CÂY BỒ KẾT
Fructus Gleditschiae
Bộ phận dùng là quả của cây Bồ kết | Gleditschia fera (Lour.) Merr. (Gleditschia australis Hemsl., G. sinensis Lam.) |
Họ Vang | Caesalpiniaceae. |
1.Đặc điểm thực vật
Cây to, có gai phân nhánh. Lá kép lông chim. Cuống chung có lông và rãnh dọc. Có 6-8 đôi lá chét dài 25 mm, rộng 15 mm. Hoa mọc thành chùm màu trắng. Quả loại đậu dài 10-12cm hơi cong hay thẳng, dẹt, phồng lên ở chỗ mang hạt, khi chưa khô thì màu xanh, nhưng khi khô chuyển thành màu đen, có 10-12 hạt rất rắn. Cây được trồng nhiều nơi ở nước ta để lấy quả vào tháng 10-12 nấu nước gội đầu. Trong y học dân tộc cổ truyền, quả còn gọi là tạo giác.
2.Thành phần hóa học
– Năm 1961 Đỗ Tất Lợi, G. Herman và I. Ciulei chiết saponin với hiệu xuất 10%. Năm 1966 các tác giả trên công bố đặc điểm của một saponin như sau: Chỉ số phá huyết là 35.000, đ.c. 198-202o; [D]20D– 32o ± 1o; sau khi thủy phân thì thu được aglycon có điểm chảy 291 – 298o, xác định thuộc dẫn chất b -amyrin.
Năm 1967, Nguyễn Đăng Tâm phân lập saponin của Bồ kết đặt tên là boketosid đã xác định một saponin có aglycon là acid oleanolic có phần đường là glucose + arabinose + xylose. Một aglycon của saponin thứ hai là acid echynocystic (= 16- hydroxy, 28 oic – b -amyrin).
Năm 1973, Ngô Thị Bích Hải tách được một saponin đặt tên là australosid có phần aglycon là acid echynocystic, phần đường có hai mạch: một mạch nối vào OH- ở C-3 gồm có D-xylose, L-arabinose, D-glucose theo tỉ lệ 2:1:1. Còn mạch ở C-28 theo dây nối ester gồm D-xylose, D-galactose theo tỉ lệ 1:1
– Flavonoid: 5 chất flavonoid đã được xác định cấu trúc: luteolin, isovitexin, vitexin, isoorientin và orientin; ngoài ra còn một số flavonoid khác chưa xác định. (Ngô Thị Bích Hải 1973).
3.Tác dụng và công dụng
– Saponin của bồ kết có tác dụng lên amib đường ruột, trùng roi âm đạo.
– Hỗn hợp saponin + flavonoid có tác dụng giảm đau.
– Hỗn hợp flavonoid và flavonoid riêng lẻ là isovitexin có tác dụng kháng virus (theo Ngô Thị Bích Hải).
– Quả bồ kết là nguyên liệu giàu saponin, dùng để chiết saponin.
– Y học dân tộc cổ truyền dùng:
Làm thuốc chữa ho, tiêu đờm, ngày dùng 0,5-1g quả.
Chữa sâu răng, quả bồ kết tán nhỏ đắp vào chỗ răng sâu, hễ chảy nước bọt thì nhổ đi.
Chữa chốc đầu, bồ kết đốt thành than tán nhỏ, rửa sạch vết chốc rắc than bồ kết lên.
Chữa quai bị, quả bồ kết (bỏ hạt) tán nhỏ, hòa vào giấm tẩm vào bông đắp vào chỗ đau (nhiều lần).
Chữa bí đại tiện, tắc ruột, không trung tiện được. Cách làm: lấy 1/4 quả bồ kết đem nướng (đừng để cháy quá) bỏ hạt, tán thành bột mịn, dùng đầu canun có bôi vaselin chấm vào bột bồ kết, sau đó cho vào hậu môn sâu độ 3-4 cm (làm 3-4 lần).
Nhân dân còn dùng hạt chữa lỵ: hạt đem sao vàng tán nhỏ, dùng hồ nếp làm viên bằng hạt ngô. Ngày dùng 10-20 viên, dùng nước chè đặc để chiêu thuốc. (uống lúc sáng sớm). Phụ nữ có thai và người ho ra máu không đưọc dùng.
Y học cổ truyền còn dùng gai bồ kết gọi là tạo giác thích để chữa mụn nhọt.
Chú thích:
Dược điển Đông y Trung quốc quy định đại tạo giác là quả chín khô và tạo giác thính là gai khô của cây bồ kết Trung quốc – G.sinensis Lam.
Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn