Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Để xa tầm tay của trẻ em.
Thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc.
PHẦN I. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC CHO NGƯỜI BỆNH
THÀNH PHẦN, HÀM LƯỢNG CỦA THUỐC:
Mỗi viên nén sủi bọt Thuốc PANALGANEFFER 500 chứa:
Hoạt chất: Paracetamol ……………………….500mg
Tá dược: Acid citric khan, natri hydrocarbonat, natri carbonat khan, isomalt, aspartam, povidone K30, natri benzoat, polyethylen glycol, bột hương vị cam.
MÔ TẢ SẢN PHẨM: Viên nén sủi bọt tròn to, mùi thơm, vị chua ngọt.
QUY CÁCH ĐÓNG GÓI: Hộp 2 vỉ, 4 vỉ x 4 viên. Hộp 2 tuýp x 10 viên nén sủi bọt.
THUỐC DÙNG CHO BỆNH GÌ?
Điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa: Nhức đầu, sốt, đau nhức do cảm cúm, đau răng, đau cơ. Không dùng paracetamol để điều trị thấp khớp và các cơn đau có nguồn gốc nội tạng.
NÊN DÙNG THUỐC NHƯ NÀO VÀ LIỀU LƯỢNG
Hòa tan viên thuốc vào khoảng 200 ml nước đến khi sủi hết bọt. Nên uống thuốc sau bữa ăn. Không dùng quá 6 viên mỗi ngày.
Khoảng cách giữa hai lần dùng thuốc từ 4 đến 6 giờ.
Trường hợp suy thận, khoảng cách tối thiểu là 8 giờ.
Nếu cơn đau tiếp tục kéo dài quá 5 ngày, không nên tiếp tục điều trị mà không hỏi ý kiến bác sỹ.
Liều hàng ngày của paracetamol chỉ định khoảng 60 mg/kg/ngày, chia làm 4 – 6 lần.
– Người lớn và trẻ em trên 11 tuổi: Uống 1 viên/lần, nếu cần dùng lại sau 4 – 6 giờ. Nếu đau nhiều, có thể dùng 2 viên/lần, nhưng không quá 6 viên/ngày.
– Bệnh nhân suy thận nặng (độ thanh thải Creatinin < 10 ml/phút): Khoảng cách giữa các liều ít nhất là 8 giờ.
– Không sử dụng đồng thời với các thuốc khác có chứa paracetamol.
KHI NÀO KHÔNG NÊN DÙNG THUỐC NÀY?
Quá mẫn với các thành phần của thuốc.
Người bệnh gan nặng, bệnh thận, bệnh tim, bệnh phổi và người bệnh nhiều lần thiếu máu.
Người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase (G6PD).
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN:
Phản ứng da nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ban đỏ toàn thân cấp tuy hiếm xảy ra, nhưng có khả năng gây tử vong. Nếu thấy xuất hiện ban hoặc các biểu hiện khác về da, phải ngừng thuốc và thăm khám bác sĩ.
Ban da và những phản ứng dị ứng khác thỉnh thoảng xảy ra. Thường là ban đỏ hoặc mày đay, nhưng đôi khi nặng hơn và có thể kèm theo sốt do thuốc và thương tổn niêm mạc. Nếu thấy sốt, bọng nước quanh các hốc tự nhhiên, nên nghĩ đến hội chứng Stevens-Johnson, phải ngừng thuốc ngay. Người bệnh mẫn cảm với salicylat hiếm mẫn cảm với paracetamol và những thuốc có liên quan. Trong một số ít trường hợp riêng lẻ, paracetamol đã gây giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và giảm toàn thể huyết cầu.
Tác dụng an thần rất khác nhau từ ngủ gà nhẹ đến ngủ sâu, khô miệng, chóng mặt và gây kích thích xảy ra khi điều trị ngắt quãng. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh chịu đựng được các phản ứng phụ khi điều trị liên tục, đặc biệt nếu tăng liều từ từ.
Thường gặp, ADR > 1/100
Hệ TKTW: Ngủ gà, an thần.
Tiêu hóa: Khô miệng.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Da: Ban.
Dạ dày – ruột: Buồn nôn, nôn.
Huyết học: Loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu.
Thận: Bệnh thận, độc tính thận khi lạm dụng dài ngày.
Hiếm gặp, ADR < 1/1000
Khác: Phản ứng quá mẫn
Toàn thân: Chóng mặt.
Tiêu hóa: Buồn nôn
Cách xử trí: Ngưng dùng thuốc khi có bất kỳ một phản ứng dị ứng nào xảy ra.
Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
NÊN TRÁNH NHỮNG THUỐC HOẶC THỰC PHẨM GÌ KHI ĐANG DÙNG THUỐC NÀY?
Uống dài ngày liều cao thuốc làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin và dẫn chất indandion. Cần phải chú ý đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng ở người bệnh dùng đồng thời phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt. Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan. Thuốc chống co giật (phenytoin, barbiturat, carbamazepin) gây cảm ứng enzym ở microsom thể gan, có thể làm tăng tính độc hại gan do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất độc hại với gan. Ngoài ra dùng đồng thời với isoniazid cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ độc tính gan.
Các thuốc ức chế monoamin oxydase làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc. Ethanol hoặc các thuốc an thần gây ngủ có thể làm tăng tác dụng ức chế TKTW. Thuốc gây ức chế chuyển hóa phenytoin và có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.
Chloramphenicol: Paracetamol có thể làm tăng thời gian bán thải của chloramphenicol.
Metoclopramid hoặc domperidon: Tốc độ hấp thu của paracetamol có thể được tăng lên bởi metoclopramid hoặc domperidon.
Cholestyramin: Tốc độ hấp thu của paracetamol có thể giảm nếu dùng chung với cholestyramin.
CẦN LÀM GÌ KHI MỘT LẦN QUÊN KHÔNG DÙNG THUỐC?
Uống liều đã quên ngay khi nhớ. Nếu gần đến giờ uống liều kế tiếp, bỏ qua liều quên và uống thuốc theo liều khuyến cáo kế tiếp. Không uống liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
CẦN BẢO QUẢN THUỐC NHƯ THẾ NÀO?
Nơi khô mát, nhiệt độ dưới 30oC, tránh ánh sáng.
NHỮNG DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG KHI DÙNG THUỐC QUÁ LIỀU
Triệu chứng quá liều:
Tổn thương gan có thể xảy ra ở người lớn đã uống 10g hoặc nhiều hơn 10g paracetamol. Uống 5g hoặc nhiều hơn 5g paracetamol có thể dẫn đến tổn thương gan nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dưới đây:
– Nếu bệnh nhân điều trị lâu dài với carbamazepin, phenobarbiton, phenytoin, primidon, rifampicin, hoặc các thuốc khác gây cảm ứng enzym gan.
Hoặc là
– Thường xuyên uống rượu vượt quá lượng được khuyến cáo.
Hoặc là
– Bệnh nhân có khả năng bị mất glutathion ví dụ do rối loạn ăn uống, xơ nang, nhiễm HIV, suy dinh dưỡng.
Các triệu chứng quá liều của paracetamol trong 24 giờ đầu tiên là xanh xao, buồn nôn, nôn, chán ăn và đau bụng. Tổn thương gan có thể trở nên rõ ràng sau khi uống 12-48 giờ . Bất thường về chuyển hóa glucose và toan chuyển hóa có thể xảy ra. Trong nhiễm độc nặng, suy gan có thể tiến triển thành bệnh não, xuất huyết, hạ đường huyết, phù não và tử vong. Suy thận cấp tính với hoại tử ống thận cấp, đái ra máu và protein niệu có thể phát triển ngay cả trong trường hợp không có tổn thương gan nghiêm trọng.
Loạn nhịp tim và viêm tụy đã được báo cáo.
CẦN PHẢI LÀM GÌ KHI DÙNG THUỐC QUÁ LIỀU KHUYẾN CÁO?
Cần hỏi ngay ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng quá liều ở trên thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
NHỮNG ĐIỀU CẦN THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC NÀY:
Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven-Jonhson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP). Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị. Ðôi khi có những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay; những phản ứng mẫn cảm khác gồm phù thanh quản, phù mạch, và những phản ứng kiểu phản vệ có thể ít khi xảy ra. Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, và giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra với việc sử dụng những dẫn chất p – aminophenol, đặc biệt khi dùng kéo dài các liều lớn. Giảm bạch cầu trung tính và ban xuất huyết giảm tiểu cầu đã xảy ra khi dùng paracetamol. Hiếm gặp mất bạch cầu hạt ở người bệnh dùng paracetamol. Phải dùng paracetamol thận trọng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, vì chứng xanh tím có thể không biểu lộ rõ, mặc dù có những nồng độ cao nguy hiểm của methemoglobin trong máu.
Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính với gan của paracetamol; nên tránh hoặc hạn chế uống rượu.
Cần thận trọng khi sử dụng paracetamol cho bệnh nhân nghiện rượu, suy thận nặng hoặc suy gan nặng. Nguy cơ quá liều lớn hơn ở những bệnh nhân có bệnh gan không xơ gan do rượu.
THỜI KỲ MANG THAI
Chưa xác định được tính an toàn của paracetamol dùng khi thai nghén liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với phát triển thai. Do đó chỉ nên dùng paracetamol ở người mang thai khi thật cần thiết.
THỜI KỲ CHO CON BÚ
Không thấy có tác dụng không mong muốn ở trẻ nhỏ bú mẹ.
ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG LÁI XE VÀ VẬN HÀNH MÁY MÓC:
Chưa có tài liệu báo cáo.
KHI NÀO CẦN THAM VẪN BÁC SỸ, DƯỢC SỸ?
Trong trường hợp quá liều hoặc xuất hiện các ban dị ứng ngoài da.
Khi đang dùng phối hợp với thuốc khác hoặc xuất hiện tác dụng không mong muốn.
* Nếu cần thêm thông tin, xin hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
HẠN DÙNG CỦA THUỐC
36 tháng kể từ ngày sản xuất.
*Không dùng thuốc quá hạn sử dụng