THÔNG TIN KHOA HỌC CỦA THẠCH
Agar-Agar
Nguồn gốc
Thạch là sản phẩm chế từ một số tảo biển thuộc ngành tảo đỏ-Rhodophyta.
Trên thế giới người ta có thể chế thạch từ các loại tảo thuộc các chi khác nhau như: Gelidium, Phyllophora, Furacellaria, Euchema, Ahnfeltia, Pterocladia…
Ở nước ta “rau câu” là nguyên liệu quan trọng để chế thạch. Qua cuộc điều tra ven biển các tỉnh phía Bắc, chúng ta đã phát hiện 11 loài. Đáng chú ý là loài rau câu chỉ vàng – Gracilaria verrucosa (Huds.) Papenf. Ở các tỉnh phía Nam đã phát hiện 6 loài rau câu, đáng chú ý là loài rau câu rễ tre – Gelidiella acerosa (Forssk.) Feldm. et Ham.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Rau câu thuộc loại thực vật sống 1 năm, màu đỏ thẫm, đỏ vàng đỏ nhạt đôi khi màu nâu tối. “ Thân” rau câu hình trụ tròn hay phiến dẹp, dài 15-50cm, có loài dài tới 1,3m hoặc hơn. Rau mọc thành từng cụm hay từng cây đơn độc, phần cuối gốc có bàn bám hình đĩa tròn để bám vào đá, vỏ sò… Rau câu chia thành nhiều nhánh, đặc tính chia nhánh là cơ sở quan trọng để xác định các loài.
Những vùng ôn đới rau câu mọc tốt vào tháng 5, 6. Vùng nhiệt đới như nước ta thì rau câu phát triển sớm hơn. Phần lớn các loài rau câu ở nước ta sinh trưởng vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, tốt nhất là khoảng giữa đến cuối mùa xuân, đầu tháng 4 rau câu đã phóng bào tử, tháng 5,6 thì tàn lụi.
Rau câu chỉ vàng gặp nhiều ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá. Chúng ta đã thành công nuôi rau câu chỉ vàng ở các đầm nước lợ để thu hoạch xuất khẩu và chế biến thạch. Rau câu rễ tre có ở Nha Trang cũng đã được nghiên cứu chế thạch.
Thu hoạch và chế biến
Thu hoạch tảo vào những thời kỳ nhất định. Ở nước ta nên thu hoạch vào tháng 3. Hiện nay ở nhiều nước việc thu hoạch được tiến hành bằng cơ giới, có khi thu hoạch tảo do sóng đánh vào bờ. Tảo được vớt lên phơi khô, rũ sạch cát, vỏ sò rồi chuội (làm trắng) bằng cách tưới nước rồi phơi nắng, khi tưới nước thì đồng thời muối cũng bị loại. Tiếp theo là đun với nước đã acid hóa nhẹ (1 phần tảo khô, 60 phần nước) trong nhiều giờ, lọc nóng qua vải lanh, để nguội rồi cho đông lạnh. Nước trong thạch sẽ đóng thành đá, sau đó lại cho tan đá, nước chảy ra và kéo theo tạp chất. Muốn có thạch dạng sợi thì người ta nén qua khuôn thép có lỗ rồi phơi hoặc làm khô ở nhiệt độ 35O. Có loại dạng bột hoặc dạng mảnh dẹt.
Mô tả dược liệu
Tùy theo cách chế biến mà thạch có thể ở dạng sợi, có khi các sợi này dính nhau thành phiến, hoặc dạng bột. Sợi thạch màu vàng nhạt hay không màu gần như trong suốt, thường dài 20-30cm, dày 3-8mm. Bột có màu trắng ngà, sờ ráp tay. Ở trong nước lạnh, thạch nở to, tan trong nước sôi khi để nguội sẽ đông lại.
Thạch của ta chế chất lượng rất tốt đạt tiêu chuẩn quốc tế, được một số nước ưa thích.
Bảng so sánh thạch của ta và của Liên Xô cũ | ||
Việt Nam | Liên Xô cũ | |
Độ ẩm
Tro Đạm Carbohydrat Sức đông (1,5%) |
18-20%
2,5-3,5% 0,2% (yếu) 50-60% (tốt) 300-500g/cm2 |
không quá 20%
không quá 4% Trên 1,5% 61% 350g/cm2 |
Thành phần hóa học.
Thành phần chủ yếu của thạch là chất nhầy thuộc nhóm acid thành phần có gốc sunfat (xem phần đại cương).
Kiểm nghiệm.
Thạch không được chứa quá 1% chất lạ hữu cơ, 0,5% tro không tan trong acid và 20% độ ẩm.
Thạch không tan trong nước lạnh nhưng nếu đun 1g thạch và 65gam nước rồi để nguội thì tạo thành chất đông.
Lấy 10ml dung dịch thạch 0,5%, thêm 1,5ml HCl, đun cách thủy 30 phút để thủy phân. Chia làm 2 phần: một phần thêm dung dịch bari chlorid 5% sẽ có tủa trắng vì trong thành phần cấu tạo của polysaccharid của thạch có các gốc sulfat, một phần thêm 1,5ml dung dịch natri hydroxyd 10% và 3ml thuốc thử Fehling, đun nóng sẽ có tủa màu đỏ do các nhóm -OH bán acetal được giải phóng có tính khử.
Thạch đem đốt thành tro rồi cho tác dụng với acid hydrochloric loãng, sau đó soi kính hiển vi sẽ thấy còn sót lại khung của các loại khuê tảo và bọt biển.
Để phát hiện giả mạo bằng cách thêm gelatin thì đun một dung dịch 0,2% gần sôi rồi thêm dung dịch tanin, không được có tủa.
Đun sôi 100ml thạch với 100ml nước rồi để nguội, thêm dung dịch iod không được có màu xanh (tìm tinh bột).
Công dụng.
Thạch dùng để chữa táo bón kéo dài. Khi uống vào ruột, thạch sẽ hút nước nở ra làm tăng thể tích của phân, gây điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có ích ở ruột phát triển, vi khuẩn này đóng vai trò quan trọng trong sự co bóp của ruột già. Liều dùng 4-16g một ngày, ngoài ra thạch là nguyên liệu để chế môi trường trong khoa vi sinh, làm chất ổn định các nhũ dịch. Về mặt thực phẩm, thạch dùng làm thức ăn và đồ giải khát. Thạch còn được dùng trong kỹ nghệ dệt và giấy.
Copy xin vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn