Thông tin về cây Lá Ngón
Cây lá ngón, danh pháp hai phần: Gelsemium elegans, còn gọi là cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn v.v. trước đây được phân loại trong họ Mã tiền (Loganiaceae), nhưng từ năm 1994 đến nay được cho là thuộc họ mới là họ Hoàng đằng (Gelsemiaceae).
Chuyện xảy ra vào khoảng 5.000 năm trước đây.
Thần Nông (1) thị từ nhỏ đã thông minh hơn người, thường xuyên giúp đỡ những người xung quanh khi khặp khó khăn. Tương truyền Thần Nông có bụng, ruột và dạ dày trong suốt, tự có thể nhìn thấy thức ăn mình ăn vào đi như thế nào trong bụng. Khi nhìn thấy nhân dân trăm họ bị mắc nhiều bệnh tật mà vô phương cứu chữa, thì trong lòng rất phiền não. Vì muốn tìm kiếm thảo dược để trị bệnh cho mọi người, quanh năm Thần Nông bôn tẩu khắp chốn đồng nội núi rừng, nếm hàng trăm loại cây cỏ, cho dù trúng độc cũng chẳng nề hà chi (Chuyện sau này kể rằng, Thần Nông một ngày nếm hàng trăm loại cây cỏ, có khi gặp ngộ độc đến 70 lần).
Vào một ngày, Thần Nông thấy một loại lá cây màu xanh biếc, có mùi hương thoang thoảng thơm, bèn cúi xuống hái lấy một ít. Thật bất ngờ là, khi lá cây này vào trong bụng liền đặc biệt thanh tẩy dạ dày – ruột làm cho nhẹ nhàng khoan khoái. Vì thế Thần Nông thường xuyên mang theo loại lá (2) này bên người để giải độc khi cần. Từ đó về sau, mỗi lần ăn phải loại cây độc, Thần Nông lập tức ăn một ít loại lá cây này, do vậy dù đã nếm phải rất nhiều loài thực vật độc nhưng đều có thể biến nguy thành an.
Mãi đến một lần, Thần Nông gặp một loại dây leo có lá mọc đối nhau, với những bông hoa nhỏ màu vàng, Thần Nông bèn lái một ít lá bỏ vào miệng nuốt thử. Nhưng không thể ngờ, độc tính phát tác rất nhanh, liền cảm thấy rất khó chịu trong người. Thần Nông vừa định ăn loại lá cây giải độc kia, liền thấy ruột của mình cứ đứt ra từng khúc, từng khúc. Không bao lâu, Thần Nông đã nếm vô số loại thảo dược xung quanh mình nhưng không tác dụng, thành ra mất mạng. Cũng bởi vậy mà về sau, mọi người gọi loại cây độc này là “Đoạn trường thảo” (nghĩa là “cỏ đứt ruột”).
Ở ta thì quen hơn với tên là Lá Ngón. Được coi là loại cây độc nhất Việt Nam, dân gian cho rằng chỉ cần ăn 3 lá là có thể chết. Hàng năm, ở Việt Nam vẫn còn nhiều người tử vong do cây lá ngón (có thể do tự tự, bị đầu độc hoặc nhầm lẫn). Mặc dù độc như vậy, nhưng vẫn có thể được sử dụng làm thuốc đắp bên ngoài để chữa hủi, sài đầu, chân tay co quắp, nhưng cũng ít khi được sử dụng.
Công dụng của Lá Ngón
Theo y học cổ truyền Trung Quốc: Lá ngón có tác dụng tiêu thũng (tiêu phù), chỉ thống (giảm đau), khử độc, diệt trùng. Công năng chủ trị: khư phong công độc, tán kết tiêu thũng, chỉ thống, mụn, hủi, tràng nhạc, ung thũng, đinh nhọt, phong thấp tý thống, đau thần kinh.
Ghi chú
Thần Nông thường được biết với tên gọi Viêm Đế. Theo truyền thuyết, Thần Nông sống cách đây khoảng gần 5.000 năm và là người đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa, dạy nghề làm thuốc, cho nên trong dân gian có câu Thần Nông thường bách thảo, giáo nhân y liệu dữ nông canh (Thần Nông nếm trăm cây thuốc, dạy dân trồng ngũ cốc). Vì thế, ông còn được xưng là Dược vương, Ngũ Cốc vương, Ngũ Cốc Tiên Đế hay Thần Nông đại đế.
Ông được cho là đã nhận dạng hàng trăm loại dược thảo và độc thảo bằng cách tự mình nếm thử để tìm hiểu tính chất chữa bệnh của chúng và soạn ra bộ sách “Thần Nông bản thảo kinh”, bộ sách được coi là “kinh điển” của ngành Dược học, xuất hiện lần đầu vào thời kỳ Tần (có thể là Hán hay Chiến Quốc), vài nghìn năm sau khi Thần Nông tồn tại. Trong sách ghi 365 loại dược vật, chia làm 3 loại là (i) thượng phẩm – 120 loại, (ii) trung phẩm – 120 loại, (iii) hạ phẩm 125 loại, trong đó có 252 loại thực vật, 67 loại động vật và 46 loại khoáng vật làm thuốc.
Việc sử dụng cây cỏ làm thuốc là quá trình mò mẫm, học tập và tích lũy lại kinh nghiệm qua nhiều thế hệ, thông quá quá trình con người tồn tại, lao động và đấu tranh với thiên nhiên. Bản chất cũng tương tự như việc tìm ra các loại thức ăn thức uống vậy. Nên thực ra, câu chuyện này là cách nói ẩn dụ về việc tìm ra các loại thuốc chữa bệnh của con người từ thời xa xưa. Đây có thể là kinh nghiệm của nhiều người, nhiều thế hệ mà đúc rút thành một bộ sách và người ta đã gán cho Thần Nông là tác giả của Thần nông bản thảo kinh mà thôi.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Việt Nam sử lược: vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi là vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu nước là Xích Quỉ. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình quân là Thần Long sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
(2) Có sách cho rằng đó chính là lá của cây trà (chè, Camellia sinensis (L.) Kuntze), được coi là thuốc giải của khoảng 70 loại cây độc. Người ta cho rằng Thần Nông phát hiện cây trà vào năm 2737 TCN. Về việc phát hiện ra cây trà cũng có những dị bản khác nhau.
Tác giả: Giảng viên đại học Dược Hà Nội – DS. Nghiêm Đức Trọng