày càng tăng, ngoài dùng trong Công nghiệp dược thì dân chơi rượu cũng thường đi săn lùng những gốc đinh lăng lâu năm về để ngâm rượu. Đinh lăng càng lâu năm thì giá càng cao. Vậy là từ nhu cầu đó, xuất hiện những cây Đinh lăng giả mà các anh chị bán hàng gọi là Đinh lăng rừng (ở Việt Nam ta, hễ cái gì mà có thêm tính từ “rừng”, hay “tự nhiên” thì bao giờ cảm giác cũng thấy nó tốt hơn, nó sạch hơn, nó thơm hơn,…).

Đinh Lăng “Rừng” bán ở đâu?

Đinh lăng rừng hay bán ở Khu du lịch Yên Tử (Quảng Ninh), dọc đường QL6 đi Hòa Bình, và giờ, dĩ nhiên còn trên xe của một số bác bán đinh lăng dạo trên đường phố của thủ đô ngàn năm văn hiến. Thực là thật giả không biết đâu mà lần, hehe.

Vậy Đinh lăng rừng là gì?

Đinh lăng rừng mà các anh chị rao bán, thực chất là một loài cây có tên Bổ béo trắng*** hay Bổ béo, mọc hoang ở nhiều tỉnh của Việt Nam, có tên khoa học là Gomphandra mollis Merr. (họ Mộc thông ta/Thụ đào – Icacinaceae), dùng làm thuốc bổ.

đinh lăng rừng

Qua kinh nghiệm của tôi, người dân ở các vùng núi thì không bao giờ nhầm lẫn Bổ béo trắng là Đinh lăng (hay Đinh lăng rừng) cả, chỉ có mấy anh chị bán hàng tuy biết nhưng cố tình đặt tên cho nó như vậy để đánh lừa khách hàng mà thôi.

Ghi chú:

*Đây là loài chủ yếu được trồng và làm thuốc, ngoài ra còn một số loài nữa cũng thuộc chi Polyscias hay được trồng làm cảnh và sử dụng lẫn lộn với loài chính này.

** Nam Dương: có thể để chỉ riêng Indonesia hoặc chỉ chung một số nước như Indonesia, Malaysia, Singapore,…

*** Không nhầm với Bổ béo trắng (Fissistigma thorelii) và Bổ béo đen (Goniothalamus vietnamensis) họ Na (Annonaceae), cũng dùng rễ củ làm thuốc bổ.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *