ONG MẬT

THÔNG TIN KHOA HỌC CỦA ONG MẬT

 

Tên khoa học: Apis mellifera L.

Tên thuốc là bách hoa tinh hay phong mật (TQ)

Ngoài ra còn có: Ong khoái (A.dorsata L.), Ong ruồi (A. florea Fabr.)

Có một số tác giả chia như sau:

Ong châu Á: A. cerana Fabr., A. c. indicaA. c. japonicaA. c. sinensis.

Ong châu Âu: A. mellifera L.; A. m. ligustica, Am. carnicaA. m. Caucasica.

Thuộc chi Maligona hay Trigona …

Họ Ong (Apidae), bộ Cánh mỏng (Hymenoptera), nhóm Mellifera.

Từ Apis mellifera là ong mật, Apis mellifica là làm ra mật.

 

Ong mật là loài côn trùng, nó đã xuất hiện trên trái đất từ kỷ Đệ tam, tức là khoảng 55 – 60 ngàn năm trước khi xuất hiện người nguyên thủy; chúng sống có tính hợp quần, thành từng đàn lớn, mỗi đàn chỉ có một ong chúa, vài trăm ong đực và rất nhiều ong thợ, có tới 25.000 – 50.000 con, có khi tới 100.000 con. Riêng ong đực chỉ xuất hiện vào mùa sinh sản; hết mùa sinh sản ong đực hoặc tự chết hoặc bị ong thợ đuổi đi hoặc bị giết chết. Các thành viên trong đàn ong rất tự giác hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Ong chúa

Mỗi đàn ong chỉ có một con ong chúa. Nếu ong chúa mới sinh ra, đàn ong chưa kịp chia đàn thì sẽ hỗn loạn, ong thợ sẽ giết chết ong chúa cũ và cuối cùng trong tổ ong chỉ còn tồn tại một ong chúa. Ong chúa có thân hình phía dưới hơi thuôn, dài hơn ong thợ gần 2 lần, nặng hơn 2,8 lần, hai cánh ngắn hơn thân của nó, màu hơi sẫm hơn ong thợ một chút. Khi chúng ta mở tổ ong ra, ong chúa lẩn trốn nhanh, các ong thợ lập tức xúm lại thành đám đông để bảo vệ ong chúa. Chức năng sinh học của ong chúa là sinh sản. Mỗi ngày ong chúa có thể đẻ tới 1-2 nghìn trứng đã thụ tinh hoặc hơn nữa. Khả năng sinh sản của ong chúa rất lạ kỳ, mỗi ngày chúng sinh sản số lượng trứng có trọng lượng bằng 1,8 lần trọng lượng của nó. Trong số trứng đó sẽ nở ra ấu trùng, tùy thuộc vào thành phần thức ăn mà ong thợ cung cấp, kích thước tổ mà ấu trùng này sẽ phát triển thành ong thợ hay ong chúa. Trứng ở các lỗ tổ hình lục giác, sẽ nở ra ong thợ. Nếu trưng chưa thụ tinh sẽ nở ra ong đực. Ong chúa đẻ trứng vào tổ hình trụ đặc biệt sẽ nở ra ấu trùng, ấu trùng này được nuôi bằng sữa chúa, sau đó nó sẽ phát triển thành ong chúa. Ong chúa sống rất lâu từ 5-6 năm, có thể tới 8 năm. Khả năng sinh sản nhiều nhất ở năm thứ 1-3, sau đó giảm dần và khi ong chúa già thì đàn ong sẽ sinh chúa mới và đàn ong đó sẽ chia thành hai đàn mới. Vì một lí do nào đấy đàn ong không chia đàn, thì ong thợ sẽ giết ong chúa cũ. Ong chúa sau chuyến bay “trăng mật” (thụ tinh xong) sẽ về tổ, sinh sản, không ra khỏi tổ, trừ khi chia đàn hoặc thay đổi tổ. Do đặc tính sinh học này mà người nuôi ong thường thanh ong chúa sau khoảng 3 năm. Vì vậy, ngày nay có phương pháp nuôi ong mới (nuôi ong theo phương pháp cải tiến).

Khi đàn ong phát triển mạnh, ong thợ quá đông hoặc đàn ong không thích ở tổ đó nữa, do nhiều nguyên nhân, đàn ong cần chia đàn. Ong chúa sẽ đẻ trứng vào các ô tổ đặc biệt. Trứng trong tổ đặc biệt này sẽ nở ra ấu trùng, được ong thợ nuôi ấu trùng này chỉ bằng sữa chúa, ấu trùng này sẽ phát triển trong tổ, sau 16 ngày sẽ phát triển thành ong chúa mới. Ong chúa có nọc và là cơ quan bảo vệ. Ong chúa không bao giờ đốt người ngay cả những trường hợp con người gây đau đớn cho nó, nhưng khi gặp một ong chúa đối thủ, nó điên cuồng dùng nọc của nó để chống lại. Đồng thời ong chúa cũng đẻ ra vài trăm trứng, sau 24 ngày nở ra vài trăm ong đực.Trước khi ong chúa mới ra đời, ong thợ đã đi tìm một tổ mới và một nửa số ong thợ cùng ong chúa cũ bay đi lập một tổ mới. Một nửa số ong thợ còn lại và mũ chúa chưa nở ở lại tổ cũ. Khi ong chúa mới nở ra thì đàn ong đã có chúa. Ong chúa mới khỏe mạnh, phát triển bình thường, chọn một ngày đẹp, trời quang mây tạnh ong chúa thực hiện chuyến bay “trăng mật” (thụ tinh). Khoảng 9-10 giờ sáng, ong chúa bay vụt ra khỏi tổ lên cao, đàn ong đực bay theo, một ong đực khỏe mạnh nhất bay kịp ong chúa, thụ tinh cho ong chúa. Thụ tinh xong, ong chúa trở về tổ, sinh sản, thực hiện một chu kỳ mới của đàn ong. Còn lại, con ong đực rất “hạnh phúc” sau khi thụ tinh xong thi chết ngay. Các ong đực khác hoặc bay đi nơi khác hoặc trở về tổ thì ong thợ giết dần và đuổi đi hết. Cuối cùng thì đàn ong chỉ tồn tại một ong chúa và nhiều ong thợ.

Ong thợ

Ong thợ chiếm số lượng lớn nhất, có tới hàng trăm nghìn con ong trong một đàn ong, chúng có thân hình ngắn hơn ong chúa, màu vàng óng, đôi cánh dài gần bằng thân của nó, suốt đời làm việc chăm chỉ, không biết mệt mỏi, mang lại nguồn lợi to lớn cho loài người.

Nhiệm vụ của ong thợ: Ong thợ 3 ngày tuổi có nhiệm vụ theo dõi tình trạng vệ sinh các lỗ tổ, dọn sạch các vách và lỗ tổ sau khi ong non vừa nở. Ngày thứ 4 chúng cho ấu trùng ăn một hỗn hợp gồm mật ong, phấn hoa và bắt đầu những chuyến bay định hướng ra khỏi tổ.

Từ ngày thứ 7 tuyến hàm trên của ong thợ bắt đầu hình thành, tiết ra sữa chúa để nuôi ong chúa và ấu trùng non. Từ ngày thứ 12-18, khi tuyến sáp (ở nửa vòng bên sườn bụng cuối cùng) phát triển, tiết ra sáp, chúng tham gia xây dựng bánh tổ, canh gác, tiếp nhận mật hoa, duy trì sự ấm áp bên những lỗ tổ có trứng bằng thân nhiệt của mình. Ong thợ trông coi, sao cho thế hệ tương lai của mình phát triển bình thường và trong tổ luôn được thông gió. 15-18 ngày tuổi, ong thợ cũng bắt đầu bay đi thu phấn hoa, dùng nước bọt thấm ướt rồi trộn với mật hoa và đặt vào cái hốc đặc biệt ở hai chân sau “giỏ phấn”. Hai giỏ phấn chứa gần 4 triệu hạt phấn. Mang phấn về tổ, ong để phấn vào các lỗ tổ, thấm ướt bằng mật ong làm thức ăn dự trữ cho cả đàn ong. Nhiều ong thợ còn được phái đi trinh sát tìm kiếm nguồn mật hoa, phấn hoa và nước. Ong thợ bay rất nhanh, chúng có thể bay với tốc độ 65 km/giờ, kể cả khi chúng mang mật, phấn hoa nặng bằng 75% trọng lượng của nó, chúng vẫn bay với tốc độ 30km/giờ. Ong thợ là ong cái có bộ phận sinh dục phát triển không toàn diện (vì ong thợ tiếp xúc với ong chúa, ong chúa truyền cho ong thợ một chất hormon là feromon, chất này ức chế buông trứng không cho phát triển), do vậy bình thường chúng không đẻ trứng, chỉ khi nào chúa chết thì ong thợ đẻ trứng, trứng này chưa được thụ tinh, do vậy sẽ nở ra ong đực.

Tuổi thọ của ong thợ: Mùa hè chúng chỉ sống 1-2 tháng, mùa đông chúng sống lâu hơn, có thể sống tới 5-6 tháng.

Ong đực

Đến mùa sắp sinh ong chúa mới, trong đàn ong xuất hiện vài trăm con ong đực, chúng có màu đen, to hơn ong thợ, ngắn hơn ong chúa, đôi cánh dài hơn mình nó. Ong đực chậm chạp, ăn cũng nhờ ong thợ bón.

Ong đực chỉ có nhiệm vụ là thụ tinh cho ong chúa; chỉ có một con ong đực khỏe mạnh nhất đàn mới thụ tinh cho ong chúa. Trong dích hoàn của ong đực chứa từ 100-200 triệu tinh trùng. Con ong đực nào sau khi thụ tinh cho ong chúa xong thì chết ngay. Số còn lại trong đàn cũng bị ong thợ đuổi đi hoặc giết chết. Cuộc đời của ong đực chỉ kéo dài gần 3 tháng trong một mùa hè.

Sự phân bố của ong mật

Ong mật là côn trùng sống hoang ở các vùng rừng núi Việt Nam ở các miền Bắc, Trung, Nam. Chúng sống trong các hốc cây, hốc đá và thậm chí ở các hốc dưới mặt đất.

Nhân dân ta nuôi ong trong các khúc gỗ tròn, rỗng , bịt kín hai đầu, ở giữa khúc gỗ có chỗ ra vào cho đàn ong. Mỗi năm thu hoạch một vài lần bằng phương pháp thủ công.

Ngày này người ta nuôi ong theo phương pháp cải tiến bằng các đõ ong hình khối vuông hay chữ nhật; chúng cấu tạo bởi 5 tám ván có bề dày 1-2 cm và một nắp đậy, ở phía trong đõ ong (tổ ong) gồm các cầu được gắn trước bằng các chân tầng sáp nhân tạo, do vậy chúng xây dựng nhanh và mau chóng để đầy mật vào các ô sáp mới xây. Thu hoạch mật bằng phương pháp quay li tâm. Mùa hoa có thể 2 ngày đến 1 tuần quay thu mật 1 lần, do vậy năng suất mật rất cao.

Nuôi ong mật:

Trong nước, nghề nuôi ong mật có từ lâu, nhưng chủ yếu được đồng bào các dân tộc nuôi ở vùng rừng núi. Người ta nuôi ong trong các khúc gỗ. Kỹ thuật nuôi còn rất thô sơ, do vậy năng suất mật rất thấp. Hiện nay đã có công ty nuôi ong Trung ương. Theo phương pháp cải tiến, năng suất, chất lượng mật ong cao, nhưng so với các nước tiên tiến thì chúng ta còn phải cố gắng nhiều. Các tình miền Nam: Tây Nguyên, các tỉnh có rừng tràm ở Nam và Trung Bộ nghề nuôi ong đang phát triển, cần có nhưng đầu tư hơn nữa và đặc biệt là cần phát triển, khai thác, sản xuất các sản phẩm từ ong mật, nhờ ong thụ phấn cho cây trồng làm cho mùa màng bội thu và trên cơ sở đó mới thúc đẩy nghề nuôi ong mật ở nước ta.

Bộ phận dùng

Ong mật cho ta các sản phẩm quí như: Mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, keo ong, sáp ong và nọc ong. Những sản phẩm này rất quý trong phòng bệnh, chữa bệnh, hiếm có một nhà máy dược phẩm nào có thể sản xuất được nhiều dược phẩm quí như vậy, do đó, người ta nói “Con ong là Dược sĩ có cánh”.

Mật ong (Mell)

Ong Mật

Là mật hoa được ong thợ lấy từ các loài hoa mang về tổ chế biến mà thành. Con ong thu mật, dùng vòi hút mật hoa vào dạ dày của mình, mang về, chuyển mật cho con ong tiếp nhận, mật lại được giữ lại trong dạ dày ong tiếp nhận một thời gian. Từ dạ dày của ong tiếp nhận lại được tiết ra thêm men, các acid hữu cơ, các kháng sinh và chúng chuyển từ ô đựng mật này sang ô đựng mật khác để cho nước bay hơi nhanh. Để thu được 1kg mật, ong phải thu thập từ khoảng 10 triệu bông hoa, cần vận chuyển khoảng 120-150 ngàn chuyến bay, với quãng đường bay khoảng 360-450 ngàn km. Mật ong là một chất lỏng, sánh như xirô, vị ngọt, mùi thơm đặc biệt. Loại mật tốt có vị cay khé cổ. Mật ong là hỗn hợp của mật hoa, phấn hoa và một lượng nhỏ sáp ong…

Thành phần hóa học:

Mật ong có thành phần hóa học rất phức tạp, tùy thuộc vào nguồn hoa khác nhau mà thành phần hóa học cũng khác nhau. Mật ong có khoảng 100 chất khác nhau có giá trị tốt đối với cơ thể con người, bao gồm:

– Hàm lượng nước từ 18-20%.

– Hàm lượng đường chủ yếu là đường glucose và levulose chiếm 60-70%, saccharose 3-10% và một số đường khác như: mantose, oligosaccharid.

– Trong mật ong rất giàu vitamin, nhất là vitamin B1, B2, B3, Bc, C, H, K, A, E và acid folic.

– Các loại men: diastase, catalase, lipase.

– Các acid hữu cơ: acid citric, a. tartric, a. formic, a. malic, a. oxalic v.v…

– Đặc biệt rất giàu chất khoáng và các nguyên tố vi lượng như: Na, Ca, Fe, K, Mg, Al, Mo, Ag, Ba, Au, Co, Mn, Ra, Si, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti…

– Chất chống bệnh đái tháo đường.

– Các hormon.

– Các fitonxid.

– Các chất diệt nấm.

– Các chất thơm và nhiều chất khác…

Sữa ong chúa

Ong Mật

Sữa ong chúa là một sản phẩm rất quý trong y học, được tiết ra từ tuyến sữa dưới hàm của ong thợ từ 7 ngày tuổi. Sữa ong chúa là một chất đặc như bơ (ở nhiệt độ bình thường), màu hơi ngà.

Thành phần hóa học:

Thành phần hóa học của sữa ong chúa rất phức tạp, nó phụ thuộc vào đàn ong, nguồn hoa,… nhưng thành phần chủ yếu của sữa ong chúa gồm:

– Nước 66,50%.

– Chất khô 34,90%, trong số đó gồm 12,30% protein, 6,50% lipid, 12,50% đường, 0,80% tro và 2,80% các chất chưa biết rõ.

– Các vitamin: Trong 1g sữa ong chúa có chứa các vitamin sau đây (tính ra microgam): vitamin B1: 1,50-6,60, B2: 2,40-5,00, Bc, C, D, E, PP, H, acid folic: 0,20 và các niacin: 59,00-149,00.

– Các hormon và các chất đặc biệt khác có tác dụng củng cố và làm tăng sức khỏe cho con người.

Phấn hoa

Phấn hoa là sản phẩm do ong thợ thu hoạch từ phấn hoa của các loài mang về làm thức ăn dự trữ cho các đàn ong. Phấn hoa có màu rất khác nhau, có thể có màu vàng, màu đỏ, màu trắng…tùy thuộc vào phấn của các loài hoa.

Thành phần hóa học:

Thành phần hóa học của phấn hoa cũng rất phức tạp tùy thuộc vào nguồn hoa nhưng trong phấn hoa chứa khoảng 50 chất, chủ yếu là các chất sau đây:

– Đường khoảng 18%.

– Protein.

– Lipid.

– Nhiều loại men là chất xúc tác sinh học, một số loại cây cho các hormon: Estrogen, antrogen…

– Phấn hoa là nơi tập trung tự nhiên hầu hết các vitamin đã biết. Mỗi hạt phấn hoa đều chứa các vitamin B1, B2, Bc, B5, B6, C, H, tiền vitamin A…

– Các chất khoáng và vi lượng: Trong phấn hoa có khoảng 26 nguyên tố khoáng và vi lượng: Ca, Mg, Cu, K, Fe, Cr, Ti, Mn, Ba, Ag, Au, Co, Zn, Sn, Pb, Mo, Ka, W, Ir, V, Pd, Mo, P, S, Cl…

Tác dụng và công dụng:

Phấn hoa là một dược liệu quí, được dùng làm thuốc bổ, chữa bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh cao huyết áp, bệnh thần kinh, bệnh nội tiết, bệnh tuyến tiền liệt và u tiền liệt tuyến, có tác dụng chống lão hóa, chữa bệnh trẻ em thiếu máu, khi dùng phấn hoa thì hồng cầu và hemoglobin tăng lên nhanh.

Phấn hoa còn dùng với tính chất là mỹ phẩm chữa bệnh.

Hiện nay đã có các chế phẩm: Cốm phấn hoa và viên phấn hoa bán trên thị trường.

Sáp ong

Ong Mật

Sáp ong là một sản phẩm do ong thợ tiết ra từ tuyến sáp. Hai bên sườn bụng, chúng dùng để xây bánh tổ.

Có hai loại sáp ong: Sáp ong vàng (Cera flava) và sáp ong trắng (Cera alba).

Thành phần hóa học:

Sáp ong có nhiệt đọ nóng chảy từ 61-660C, thành phần cấu tạo chủ yếu gốm các myricyl palmitat, myricyl cerotat, các alcol myricyl, cerylic tự do, acid cerototic và các thành phần hydrocarbua C26, C28 và C32. Từ dãy cacbuahydro C28 đã phân lập được các hợp chất 9 – methylheptacosan và 13 – methylheptacosan, ngoài ra còn có các hợp chất hydrocacbua có mạch nhánh.

Tác dụng và công dụng:

Sáp ong được dùng trong trên 40 ngành công nghệ khác nhau: Kỹ nghệ in, nghề đúc, mạ điện, quang học, radio, kỹ nghệ dệt, thuộc da, ôtô…Ngành mỹ phẩm: sáp ong là một thành phần trong các chất trang điểm và là chất cơ bản làm đông đặc tốt nhất của kem dưỡng da. Trong y học làm thuốc bôi bỏng, thuốc mỡ, sáp ong được da hấp thu rất tốt, làm cho da mịn và trơn, do vậy người ta dùng làm thuốc mỡ, làm thuốc sáp, cao dán, thuốc cầm máu, chữa viêm đại trang…

Nọc ong

Nọc ong được tiết ra từ tuyến nọc độc ở phần đuôi của ong thợ. Khi ong châm vào kẻ thù, tuyến nọc độc tiết ra, đổ vào rãnh của kim châm dẫn đến cơ thể kẻ thù, làm cho kẻ thù chết hay bị đau buốt, bị tê liệt.

Nọc ong là chất lỏng, sánh, trong suốt, không màu, có mùi thơm đặc biệt, vị bỏng, đắng, có phản ứng acid, tỷ trọng 1,1313.

Thành phần hóa học:

Nọc ong chứa các chất: acid ortophosphoric, acid hydrochlorid, a. muranic, magnesi phosphat (0,40%), acetylcholin, histamin (1%), enzym (20% hialuronidase, 14% phospholipase A), Cu, Ca, S, P, dầu bay hơi và hơn 50% melitin gồm acid amin, 3% aspamin gốm 16 acid amin.

Trong y học, dùng nọc ong để chữa các bệnh thấp khớp, viêm dây thần kinh, đau dây thần kinh, các bệnh hen, eczema ngoài da, bệnh cao huyết áp và mắt.

Trong y học người ta đã dùng nọc ong dưới dạng dung dịch trong nước hay trong dầu (Apitoxin).

Hiện có nhiều biệt dược, Venapiolon là chế phẩm của nọc ong pha trong nước hay trong dầu hạt mơ. Cách dùng: 3-5 ngày đầu tiêm dưới da, 1 ngày 1 ống, sau đó 1, 2, 3 ngày tiêm 1 lần. Khi nhạy cảm với nọc ong thì 5 ngày tiêm 1 lần, những ngày đầu tiêm 0,50ml. Khi hết kích ứng thì tiêm 0,75ml, sau đó 3 ngày tiêm 1ml, tiếp theo 4 ngày tiêm 1,50ml.

Một đợt điều trị có thể từ 15-20 ngày, trường hợp đặc biệt có thể tiêm 30 ngày. Sau đợt điều trị chi nghỉ 1-2 tháng. Người ta phối hợp nọc ong với nọc rắn và đã có các biệt dược sau:

Apitrit: thuốc mỡ gồm có: nọc ong 0,015%, nhựa thông 3%, camphor 3%, metylsalicylat 6%, glycerin, chất nhũ hóa và các thành phần khác.

Dùng ngoài khi bị thấp khớp, viêm đa khớp, viêm cơ, đau dây thần kinh, viêm rễ dây thần kinh, viêm dây thần kinh. Xát mỡ vào da chỗ bị bệnh 1-2 lần/ngày, nếu bị kích ứng thì 1 lần/ngày. Một đợt điều trị 1-3 tuần lễ.

Viên Apiphor: Mỗi viên chứa 0,0001 g nọc ong để lạnh.

Keo ong

Keo ong là sản phẩm do ong thợ thu hoạch từ nhựa các loài cây cỏ và vỏ phấn hoa chế biến để gắn kín các khe hở của tổ, các cầu ong và bao bọc kín các côn trùng, gián chết trong tổ ong, làm trơn lỗ tổ chứa mật, phấn hoa, ấu trùng.

Thành phần hóa học:

Keo ong có chứa 55% chất nhựa, chất thơm, 30% sáp ong, 10% tinh dầu thơm, 5% phấn hoa, một số chất khác như: protein, các vitamin, các nguyên tố vi lượng, đa lượng: Fe, Mn, K, Al, Si, V, Sr.

Tác dụng của keo ong: Keo ong có tác dụng chống thối, gây tê tại chỗ mạnh hơn novocain, cocain, chữa các vết thương chai, các bệnh về da, sâu răng và mủ chân răng.

Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *