Thông tin về Hạ Khô Thảo
Hạ khô thảo | Heal-all, Self-heal, Sicklewort | 夏枯草 – Xia ku cao | Prunella vulgaris L. | Lamiaceae | Quan Ba – Ha Giang.
Câu chuyện về vị thuốc Hạ khô thảo
Thời xưa, có một thư sinh tên Mậu Tùng, người trung thực và tốt bụng, từ thuở bé đã đọc sách Tứ thư Ngũ kinh, tuy nhiên khi thi thố không đỗ đạt gì cả. Từ đó, Mậu Tùng sinh ra buồn bã cả ngày, lâu ngày, tích uất thành tật, sinh ra bệnh loa lịch (bệnh tràng nhạc – nghĩa là hạch nổi lên thành tràng ở cổ, trông như cái nhạc ngựa, nên gọi là tràng nhạc – lâm ba kết hạch) ở cổ, to như hạt đậu răng ngựa (蚕豆 nghĩa là tàm đậu, Vicia faba L., kích thước 8-30 mm), trông như chuỗi ngọc (hình tự liên châu), một số bị vỡ chảy mủ.
Các thầy thuốc YHCT đều dùng bài “sơ can giải uất” để điều trị, tuy nhiên không có tác dụng, bệnh tình ngày càng xấu đi. Vào mùa hè năm đó, phụ thân của Mậu Tùng vượt đường xa vạn dặm đi tìm Thần Nông (神农 – shen nong).
Một hôm, ông đi đến một ngọn núi, thấy ở đây cỏ xanh mọc thành thảm ở khắp nơi, hoa trắng đẹp lộng lẫy, như lạc vào cõi tiên cảnh, liền muốn nghỉ ngơi, nhưng bất ngờ ngã đổ gục xuống đất. Nhưng phụ thân của Mao Tùng không biết rằng, nơi tiên cảnh này chính là vườn thảo dược của Thần Nông. Đúng lúc đó, Thần Nông đang tưới nước bón phân cho vườn thảo dược của mình, thấy một người bị ngất xỉu, liền nhanh chóng chạy đến cứu chữa.
Phụ thân của Mao Tùng tỉnh dậy, liền cảm tạ Thần Nông rồi kể ra nỗi khổ trong lòng. Thần Nông nghe xong, liền ngắt một loại thảo dược trong vườn rồi nói: “Hãy lấy phần trên của loại thảo dược này, về sắc nước uống”, rồi lại nói thêm: “Cỏ này có tên Hạ khô thảo, mùa hè khi khô vàng thì hái lấy mà làm thuốc, có công hiệu thanh nhiệt tán kết”. Mậu Tùng sau dùng thuốc này theo Thần Nông, chẳng mấy đã khỏi bệnh. Từ đó, hai cha con Mậu Tùng đem truyền bá vị thuốc Hạ khô thảo, cứu giúp cho nhiều người, được mọi người yêu quí.
Tác giả: Giảng viên đại học Dược Hà Nội – DS. Nghiêm Đức Trọng.