Thông tin khoa học của CÂY BA GẠC
Có nhiều loại Ba gạc. ở Việt Nam hiện nay có các loại ba gạc sau:
– Rauvolfia verticillata (Lour). Baill. (Ba gạc Việt Nam).
– Rauvolfia serpentina Benth (Ba gạc Ấn Độ).
– Rauvolfia vomitoria Afz. (Ba gạc bốn lá).
– Rauvolfia tetraphylla L. (=R. canescens L., R. heterophylla Roem. Et Schult) (Ba gạc Cu Ba).
– Rauvolfia cambodiana Pierre ex Pitard (Ba gạc lá to).
– Rauvolfia indochinensis Pichon (=R. littoralis Pierre ex Pitard) (Ba gạc lá nhỏ).
Họ Trúc đào (Apocynaceae).
1.Đặc điểm thực vật
– Rauvolfia verticillata: Cây nhỡ, cao 1-1,5m, cành non dẹt. Lá mọc vòng 3-4, cũng có khi mọc đối, phiến lá hình mác dài. Hoa trắng mọc thành xim dạng tán kép. Đài 5, ống hình chuông rất ngắn. Tràng 5, ống thường hơi cong, ở họng có lông. Nhị 5, đính ở trên ống tràng. Đĩa mật hình nhẫn ngắn. Bầu có hai lá noãn. Quả hạch 2, khi chín có màu đỏ tươi.
– Rauvolfia serpentina: Cây nhỏ cao 0,4-0,5 m, ít phân nhánh, có nhựa mủ trắng. Lá mọc vòng 3, có khi mọc đối, lá có màu vàng lục. Cụm hoa có một cuống chung mọc từ kẽ lá. Đài 5, không màu. Tràng 5, có ống phình ở 1/3 phía trên, màu tím hồng. Nhị 5, chỉ nhị bằng nửa bao phấn. Bầu gồm 2 lá noãn rời. Quả hạch hình trứng, khi chín có màu tím đen.
– Rauvolfia vomitoria: Cây nhỡ cao 2-6 m, vỏ thân xù xì, có nhựa mủ trắng, cành phân nhánh nhiều, cành non màu xanh có cạnh dẹt, cành già hình trụ màu nâu bạc, có nốt sần. Lá đơn nguyên, mọc vòng 3-5, phần nhiều là 4. Cụm hoa là một xim tán dài 8-15 cm mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Hoa nhỏ, màu trắng lục gồm 5 lá đài hình tam giác, 5 cánh hoa, tràng hình ống phình ra ở hai đầu, bên trong có lông, 5 nhị dính vào chỗ phình của ống tràng, chỉ nhị rất ngắn. Bầu gồm hai lá noãn. Quả hạch mọc riêng lẻ hoặc đôi một rời nhau, hình cầu hay hình trứng đầu hơi nhọn, khi chín có màu đỏ da cam, có một hạt dẹt hình trái xoan.
– Rauvolfia tetraphylla: Cây nhỏ, cao 0,5-1 m, có nhựa mủ, cành non có lông rất nhỏ, cành già không có lông. Lá thường mọc vòng 4, ít khi 3. Kích thước lá không đều, lá lớn nhất dài 5-15 cm, rộng 2-4 cm, lá nhỏ nhất dài 1-4 cm, rộng 0,8-3 cm. Lá mỏng, hình trứng hoặc hình bầu dục, hai mặt đều có lông. Cụm hoa hình xim tán mọc ở đầu cành hoặc nách lá. Cuống của tổng bao còn non có lông mềm dài, sau rụng dẫn đi. Hoa mẫu 5, có 5 lá đài, tràng màu trắng, ở mặt trong và ngoài của tràng có lông mềm dài, 5 nhị đính trong họng ống tràng. Lá noãn hàn liền, bầu trên. Quả hạch gồm 2 quả dính lion với nhau, khi chín có màu tím đen, có hai hạt tròn.
– Rauvolfia cambodiana: Cây nhỡ cao 1-1.5 m có nhựa mủ trắng, vỏ nâu tươi, lá mọc vòng 3, không có lông, lá to hơn các loài trên (dài 15-30 cm, rộng 3,5-7 cm). Cụm hoa hình xim kép, mọc ở ngọn. Hoa trắng, ống hồng, có đĩa mật. Lá noãn rời. Mỗi hoa sinh ra 2 quả hạch, khi chín có màu tím đen, có một hạt.
– Rauvolfia indochinensis: Cây nhỏ, cao khoảng 0,8 m không có lông. lá thường mọc vòng 3, lá hơi cứng, dài 15-24 cm, nhọn hai đầu. Cụm hoa mọc ở nách lá và ngọn, hoa nhỏ, có đĩa mật. Quả hạch, khi chín có màu tím đen.
2.Phân bố
– Ba gạc Việt Nam mọc hoang ở nhiều vùng rừng núi Việt Nam: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa…
– Ba gạc 4 lá mới phát hiện thấy mọc hoang ở Phú Thọ.
– Ba gạc lá tô có ở Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc.
– Ba gạc lá nhỏ mọc ở đảo Phú Quốc, An Giang, Bình Định.
– Ba gạc ấn Độ và ba gạc Cuba là những cây di thực. Gần đây mới phát hiện thấy ba gạc ấn Độ có mọc hoang ở Đắc Lắc.
3.Cách trồng:
Ba gạc trồng bằng hạt, cũng có thể trồng bằng thân hay rễ. sau một năm rưỡi đến hai năm thì thu hoạch.
4.Thu hái
Có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa thu, đông. Đào rễ về rửa sạch rồi phơi khô.
5.Bộ phận dùng:
Rễ (Radix Rauvolfiae)
Rễ: Hình trụ, thường cong queo, ít phân nhánh, dài khoảng 40cm. đường kính 1 – 2cm. Phía trên có khi còn sót lại một đoạn gốc khoảng 2-3 cm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có những đường nứt dọc. Rất cứng chắc, không mùi, vị đắng.
Vi phẫu:
Lớp bần dày gồm nhiều hàng tế bào hình chữ nhật. Mô mềm với tế bào thành mỏng, trong tế bào có hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat, đôi khi có tế bào cứng và tế bào nhựa mủ. Libe phân tách bởi tia tủy gồm 1-3 hàng tế bào. Tầng phát sinh gồm 1 – 2 hàng tế bào. Gỗ cấu tạo bởi mạch gỗ, và sợi gỗ, rải rác có tế bào nhựa mủ.
Bột:
Màu vàng xám nhạt, vị rất đắng. Soi kính hiển vi thấy tinh thể calci oxalat hình lập phương hay nhiều cạnh. Hạt tinh bột đứng riêng lẻ hay chùm 2 – 3 hạt. Mảnh mô mềm chứa tinh bột, mảnh bần, sợi gỗ.
6.Thành phần hóa học
Hoạt chất trong rễ ba gạc là alcaloid, tập trung ở vỏ rễ.
Trong rễ ba gạc ấn Độ chứa 1,5-3% alcaloid. Tới nay đã phân lập được trên 50 alcaloid, nhiều alcaloid là những đồng phan lập thể (Ví dụ: có tới 7 đồng phân lập thể của Yohimbin). Chia làm 3 nhóm chính:
a. Nhóm yohimbin
(Base indol bậc 3) có tính base yếu, không màu: yohimbin, reserpin, rescinnamin (reserpinin), sapargin (=raupin), reserpidin, raubasin (ajmalicin).
b. Nhóm alstonin
(Base anhydronium bậc 4) có tính base mạnh, màu vàng: alstonin, serpentin…
c. Nhóm ajmalin
(Base indolin bậc 3) có tính base yếu vừa, không màu: ajmalin, iso ajmalin…
– Ba gạc Việt Nam (Rauvolfia verticillata (Lour). Baill.): có chứa 0,9-2,2% alcaloid toàn phần trong vỏ rễ, trong đó có reserpin, ajmalicin, serpentin. Lá chứa 0,72-1,69% alcaloid toàn phần.
– Ba gạc ấn Độ (Rauvolfia serpentina Benth): Mọc hoang ở Đắc Lắc, có chứa 3,3% alcaloid toàn phần trong vỏ rễ, 0,275% ở thân và lá. Trong đó reserpin 0,04% và ajmalin 0,5%.
– Ba gạc 4 lá (Rauvolfia vomitoria Afz.): chứa 1-1,5% alcaloid toàn phần trong rễ, 90% alcaloid tập trung ở vỏ rễ. Rễ có reserpin 0,2%, ajmalin, reserpilin, rauvanin và alstonin. Lá chứa 1% alcaloid toàn phần.
– Ba gạc lá to (Rauvolfia cambodiana Pierre ex Pitard): vỏ rễ chứa 1,5-2% alcaloid toàn phần, trong đó có reserpin và ajmalin.
– Ba gạc lá nhỏ (Rauvolfia indochinensis Pichon): vỏ rễ chứa 3,5-3,8% alcaloid toàn phần, trong đó có reserpin.
– Ba gạc cuba (Rauvolfia tetraphylla L.): rễ có 1,5-2% alcaloid toàn phần, trong đó có reserpin 0,05%, rescinnamin, deserpidin…
7.Kiểm nghiệm
a. Định tính:
Đối với alcaloid của ba gạc, tới nay chưa tìm thấy phản ứng đặc trưng. Để xác định sự có mặt của reserpin, ajmalin, serpentin, ajmalicin… người ta thường sử dụng phương pháp sắc ký lớp mỏng:
– Bản mỏng dùng chất hấp phụ là silicagen G.
– Hệ dung môi khai triển: chloroform: methanol: amoniac [50: 9: 1]
– Dịch chấm sắc ký: Lấy khoảng 2-3 g bột dược liệu thẩm ẩm bằng amoniac rồi chiết kiệt alcaloid trong bình Soxhlet bằng chloroform. Cất thu hồi dung môi, hòa tan cắn bằng 1ml cồn 950.
– Hiện màu bằng soi dưới đèn tử ngoại bước sóng 366nm và phun dung dịch 5% sắt III clorid trong acid nitric 50%. Sắc ký đồ phải có vết có cùng màu và cùng Rf với các vết chấm dung dịch chuẩn reserpin, ajmalin, serpentin, ajmalicin…
b. Định lượng
Định lượng alcaloid toàn phần trong ba gạc bằng phương pháp cân:
Cân chính xác khoảng 2 – 3g bột dược liệu, cho vào bình nón có dung tích 500ml. Thấm ướt dược liệu bằng 3ml dung dịch amoniac 25% và 1ml ethanol 960, thêm 200ml chloroform, cất thu hồi còn 2 – 5ml. Thêm 20ml acid phosphoric 3%, đun nóng trên cách thủy đến khi bay hơi hết chloroform. Để nguội, lọc. Tiếp tục rửa bình và giấy lọc 3 lần, mỗi lần 10 ml acid phosphoric 3%. Gộp các dịch rửa lại. Trung hòa bằng amoniac 10% đến pH 10. Chiết alcaloid bằng chloroform lần lượt với 25, 20, 15, 10. Gộp dịch chloroform lại, lọc qua Na2SO4 khan vào bình đã biết khối lượng. Cất thu hồi dung môi đến khô và sấy đến khối lượng không đổi ở nhiệt độ 80 – 900C.
Alcaloid toàn phần trong dược liệu được tính theo công thức:
X%=ax100/p(100-b)
a: Cắn sau khi sấy đến khối lượng không đổi (g)
b: Độ ẩm dược liệu (%)
p: Khối lượng dược liệu (g)
Dược điển VN II quy định dược liệu phải chứa ít nhất 1,5% alcaloid toàn phần.
Ngoài ra, có thể định lượng bằng phương pháp so màu theo nguyên tắc: Tạo tủa màu của alcaloid với amoni reineckat, tách riêng tủa màu rồi hòa tan trong methanol, đem đo cường độ màu so sánh với dung dịch chuẩn. Phương pháp này dùng định lượng hỗn hợp alcaloid hoặc định lượng riêng reserpin.
8.Tác dụng
* Reserpin được coi là Alcaloid quan trọng nhất, đại biểu cho dược tính của Ba Gạc. Hai tác dụng dược lý quan trọng của Reserpin được xử dụng trong điều trị là hạ huyết áp và an thần.
Reserpin làm hạ huyết áp cả trên súc vật gây mê hoặc không gây mê. Tác dụng này xuất hiện chậm và kéo dài.cơ chế tác dụng hạ áp là do làm cạn dần kế hoạch dự trữ chất dẫn truyền trung gian Noradrenalin trong các dây thần kinh giao cảm, được coi như hiện tượng cắt hệ thần kinh giao cảm bằng hóa chất. Reserpin không có tác dụng làm liệt hạch, có tác dụng làm chậm nhịp tim, làm dãn các mạch máu dưới da.
* Đối với thần kinh trung ương, Reserpin có tác dụng ức chế, gây trấn tĩnh rõ, giống các dẫn chất Phenothiazin
* Đối với mắt, Reserpin có tác dụng thu nhỏ đồng tử 1 cách rõ rệt (là 1 trong những triệu chứng sớm nhất sau khi dùng thuốc).
Reserpin còn làm sa mi mắt, làm thư dãn mi mắt thứ 3 (Nictitating membrane) của mèo và chó.
* Đối với hệ tiêu hóa: Reserpin làm tăng nhu động ruột và bài tiết phân.
* Đối với thân nhiệt: sau khi dùng Reserpin, có sự rối loạn về điều hòa thân nhiệt.
* Đối với hệ nội tiết: Reserpin có tác dụng kích thích vỏ tuyến thượng thận giải phóng các Corticoid. Có tác dụng kháng lợi niệu yếu. Trên chuột cống cái, Reserpin làm ngừng chu kỳ động dục, ức chế sự phóng noãn. Trên chuột đực, ức chế sự phân tiết Androgen.
* Độc tính của Reserpin:
+ Liều chịu đựng được bằng đường uống đối với súc vật: 10-2000mg/kg.
+ LD50 bằng đường tiêm tĩnh mạch trên chuột cống trắng: 28 ± 1,6mg/kg, bằng đường uống trên chuột nhắt là 500mg/kg.
– Rescinnamin cũng có tác dụng hạ áp gần giống reserpin nhưng có nghiên cứu cho rằng thuốc có tác dụng an thần kém hơn.
– α – yohimnbin cũng có tác dụng hạ áp, có nghiên cứu cho rằng thuốc có tác dụng ức chế tim, gây ngủ, có độc tính tương đối cao.
– Ajmalin không có tác dụng hạ huyết áp và an thần, có tác dụng làm mất nhịp tim không đều nên được dùng trong bệnh tim đập không đều (ngoại tâm thu, tim nhanh loạn nhịp).
– Serpentin có tác dụng hạ huyết áp và ức chế hoạt động của ruột, cũng có tác dụng chống rung tim, nhưng serpentin độc hơn ajmalin.
– Raubasin (=Ajmalicin) có tác dụng làm giảm sức cản ở động mạch nhỏ nên tăng cường lượng máu cung cấp cho các mô.
9.Công dụng
Rễ ba gạc được dùng làm nguyên liệu chiết xuất reserpin, ajmalin, ajmalicin alcaloid toàn phần hoặc nấu cao hay dùng bột rễ làm thuốc
– Reserpin: dùng điều trị cao huyết áp, với liều 0,1-1,5 mg/ngày. Có dạng viên nén 0,1 mg, 0,25 mg, 0,5 mg.
Liều dùng cho bệnh nhân tâm thần thường cao hơn. Dùng: 5mg/kg cân nặng. Nhưng hiện nay ít dùng cho bệnh nhân tâm thần vì đã có các dẫn chất phenothiazin thay thế.
– Alcaloid toàn phần của R. serpentina có viên Rauviloid (2ml alcaloid toàn phần/1 viên) dùng chữa cao huyết áp với liều 2 – 4 mg/ngày.
-Viên Rauviloid (2mg Alcaloid toàn phần của R. Serpentina), liều dùng cho bệnh huyết áp cao là 2-4mg/ngày
-Viên Raudixin (bột rễ R. Serpentina) 50-100mong, liều dùng trung bình hàng ngày là 200-400mg
-Viên Raucaxin (R. tetraphylla): 2 mg alcaloid toàn phần/viên.
-Cao lỏng chế từ R. verticillata chứa 5% alcaloid toàn phần, liều trung bình mỗi ngày 30-60 giọt.
-Ajmalin được dùng điều trị loạn nhịp tim. Có dạng viên nén hoặc bọc đường 20 mg, 50 mg, ống tiêm 2ml/50mg. Uống mỗi lần 1-2 viên, uống 3 lần/ngày.
-Raubasin: Viên nén hay bao đường 1-5 mg và 10 mg, ống tiêm 10 mg/3ml dùng trong các trường hợp tai biến mạch máu não, rối loạn tâm thần do chứng suy não ở người già, viêm động mạch chi dưới. Ngày uống 3 lần x 1-2 viên vào bữa ăn. Tiêm tĩnh mạch chậm 1-2 ống/ngày.
Không nên dùng reserpin và các chế phẩm từ cây ba gạc trong các trường hợp loét dạ dày tá tràng, nhồi máu cơ tim, hen suyễn…
Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn