Liệt dương
Câu chuyện Tỏa Dương, Tích Dương của các thầy lang mạng. Thật ra mình đã nói nhiều về chủ đề này rồi, là cái chủ đề “bổ dương”, cũng chán chán không muốn nói thêm nữa. Nhưng nhiều khi nhìn thấy anh chị em lang mạng hoặc lang facebook truyền tai nhau, quảng cáo rầm rộ mà không nói thì nó bực mình.
Chủ đề hôm nay là vị thuốc “Tích Dương”
Tích dương được các anh chị lang mạng quảng cáo như sau “Tích dương có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý, hoạt trường mạnh lưng gối, dùng trong trường hợp nam bị liệt dương, phụ nữ bị vô sinh, huyết khô, đại tiện táo bón, lưng gối yếu mỏi”, rồi được anh chị đẩy lên hàng thần dược phòng the, bán với giá khá chát, tầm khoảng 1triệu/kg. Thông tin tác dụng này lấy từ đâu? Là do các anh chị tra trong bộ sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi. Nhưng xin thưa với các bạn, trong thật có giả, trong giả có thật. Lần này thì anh chị có tham khảo sách hẳn hoi (không như một số loại mà anh chị tưởng tượng ra), nhưng lại nhầm đối tượng.
Cây Tích Dương mà GS. Lợi nói tới là cây Cynomorium songaricum Rupr. (họ Cynomoriaceae), trong YHCT Trung Quốc gọi là Tỏa Dương (锁阳 suo yang): được dùng bổ thận dương, táo bón (tác dụng ẩm ruột – mịn phân). Loài này không có ở Việt Nam. Bên Trung Quốc cũng chỉ gọi là Tỏa dương, mà không gọi là Tích dương.
Tỏa Dương bán qua mạng thực chất là loài nào?
Loài mà các anh chị rao bán là loài Rhopalocnemis phalloides Jungh. (họ Balanophoraceae), (Việt Nam gọi Chùy đầu dương hình, Dó đất núi cao, Sơn dương, Trung Quốc gọi là 盾片蛇菰 dun pian she gu – Thuẫn phiến xà cô). Loài này chưa thấy được sử dụng làm thuốc trong YHCT ở Việt Nam. Ở Vân Nam, Trung Quốc, toàn cây được sử dụng để điều trị cảm lạnh thông thường, chấn thương do té ngã, thuốc bổ. Trên thế giới, xem qua thì chỉ có duy nhất một nghiên cứu về tác dụng chống oxy hóa từ hợp chất phenolic của cây này mà thôi (She GM, Hu JB, Zhang YJ, Yang CR., Phenolic constituents from Rhopalocnemis phalloides with DPPH radical scavenging activity, Pharm Biol. 2010 Jan;48(1):116-9).
Nay các anh chị lấy công dụng của một cây để gán cho một cây khác, đẩy nó lên hàng thần dược và bán hàng làm mình rất ái ngại. Vốn nó đã hiếm (được đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2007), nay có thể vì thông tin nhảm của anh chị mà có thể đẩy loài này vào nguy cơ tuyệt chủng thật sự. Nói vậy là để các bạn thấy rằng, mình chỉ quan tâm đến sự sinh tồn của loài này thôi, chứ còn tình trạng “lên hay liệt” của các bạn thì mình không có sức mà quản đâu.
Ghi chú lại:
#1: Tỏa dương (Trung Quốc): là loài Cynomorium songaricum Rupr., không có ở Việt Nam
#2: Tích dương (mà anh chị lang mạng nói tới): là loài Rhopalocnemis phalloides Jungh., có ở Việt Nam và Trung Quốc.
#3: Tỏa dương (mà Việt Nam ta hay gọi): là các loài thuộc chi Balanophora (cùng họ với loài Rhopalocnemis phalloides Jungh.). Vốn các loài này ở Việt Nam từ xưa dùng để bổ máu, kích thích ăn ngon, hồi phục sức khỏe, nhức mỏi chân tay, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, chứ không thấy nói đến tác dụng bổ dương. Ở Trung Quốc, dùng một loài phổ biến là Balanophora dioica R.Br. ex Royle, với tác dụng điều trị đau lưng do thận yếu, chảy máu (do trĩ, lao phổi), cũng không thấy nói đến tác dụng bổ dương. Tuy nhiên hiện nay, các anh chị gán những biệt danh rất mỹ miều cho nó như Nấm Ngọc cẩu, Nấm tan của nát nhà, rồi Không lên không lấy tiền,…nghe rất chi là hoành tráng (thực ra thì nó không phải là Nấm, mà nó là thực vật hạt kín đàng hoàng), còn mỹ từ “Ngọc cẩu” thì anh chị dịch ra từ tên dân gian của nó là “Cu chó” mà thôi. Và vấn đề “Ngọc cẩu” này cũng nổi lên một số năm gần đây, đặc biệt là từ vụ mấy anh “nhà báo” PR nó lên dữ quá, thành ra người người ngọc cẩu, nhà nhà ngọc cẩu, đến nỗi giờ nó đã trở thành một mặt hàng rất phổ biến trên mạng rồi.
#4: Thời buổi công nghệ này, đặc tính hay tọc mạch/truyền tai nhau càng có cơ hội được nở rộ, rồi ai ai cũng có thể trở thành thầy thuốc, thành nhà tư vấn sức khỏe các kiểu cho cộng đồng, với kiến thức đôi khi góp nhặt không đầy đủ từ google. Nhiều bạn thì lại ác cảm với bác sĩ, dược sĩ chúng tôi, nhưng lại đi tin vô điều kiện các thầy lang mạng, nên có việc gì thì cũng đành chịu thôi. Đấy, chả nói đâu xa, như Thương lục mỹ mà các anh chị còn bảo nhau là Sâm Hàn Quốc thì cũng đến thua, muốn sống mới khó, chứ muốn chết thì không ai cản nổi.
Tác giả: Nghiêm Đức Trọng – Giảng viên Đại học Dược Hà Nội