1. Đặc điểm
Mô dày là một trong hai loại mô nâng đỡ của thực vật.
Mô dày được cấu tạo bởi các tế bào sống, có vách dày nhưng vẫn bằng cellulose, làm nhiệm vụ nâng đỡ cho cây.
2. Phân loại mô dày
Bao gồm: Mô dày góc, mô dày tròn, mô dày phiến và mô dày xốp.
2.1. Mô dày góc
Sự dày lên của vách tế bào có thể chỉ xảy ra ở góc tế bào, như ở thân cây Nhọ nồi (Eclipta prostrata L.), Cà gai leo (Solanum procumbens Lour.), Bí đỏ (Cucurbita moxima L.) và Cà rốt (Daucus carota L.).
2.2. Mô dày tròn
Đặc trưng bởi sự dày lên xảy ra một cách đều đặn xung quanh tế bào được gọi là mô dày tròn như ở cuống lá Gạo (Bombax malabaricum DC): khoang tế bào thành một hình tròn.
2.3. Mô dày phiến
Nếu vách tế bào chỉ dày lên theo hướng tiếp tuyến, ta có mô dày phiến như ở thân cây Cơm cháy (Sambucus javanica Reinw ex. Blume) hoặc Rau má (Centella asiatica Urban).
2.4. Mô dày xốp
Nếu giữa các tế bào của mô dày có khoảng gian bào, ta gọi là mô dày xốp, ví dụ: Rau muối (Chenopodium album L.), Rau diếp (Lactuca sativa L.).
Mô dày thường tập trung ở xa trung tâm, tại những chỗ lồi của cuống lá và thân cây. Ví dụ: thân vuông của các cây họ Bạc hà (Lamiaceae), thân có khía dọc của các cây họ Cần (Apiaceae), cuống lá Mã đề (Plantago major L.).
Khi tiến hành nhuôm với đỏ son phèn, mô dày cho màu hồng. Mô dày không xuất hiện ở cây lớp Hành.
Đặc điểm và phân loại mô dày./.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn