Dược liệu chứa Tinh dầu
DƯỢC LIỆU HƯƠNG NHU TRẮNG
1. Tên khoa học:
Tên: Ocimum gratissimum
Họ Việt Nam: Họ Bạc hà
Họ Latin: Lamiaceae
2. Phân bố:
Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi trong nước ta. Ngoài ra cây hương nhu còn được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Liên bang Nga, Ấn Độ, Srilanka.
3. Bộ phận dùng:
Phần trên mặt đất của cây Hương nhu trắng
4. Thành phần hoá học chính:
Trong hoa, lá khô đều có tinh dầu (ở hoa 2,77%, ở lá 1,38% và ở phần trên mặt đất 1,14%) (tính trên trọng lượng khô tuyệt đối). Thành phần chủ yếu của tinh dầu là eugenol khoảng 70%, D-germacren 8,8% và cis β-ocimen 7%.
5. Phương pháp kiểm nghiệm:
Định tính: Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Định lượng: Định lượng tinh dầu trong dược liệu. Dược liệu phải chứa ít nhất 0,5% tinh dầu (tính theo dược liệu khô tuyệt đối).
6. Phương pháp chế biến và bảo quản:
Chế biến: Thu hái khi cây ra hoa, rửa sạch, để nguyên hoặc cắt thành từng đoạn 2 – 3 cm, phơi âm can đến khô. Trước khi dùng có thể vi sao ở nhiệt độ ≤ 60oC.
Có thể cất lấy tinh dầu để dùng. Nếu cất tinh dầu, thu hái vào lúc cây Hương nhu đã phát triển đầy đủ, có nhiều lá và hoa. Tinh dầu lỏng, màu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay, tê, để ngoài không khí biến màu nâu đen.
Bảo quản:
Dược liệu để nơi khô mát, tránh làm mất tinh dầu.
Tinh dầu: Tránh ánh sáng, đựng đầy lọ, nút kín, để nơi mát.
7. Công dụng, cách dùng và liều lượng:
Công dụng:
Giải cảm nhiệt, lợi tiểu. Làm thuốc giải cảm, làm ra mồ hôi.
Cất tinh dầu và điều chế eugenol dùng trong tân dược (dùng trong nha khoa) và một số ngành kỹ nghệ khác.
Tinh dầu Hương nhu trắng: Có tác dụng giảm đau tại chỗ, sát trùng, dùng làm thuốc phòng chữa thối rữa, chữa đau răng.
Cách dùng và liều lượng: Ngày dùng 6 – 12 g dược liệu khô, dạng thuốc sắc hay thuốc hãm, thuốc xông.
Dược liệu Hương nhu trắng – Ocimum gratissimum, Lamiaceae.
Tham khảo thêm tại đây
Chuyên đề dược liệu tốt nghiệp./.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn