ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG MÔN HỌC THỰC VẬT

1. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG MÔN HỌC THỰC VẬT

1.1. Điều kiện thực tế tại Việt Nam

Với điều kiện tự nhiên đa dạng, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có mức độ đa dạng sinh học cao với khoảng 2.200 loài Nấm (Fungi), 368 loài Vi khuẩn lam (Cyanophyta), 2.176 loài Tảo (Algae), 793 loài Rêu (Bryophyta), 2 loài Quyết lá thông (Psilotophyta), 56 loài Thông đất (Lycopodiophyta), 3 loài cỏ tháp bút (Equisetophyta), 713 loài Dương xỉ (Polypodiophyta), 51 loài Thông (Pinophyta), và 9.462 loài thực vật Ngọc lan (Magnoliophyta).

Nguồn tài nguyên này đang được các cộng đồng thuộc 54 dân tộc khác nhau sử dụng trong chăm sóc sức khoẻ, chữa trị bệnh tật cũng như phục vụ các nhu cầu sinh kế khác. Theo các công bố mới nhất, đã phát hiện 3.850 loài cây cỏ làm thuốc ở Việt Nam, trong đó có gần 1.000 loài thường được sử dụng trong dân gian, 300 loài được sử dụng trong nền y học cổ truyền chính thống, khoảng 230 loài được sử dụng trong công nghiệp dược và 160 loài độc.

Với đặc điểm là một ngành kinh tế – kỹ thuật – dịch vụ, nhiệm vụ của ngành Dược là làm ra thuốc, lưu thông và phân phối thuốc đến tay người tiêu dùng, hướng dẫn sử dụng an toàn và hợp lý. Để làm ra thuốc cần nguyên liệu làm thuốc (dược liệu), có nguồn gốc từ tổng hợp hóa học, khoáng vật, sinh học (thực vật, động vật, công nghệ sinh học, v.v…), trong đó dược liệu có nguồn gốc thực vật là dược liệu truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi và ngày càng được phát triển do tính phổ biến, dễ sử dụng và an toàn của chúng.

1.2. Tài nguyên cây thuốc

Với mỗi cây thuốc cần biết chính xác tên khoa học của nó, nhằm có thể tra cứu và truy cập vào hệ thông thông tin của nhân loại, xác định tình trạng nghiên cứu, phát triển, sử dụng, tránh sự lãng phí về thời gian và các nguồn lực khi loài đó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên thế giới. Nhận biết đúng nhằm bảo đảm tính an toàn khi sử dụng cũng như tránh những rủi ro về kinh tế khi không sử dụng đúng loài. Muốn vậy, ta cần có kiến thức cơ bản về hình thái học, phân loại học, mô tả và nhận biết cây cỏ làm thuốc.

Theo quan điểm hiện đại, cây thuốc là một dạng đặc biệt của tài nguyên có thể tái tạo vì nó gồm cả hai bộ phận cấu thành là cây cỏ và tri thức sử dụng; Trong khi bộ phận cấu thành thứ nhất liên quan đến các lĩnh vực khoa học tự nhiên thì bộ phận cấu thành thứ hai lại liên quan đến các lĩnh vực quản lý, kinh tế, xã hội và nhân văn. Để có thể phát triển một cách bền vững, những người hoạt động trong lĩnh vực này cần phải coi cây thuốc là một nguồn tài nguyên và xem xét đầy đủ mọi khía cạnh liên quan. Muốn vậy, hiểu biết về Tài nguyên cây thuốc là cần thiết.

2. QUAN HỆ CỦA MÔN HỌC THỰC VẬT VỚI CÁC MÔN HỌC KHÁC

  • Để có nguồn dược liệu làm thuốc, ngoài cách truyền thống là thu hái bền vững từ tự nhiên cần phải trồng trọt chúng. Muốn vậy, phải có hiểu biết về nơi sống, đặc điểm sinh lý, điều kiện sinh thái, cách trồng trọt, thu hái, sơ chế và bảo quản chúng. Các hoạt động này liên quan đến các môn học thuộc ngành nông, lâm nghiệp.
  • Do đối tượng phục vụ là con người, dược liệu làm thuốc, cần đạt các tiêu chuẩn khắt khe về thành phần, hàm lượng hoạt chất. Điều này được thực hiện thông qua các hoạt động kiểm nghiệm dược liệu, liên quan đến môn Dược liệu học, Hóa thực vật, Phân tích.
  • Mỗi cây thuốc hiển nhiên cần biết bộ phận dùng, tác dụng, cách dùng, liều dùng nhằm mang lại hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khoẻ cao nhất. Các nội dung này liên quan đến các môn Thực vật dân tộc học, Dược liệu học, Dược lý học, Dược học cô truyền.
  • Do là một loại tài nguyên đặc biệt, việc bảo tồn và phát triển cây thuốc liên quan đến các lĩnh vực quản lý, kinh tế, xã hội và nhân văn, cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, ngành học như Quản lý, Kinh tế tài nguyên, Xã hội học, Dân tộc học.

Đối tượng và nội dung môn học thực vật./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

 

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *