Thông tin khoa học của cây Hoàng Cầm
Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georgi | Lamiaceae | 黄芩 Huang qin)
Tiểu sử danh y Lý Thời Trân
Lý Thời Trân sinh ra vào triều Minh, khi Minh Thế Tông (Gia Tĩnh đế) trị vì. Thuở nhỏ thông minh lanh lợi, chăm chỉ học hành. Khi tuổi còn nhỏ đã lập chí công danh, quang diệu môn đình. Thế nhưng, trời có sự mưa gió khôn lường mà không biết trước được, khi Lý Thời Trân được mười sáu tuổi, đột nhiên mắc bệnh cấp tính, ho khan không đứt, mãi không khỏi bệnh. Bệnh tình mỗi ngày một nặng thêm, hàng ngày nôn ra đến hơn một bát đờm (đàm), phiền khát, cốt chưng lao nhiệt, lục mạch phù hồng. Tuy đã uống sài hồ (Radix Bupleuri – 柴胡 Chai hu), mạch đông (hay mạch môn đông Radix Ophiopogonis japonici – 麦冬 Mai dong), kinh giới (Herba Nepetae tenuifoliae – 荆芥 Jing jie), trúc lịch (Succus Bambusae – 竹沥 Zhu li) để giải biểu trừ nhiệt, nhuận phế thanh tâm, thanh nhiệt hóa đàm nhưng không hiệu quả.
Đương lúc cha mẹ Lý Thời Trân hết sức tuyệt vọng, thì từ phương xa có một vị đạo sĩ đi dạo chơi qua làng, vị đạo sĩ này đầu bạc dâu rài, rất có phong cách của một vị tiên phong đạo cốt. Nghe nói vị đạo sĩ chuyên trị được những bệnh nan y, nên cha mẹ của Lý Thời Trân liền mời về nhà thăm bệnh cho con trai. Vị đạo sĩ sau khi khi xem mạch, vuốt bộ râu dài mà nói: “Không ngại, không ngại, bệnh này chỉ cần dùng 30 khắc (1克 = 1 gram) hoàng cầm, thêm hai chung nước, sắc về còn một chung, dùng nửa tháng là có thể khỏi hẳn. Cha mẹ Lý Thời Trân mặc dù bán tín bán nghi, nhưng vẫn sắc thuốc cho con uống. Kỳ tích liền xuất hiện. Nửa tháng sau, thân nhiệt đã bình thường, đàm nhiều ho khan cũng đã hết, thân thể dần hồi phục lại. Chỉ dùng một vị hoàng cầm mà lại có thể đẩy lui được bệnh tật, thật là công hiệu.
Lý Thời Trân sau khi khỏi bệnh, cảm thấy y học thật là thần kỳ, đối với vị đạo sĩ nọ càng khâm phục trong lòng. Từ đó về sau, liền đi theo vị đạo sĩ toàn tâm nghiên cứu y học, đọc hết các y thư từ trước đến nay, đi hết núi cao sông lớn. Công sức không phụ lòng người, về sau Lý Thời Trân đạt được thành tựu y học to lớn, trở thành y lâm nhất đại tông sư. Lại biên soạn bộ “Bản thảo cương mục” (Bencao Gangmu – Compendium of Materia Medica) vô cùng nổi tiếng. Đối với vị thuốc Hoàng cầm đã cứu tính mạng mình càng tôn sùng, viết lên rằng “Dược trung khẳng khể, như cổ ứng phù, y trung chi diệu, hữu như thử tai”, nghĩa là “Dùng thuốc mà đúng, như trống ứng với dùi, Trung Y tuyệt diệu, giống như vị thuốc này vậy”.
Ghi chú:
Hoàng cầm (Radix Scutellariae) vị đắng tính hàn, quy vào 5 kinh là tâm, phế, can, đởm và đại tràng. Có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa hàn nhiệt vãng lai, phế nhiệt sinh ho, triệu chứng nhiệt độc như áp xe/loét/đau họng, tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt da vàng, đầu nhức, tả lỵ, đau bụng, mắt đỏ, đau, động thai, xuất huyết do huyết nhiệt, đổ máu cam, thổ huyết, kinh nguyệt quá nhiều, cảm mạo, vv. Mỗi ngày dùng 5 – 15 gam sắc với nước. Nếu dùng để tả hỏa, thanh thấp nhiệt nên dùng loại dược liệu thô. Dùng để cầm máu và chống động thai thì nên dùng loại đã sao đen.
Lý Thời Trân (1518–1593), tự là Đông Bích, lúc già có hiệu là Tần Hồ sơn nhân, là một danh y và nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh, người Kỳ Châu (nay là trấn Kỳ Châu, huyện Kỳ Xuân, địa cấp thị Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc). Câu chuyện chỉ là truyền thuyết – liên quan đến vị thuốc Hoàng cầm, nên có chỗ khác với tiểu sử của Lý Thời Trân.
Bản thảo cương mục
Bản thảo cương mục có tổng cộng 52 quyển, tập hợp 1.892 chủng loại cây, con, vật thuốc khác nhau, phân thành 601 loại, trong đó có 374 loại do đích thân Lý Thời Trân bổ sung, hơn 1.100 bức đồ hình. Bộ sách liệt kê 11.096 đơn thuốc trong đó có 8.000 do Lý Thời Trân sưu tập mới hoặc tự sáng chế. Ước tính toàn bộ sách có tới 190 vạn chữ được chia thành 16 bộ, 60 loại, từng chủng loại cây, con, vật thuốc đều được chú rõ tên, tập tính, lịch sử khai thác, phương pháp chế biến, đặc tính, công dụng. Bản thảo cương mục hoàn thành năm 1578 (sau 27 năm sư tầm, khảo cứu). Đây được coi là bộ sách dược vật hoàn chỉnh nhất của Đông y, là một từ điển bách khoa về dược học. Được công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.
Tác giả: Giảng viên đại học Dược Hà Nội – DS. Nghiêm Đức Trọng