PHÂN TÍCH BÀI THUỐC LÃNH HÁO HOÀN – SALBUTAMOL CỦA ĐÔNG Y

Bài viết PHÂN TÍCH BÀI THUỐC LÃNH HÁO HOÀN – SALBUTAMOL CỦA ĐÔNG Y – Tác giả: Ths.Bs.Trịnh Văn Cường

Thời tiết miền Bắc đang giai đoạn chuyển mùa, khí ôn ấm mùa hè dần nhường chỗ cho khí lạnh mùa thu đông. Thời điểm giao mùa bệnh biến hóa khôn lường, bệnh nhân cơ địa dị ứng là những người cảm nhận rõ nhất. Và thật tình cờ mình có nhận được tin nhắn của một bạn, muốn nhờ mình phân tích một bài thuốc rất hợp với thời điểm này. Bài thuốc gồm có 12 vị, là một bài cổ phương, không có trong các giáo trình giảng dạy hiện tại. Bài thuốc chuyên trị các chứng ho hen suyễn, tác dụng có thể nói không hề kém cạnh so với Salbutamol, Pulmicort (các thuốc trị hen phế quản hiện nay). Và bài thuốc ngày hôm nay là LÃNH HÁO HOÀN có tác dụng tán hàn tẩy đờm, trị hen phế quản thể hàn, phế quản phế viêm, phế quản giãn. Đây là bài thuốc đánh nhanh thắng nhanh, có tác dụng cắt cơn hen, suyễn rất tuyệt vời. Vì vậy đầu tiên hãy nói một chút về nguyên nhân cơ chế gây bệnh.

Lãnh háo hoàn
Lãnh háo hoàn

Hàn tà từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, có thể trực tiếp vào hầu họng, hoặc có thể vào vùng lưng (đặc biệt vùng huyệt phế du, huyệt du là nơi ra vào của kinh khí, vì thế huyệt phế du là huyệt có tác dụng đưa kinh khí ra vào phế). Từ hai con đường trên hàn xâm nhập vào phế, làm cho chức năng tuyên thông và thăng thanh giáng trọc của phế bị cản trở. Chất thanh không được thăng, chất trọc không được giáng dẫn đến bị ngưng kết lại mà hóa thành đàm. Đàm lại ngăn cản khí lưu thông làm cho khí thượng nghịch mà sinh ra ho hen suyễn. Chung quy cơ chế gây bệnh chính là HÀN – ĐÀM, và tác dụng của bài thuốc này là tán hàn trừ đàm (nghĩa là đuổi cổ hàn ra ngoài và xuyên phá đàm để làm cho khí giáng xuống cắt cơn ho hen suyễn)

Bài này gồm có 12 vị chia làm 4 cặp, mỗi cặp gồm có 3 vị.

CẶP 1: MA HOÀNG – TẾ TÂN – XUYÊN Ô

Là ba vị có tác dụng tán hàn, trừ hàn cực kỳ mạnh. Ma hoàng tán hàn ở phần vệ khí, Tế tân tán hàn ở thượng tiêu, Xuyên ô tán hàn ở kinh lạc. Ba vị này là QUÂN DƯỢC đánh nhanh thắng nhanh, gặp hàn đập hàn chết ngay tại chỗ, đuổi thẳng cổ hàn ra ngoài không cho cơ hội thứ hai. MA HOÀNG vị cay tính ấm vào kinh phế có tác dụng tán hàn, phát hãn giải biểu, tuyên phế chỉ khái bình suyễn, là vị thuốc duy nhất phát hãn ở phần vệ. TẾ TÂN tán hàn tà, trừ phong hàn rất mạnh (tế là nhỏ, tân là cay, vị thuốc rất nhỏ mùi thơm vị cay nhưng có công lực tán hàn cực mạnh, đặc biệt là hàn trên vùng thượng tiêu). XUYÊN Ô có tác dụng trừ hàn thấp rất mạnh, mạnh đến nỗi tán nhỏ, tán vỡ nát các điểm hàn ngưng (giống như dùng cái búa tạ đập hạt lạc, mạnh đến nỗi đập nát be nát bét luôn). Là vị thuốc trừ hàn mạnh nhất, còn có thể ví nó như là một vị gây tê (vì thế trong các bệnh xương khớp hay dùng rượu xuyên ô để xoa bóp ngoài, giúp giảm đau). Xu hướng tác dụng của xuyên ô chủ yếu ở kinh lạc.

CẶP 2: BẠCH PHÀN – THỤC TIÊU – TẠO GIÁC.

Ba vị này có tác dụng hỗ trợ cho cặp thứ 1 có tác dụng tán hàn, trừ đàm thông lợi khai khiếu. THỤC TIÊU là quả phơi hay sấy khô của cây hoa tiêu. Vị tê cay tính ôn mùi thơm nồng có tác dụng tán hàn, làm cho khí thượng nghịch giáng xuống (vị tê cay thông toàn bộ mũi họng – nó giống như khi ta ăn hạt tiêu, nó cay cay bốc bốc, cảm giác rất phê – thì vị này dùng có cảm giác y như thế). BẠCH PHÀN vị chua đắng tính hàn, có tác dụng tiết phát mạnh, làm mềm đàm ngoan cố. TẠO GIÁC (hay tên khác là nha tạo – chính là quả bồ kết bỏ lớp vỏ mỏng màu đen bên ngoài và hạt, chỉ giữ lấy lớp vỏ quả rồi tẩm mỡ, sữa, nướng) vị cay tính ôn có năng lực thông khiếu, tẩy đờm, thông lợi khiếu.

CẶP 3: HẠNH NHÂN – TỬ UYỂN – KHOẢN ĐÔNG HOA.

Đây là bộ ba chuyên trị để điều trị ho do bất kể nguyên nhân gì, kể cả ho hàn, ho nhiệt, hư hay thực dùng đều rất hiệu quả. Tác dụng chính là trừ đàm giáng khí chỉ khái định suyễn, trong một số trường hợp có thể kết hợp thêm vị Tô tử tạo thành cặp bốn vị, tác dụng càng tăng gấp bội. Tuy nhiên trường hợp này dùng chỉ để làm thần dược và tá dược nên dùng 3 vị. Còn trường hợp dùng 4 vị thường dùng làm quân dược. HẠNH NHÂN giáng khí để hành đàm, tuyên phế để lợi phế khí. Hạnh nhân cay đắng tuyên phế chỉ khái định suyễn giáng khí cho nên hành được đàm. TỬ UYỂN vị cay đắng tính ấm và chỉ quy vào kinh phế có tác dụng nhuận phế tiêu đàm chỉ khái, tuyên phế và thông khí. KHOẢN ĐÔNG HOA vị cay đắng ấm vào phế có tác dụng giáng khí nhuận phế chỉ khái tiêu đàm.

CẶP 4: BÁN HẠ – ĐỞM NAM TINH – CAM THẢO.

BÁN HẠ vị cay tính ôn táo thấp để hóa đàm, hòa vị giáng nghịch. ĐỞM NAM TINH vị đắng tính mát có tác dụng hóa đàm trị được sự bế tắc của thực đàm. CAM THẢO điều hòa các vị thuốc. Cặp này bán hạ và đởm nam tinh đều có tác dụng táo thấp để hóa đàm, làm tăng tác dụng trừ đàm. Cam thảo là SỨ DƯỢC có tác dụng điều hòa các vị thuốc.

Cách dùng tất cả các vị thuốc tán bột pha với nước nóng (ít nhất phải là nước ấm, cấm tuyệt đối nước lạnh) uống trực tiếp. Bài thuốc này là bài rất nổi tiếng để chữa các trường hợp ho hen suyễn, cắt cơn cấp tính cực kỳ tuyệt vời, tác dụng thực sự tốt – là thuốc điều trị cắt cơn nên dùng thời gian ngắn, không dùng kéo dài vì bài này các vị thuốc tác dụng cực kỳ mãnh liệt. Tuy nhiên hiện nay do các chế phẩm YHHĐ như Salbutamol, Pulmicort giá khá rẻ và rất dễ dùng (để túi xách hay đúc túi áo đem đi mọi lúc mọi nơi) nên bài này bị lãng quên khá nhiều. Tuy nhiên với những trường hợp bị các bệnh lý ho hen suyễn mạn tính muốn tránh các tác dụng không mong muốn của Salbutamol, Pulmicort thì bài này xứng đáng được trọng dụng.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *