CÂY THỔ HOÀNG LIÊN
Tên khoa học của cây thổ hoàng liên | Thalictrum foliolosum DC., |
họ Hoàng liên | Ranunculaceae. |
1.Đặc điểm thực vật
Thổ hoàng liên là cây thân cỏ, mọc thành khóm, sống nhiều năm. Thân hình trụ, có đốt, không có lông, cao khoảng 1m, phân nhánh. Thân rễ thô, bẻ ra thấy màu vàng đậm, rễ chùm nhiều, cứng. Lá kép 3 lần lông chim, dài 28cm, cuống chung dài 10 – 20 cm, có bẹ, lá chét tận cùng thường lớn hơn. Lá chét mỏng; mặt trên màu lục, mặt dưới màu xám; gần hình tròn hoặc hình trứng; mép có răng cưa tròn, thưa; kích thước 1 – 1,5 x 0,5 – 1,2 cm; gân lá gần như không nhô lên. Cụm hoa hình cờ, phân nhánh nhiều, cuống hoa nhỏ, dài 0,7 – 1,5 cm, đường kính của hoa chừng 7 mm. Lá đài màu trắng hoặc vàng nhạt, hình trái xoan, dài 3 – 4,5 mm, rụng sớm, không có cánh hoa, nhị đực nhiều, dài 6 – 7 mm, đỉnh bao phấn có gai nhọn ngắn, chỉ nhị hình sợi tơ, có 4 – 6 lá noãn, núm nhuỵ hình dải mang cánh hẹp. Quả nhỏ,hình thoi giống như hạt thóc, hơi dẹt, đầu có mũi nhọn dài độ 3 mm, có 8 sườn dọc.
2.Phân bố và sinh thái
Thalictrum L. là 1 chi lớn, gồm khoảng 200 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu, chỉ một số ít loài thấy ở Nam Mỹ, Nam Phi hoặc vùng nhiệt đới núi cao của châu Á. Ở Trung Quốc có 70 loài; Đài Loan có 6 loài; Ấn Độ 50 loài… Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của viện dược liệu đã biết 3 loài ( Nguyễn Tập, 2000). Trong đó, loài thổ hoàng liên phân bố phổ biến ở:
* Xã Tả Phìn, huyện SaPa, tỉnh Lai Châu
* Thị trấn Bình Lư,huyện Phong Thổ; Tả Ngảo, Hồng Thu, Tả Phìn, Sìn Hồ, huyện Tủa Chùa, tỉnh Lai Châu.
* Xã Phố Là, Sủng Là, thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Nhìn chung các điểm phân bố của thổ hoàng liên cho thấy cây chỉ có ở vùng núi cao giáp biên giới phía Bắc, từ vĩ tuyến 23 trở lên. Việt Nam là điểm phân bố cuối cùng về phía nam của loài này trên bản đồ thế giới bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nepan.
Thổ hoàng liên là cây thảo, phần thân lá trên mặt đất nửa tàn lụi vào mùa đông. Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng và thường mọc lẫn với các loại cây bụi thấp và có ở chân núi đá vôi, bờ nương rẫy, ở độ cao từ 1300 – 1700 m. Ở Việt Nam, cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình năm từ 13 – 15,30 C; nhiệt độ tối cao tuyệt đối 310C và tối thấp tuyệt đối có thể 00C vào tháng 2 và tháng 1. Lượng mưa hàng năm : 1400 – 2800 mm/ năm. Độ ẩm không khí: 80 – 85%; do cây thường mọc ở chỗ trống trải nên lượng bốc hơi hàng năm thường cao, đặc biệt là tháng 3 – 4, 9 – 10.Hàng năm, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, từ gốc thổ hoàng liên mọc lên nhiều chồi. Loại chồi này sinh trưởng nhanh trong mùa xuân – hè, rồi ra hoa. Chiều cao của cây lúc này có thể đạt 1,3m (cây đang trồng tại trại thuốc SaPa – Viện Dược liệu). Đến tháng 10 – 11, quả già, chỉ còn những nhánh thân mọc lên từ lứa chồi hè – thu ( muộn ), không ra quả có thể tồn tại qua đông. Thổ hoàng liên ra hoa quả nhiều, nhưng lượng cây con mọc từ hạt trong tự nhiên rất hạn chế.
3.Bộ phận dùng và thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, thân rễ (Rhizoma et Radix Thalictri)
Thu hái, chế biến: Thu hoạch vào muà thu đông nhưng thường có thể khai thác vào tháng 6 – 8, đào lấy lúc trời khô ráo, rửa nước thật nhanh cho sạch đất cát, cắt bỏ rễ con và gốc thân rồi phơi sấy khô.
Vi phẫu
Trên vi phẫu từ ngoài vào trong ta thấy:
* Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật
* Mô vỏ phần ngoài gồm những tế bào nhiều cạnh, hoặc hình chữ nhật, kéo dài đường tiếp tuyến, những tế bào phía trong nhiều cạnh, to nhỏ không đều, xếp lung tung. Sát với libe là những đám cương mô.
* Bó libe gỗ xếp rải rác thành từng đám trong mô ruột. Giữa bó libe gỗ và tia ruột khá rộng với những khuyết hình bầu dục, trông phảng phất như những ống bài tiết.
* Trong mô ruột nơi gần gỗ thứ cấp có những mạch gỗ sơ cấp.
Bột
Thổ hoàng liên tán bột có màu vàng xám, tươi dưới tia ngoại tím. Soi dưới kính hiển vi thấy có những đặc điểm: mảnh mộc thiêm, mảnh mạch, tế bào cương mô đơn độc hoặc tập trung thành từng đám, mỗi đám gồm 2 – 4 tế bào, không có tinh bột.
4.Thành phần hoá học
Trong thổ hoàng liên có chứa nhiều alkaloid, đặc biệt là berberin:
+ Trong thân rễ và rễ thổ hoàng liên có: 0,35% berberin, 0,3% palmati 0,02% jatrorrhizin.
Ngoài ra còn có: thalictrin, magnoflorin.
5.Kiểm nghiệm
a) Định tính:
Bẻ dược liệu đem soi dưới đèn tử ngoại: có huỳnh quang màu vàng chói, phân fgỗ huýnh quang càng rõ.
Lấy một ít bột hay lát cắt mỏng dược liệu đặt lên phiến kính, nhỏ 1 giọt acid HCl đậm đặc, để yên 1h, đem soi dưới kính hiển vi sẽ thấy nhiều tinh thể hình kim có màu vàng.
Lấy ít bột hay lát cắt mỏng dược liệu, nhỏ vào đó 1 – 2 giọt ethanol 95% và 1 giọt HNO3 30% để yên 5 – 10 phút rồi đem soi kính hiển vi thấy xuất hiện tinh thể hình kim nhỏ màu vàng, đun nóng tiêu bản, tinh thể mất đi và có màu hồng.
Lấy 0,10 g bột dược liệu, ngâm 2 giờ với với 10ml nước. Chiết lấy 2 ml nước ngâm, thêm 1 giọt H2SO4 đậm đặc rồi thêm dần dần dung dịch bão hoà clor trong nước. Giữa 2 lớp chất lỏng sẽ có màu đỏ thẫm (dung dịch berberin với nồng độ 1/250.000 vẫn còn xuất hiện phản ứng này).
Định tính bằng sắc kí lớp mỏng: Cho vào 0,10 g bột dược liệu 5 ml MeOH, lắc mạnh khoảng 30 phút, lọc. Dùng dịch để chấm sắc ký. Hoà tan 0,5 mg berberin clorid vào 1 ml MeOH và 0,5 mg palmatin clorid vào 1 ml MeOH làm dung dịch đối chứng. Chấm dịch lọc và 2dung dịch đối chứng mỗi thứ 10 µl lên bản mỏng đã tráng chất hấp phụ là silicagel G. Khai triển bằng hệ dung môi n-BuOH – CH3COOH băng – H2O [7:1:2], sau đó làm khô trong không khí rồi soi dưới ánh đèn tử ngoại ở bước sóng 365 nm. Dịch chiết phải có vết cùng màu phát quang và Rf tương ứng với vết của berberin clorid và palmatin clorid.
b) Định lượng:
Dùng phương pháp cân:
Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu đã sấy khô ở 80oC đến khối lượng không đổi. Cho vào bình Zaichenko và lấy kiệt hoạt chất bằng 50 ml cồn. Cất trên nồi cách thuỷ để loại hết cồn. Thêm 30 ml nước và 2 – 3 g MgO, tiếp tục đun trên nồi cách thuỷ ở 60 – 70oC trong 15 phút. Thỉnh thoảng lắc bình. Lọc, rửa cắn bằng 30 – 40 ml nước nóng, rửa làm nhiều lần, cho đến khi nước rưủa không còn màu nữa. Hợp nước rửa với dịch lọc, thêm 5 ml dung dịch KI 50% để kết tủa berberin. Lọc rửa tủa bằng dung dịch KI 2%. Dùng nước kéo tủa vào 1 bình chịu nhiệt 250 ml có nút mài, lượng nước dùng không được quá 50 ml. Đun trên nồi cách thuỷ, lắc bình cho berberin phân tán đều trong nước, khi nhiệt đo trong bình lên 70oC, thêm 50 ml aceton (lượng aceton có thể rút xuống 10 ml tuỷ theo lượng berberin). Đậy nút bình, tiếp tục đun để hoà tan berberin iodid. Sau khi thêm thật nhanh 3ml dung dịch amoniac, lắc bình cho đến khi kết tủa. Để chỗ mát một đêm. Lọc tủa phức berberin aceton vào một chén nung đã cân trước. Hứng dịch lọc vào 1 bình khác, đo thể tích. Rửa tủa bằng ether etylic, sấy khô ở 105oC trong 3h, cân.
Từ lượng cân suy ra lượng berberin
Theo Dược điển Việt nam I, thân rễ thổ hoàng liên phải chứa ít nhất 0,5% berberin[6]
Ngoài ra có thể định lượng bằng phương pháp HPLC
6.Công dụng:
Dùng chữa lỵ, giải ngiệt, chảy máu cam, mất ngủ.
Nói chung cũng được dùng như vị Hoàng liên. Dùng ngoài để chữa đau mắt và mụn nhọt. Ngày dùng 4 -6g chia 2 – 3 lần uống dưới dạng thuốc bột hay làm thành viên. Dạng thuốc sắc quá đắng, khó uống.
Ở Trung Quốc, được dùng trị sởi đậu khó mọc.
Ở Ấn Độ, rễ dùng chữa khó tiêu, mất trương lực và dùng cho sự phục hồi sau những cơn đau cấp tính và dùng đắp trị đau mắt.
Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn