Thông tin về cây Sử Quân Tử
Sử quân tử, Hoa giun | 使君子 shi jun zi | Quisqualis indica L. | Combretaceae | Mỹ Đức – Hà Tây 1.
Trong dân gian chúng ta hay gọi Hoa giun (do dùng để tẩy giun), còn trong Y học cổ truyền dùng với tên Sử quân tử. Chúng ta cùng nhau xem vì sao nó lại có một cái tên khá đặc biệt như vậy. Có 2 truyền thuyết kể về xuất xứ của tên cây này.
Truyền thuyết 1:
Tương truyền, thời Tam Quốc, con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện bị mắc một căn bệnh kỳ lạ: da xanh xao, chân tay gầy yếu, bụng phình to như cái trống, khi gõ kêu “bang bang”, và thường hay quấy khóc, chỉ dùng Hoàng thổ (đất màu vàng), Sinh mễ (gạo chưa nấu) để ăn.
Vào một ngày trời đẹp gió yên (nguyên văn: nhật lệ phong hòa), Lưu Thiện đến trường để chơi, Lưu Bị đã cử hai binh sĩ đưa Lưu Thiện đến xem một vở kịch ở gần đó. Khi trở về nhà thì trời đã tối, Lưu Thiện đột nhiên bị tiêu chảy và nôn mửa (miệng nôn trôn tháo), hai tay ôm bụng một cách đau đớn. Hai binh sĩ nhìn thấy Lưu Thiện như vậy thì sợ hãi quỳ xuống, không dám đứng lên. Lưu Bị vội vã hỏi xem Lưu Thiện có ăn gì không. Một trong hai người lính cúi đầu sợ hãi nói “tiểu công tử nhìn thấy một loại quả dại và khóc đòi hái để ăn”. Lưu Bị nghe vậy đoán rằng Lưu Thiện đã bị ngộ độc khi ăn loại quả dại đó, bèn bảo hai binh sĩ đi gọi thầy thuốc.
Trong thời gian hai binh sĩ đi gọi thầy thuốc, Lưu Thiện đã đi ngoài ra rất nhiều giun, sau đó không kêu khóc nữa. Lưu Thiện cũng cảm giác thấy đói, bèn uống một bát cháo, rồi lại đi ngoài ra một ít giun nữa. Khi thầy thuốc đến thì Lưu Thiện đã đi ngủ rồi. Về sau, bụng Lưu Thiện mềm dần, cũng không còn muốn ăn Hoàng thổ, Sinh mễ gì nữa.
Lưu Bị thấy cơ thể con trai mình dần tốt lên, rất là mừng rỡ. Ông nghĩ, chính loại quả dại đó đã chữa được chứng bệnh bất thường của con mình. Ông ra lệnh cho hai binh sĩ nọ cùng hàng chục người khác đi để thu loại quả dại đó. Sau khi lấy được quả về, liền làm khô rồi nghiền thành bột, điều trị cho những trường hợp bị bệnh như Lưu Thiện ở trong vùng. Nhờ dùng loại thuốc này, rất nhiều người đã khỏi bệnh. Vì vậy, nhân dân đã mang rất nhiều lợn, cừu đến cảm ơn Lưu Bị và quân đội của ông.
Lưu Bị lúc này cầm quả lên hỏi mọi người, rằng có biết quả này tên là gì không, nhưng mọi người đều lắc đầu. Bỗng trong đám đông có một người nói thật to “ Chúng tôi không biết tên của loại quả này, nhưng con trai của Lưu sứ quân đã ăn nó đầu tiên, nên có thể gọi quả này là “Sứ quân tử” (使 – shi, trong tiếng Việt có thể đọc là Sứ hay Sử đều được). Mọi người nghe vậy, đều vỗ tay đồng ý. Từ đó loại quả này có tên gọi là Sử quân tử.
Truyền thuyết 2:
Tương truyền, trong khoảng thời đại Bắc Tống, Quách sứ (sử quân) là người đứng đầu Phan Châu rất giỏi về y thuật, hay giúp đỡ những người nghèo khó, được những người xung quanh rất kính trọng.
Một ngày nọ, ông lên núi hái thuốc, gặp một loại thảo dược đang ra quả, và nó lập tức thu hút sự chú ý của ông. Hình dạng quả vừa giống như Sơn chi (山栀 – shan zhi = Dành dành – Gardenia, Rubiaceae), vừa giống như vị thuốc Kha tử (诃子 – he zi = Ha tử – Terminalia chebula, Comberetaceae – mà ở Việt Nam hay đọc là Kha tử, hay còn có tên Chiêu liêu tử). Ông bèn lấy mấy quả, bóc vỏ ngoài ra và nếm thử, thấy nó có vị hơi ngọt và có mùi thơm, nên mang một ít quả về nhà.
Vì quả còn xanh, ông sợ để như vậy lâu sẽ hỏng, nên mang lên chảo sao khô. Do khi sao lên, quả này bốc lên mùi thơm, đứa cháu trai của ông đã lấy để ăn. Quách sử quân vô cùng lo lắng, ông đã móc ra được 4 – 5 phần mà quả mà đứa cháu đã ăn. Sáng hôm sau đứa bé đi ngoài, trong phân của nó có vài con giun đũa (蛔虫 – hui zhong – hồi trùng). Quách sử quân suy nghĩ rất nhiều về điều này, sau đó ông lấy thêm mấy quả đã sao cho đứa cháu ăn tiếp.
Thật bất ngờ, chưa đến một canh giờ sau, đứa bé bắt đầu ợ hơi, nôn mửa. Quách sử quân dùng Sinh khương (Gừng tươi), Trần bì (Vỏ quít), Cam thảo và các loại thuốc khác để giải độc. Một vài ngày sau đó, Quách sử quân lấy một nửa lượng quả dùng tiếp cho cháu mình, và đứa cháu đa thải ra ngoài được nhiều con giun đũa. Kể từ đó, Quách sử quân dùng quả này để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh ký sinh trùng, trẻ em cam tích. Sau này, để tưởng nhớ ông, người ta đã đặt cho vị thuốc này là Sử quân tử (使君子 – shi jun zi).
Kể ra, đọc sự tích về các vị thuốc cũng vừa có nhiều điều thú vị, cũng vừa dễ nhớ hơn công dụng trị bệnh của từng loại thuốc.
DS. Nghiêm Đức Trọng