Ba Kích là dược liệu bổ dương được rất nhiều quý ông ngâm rượu sử dụng nhằm mục đích cải thiện đời sống vợ chồng, nâng cao bản lĩnh phái mạnh. Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà nhiều người sẵn sàng bán tràn lan Ba Kích Giả ra thị trường, mang lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng.
Vậy làm sao để phân biệt Ba Kích thật giả? Trong bài này, giảng viên tại bộ môn Dược Liệu trường Đại học Dược Hà Nội – Nghiêm Đức Trọng sẽ hướng dẫn chúng ta chi tiết cách chọn ba kích thật.
Ba Kích thật nhìn thế nào?
Ba kích thật có tên khoa học là: Morinda officinalis F.C.How
Ba Kích giả bán tràn lan tại Sapa
Kỳ nghỉ lễ năm nay là một kỳ nghỉ dài, việc đi đâu đó nghỉ ngơi cùng gia đình hoặc người thân ở thị trấn Sapa là một lựa chọn cũng không tồi, hoặc giả máu hơn, bạn có thể đi phượt Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ăn chơi kèm mua sắm, tất nhiên. Và đặc tính của các ông nhà mình là, cứ thấy thuốc nào được giới thiệu bổ dương, thì cũng cố làm một bình về ngâm. Ở chợ, thậm chí là ven đường, Ba kích tươi được bày bán tràn lan, nhìn sẽ hấp dẫn hoặc kích thích hơn nhiều so với việc mua một bịch dược liệu khô, trông đen đen bẩn bẩn, mà chả biết thật-giả và chất lượng thế nào.
Nếu bạn nhận ra hình ảnh dưới đây, thì xin chia buồn với bạn, bạn đã mua phải ba kích giả, bạn mang về ngâm rượu, và tối tối trước khi hành sự, bạn cũng làm một vài chén nhỏ để tăng thêm phần tự tin và sung sức. Đây là hình ảnh ba kích “giả” được bày bán ở thị trấn Sapa:
Sự thực Ba Kích giả bán tại Sapa là gì?
Loại giả này rễ của loài Viễn chí (Kích nhũ trắng, Viễn chí hoa dày Polygala karensium Kurz.). Từ đó cũng đã có nhiều người phân biệt được và không mua phải loại giả. Tất nhiên, tình trạng nhầm lẫn này còn nhiều.
Người bán chia làm 2 loại, trắng và tím, với giá củ tím cao hơn (cho nó giống với kiểu Ba kích thật). Thực chất đều là từ một cây, nhưng có củ trắng hơn, và có củ tím hơn mà thôi, và đương nhiên, cả hai loại này đều là giả.
Loại Ba kích “giả” này có lẽ được bày bán nhiều trong khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt bán nhiều ở thị trấn Sapa, ngoài ra còn bán ở các chợ vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Qua việc thu mẫu và tìm hiểu, loại Ba kích “giả” này thực tế là một loài Viễn chí: Kích nhũ trắng, 密花远志 mi hua yuan zhi (Mật hoa viễn chí – Viễn chí hoa dày), có tên khoa học Polygala karensium Kurz.
Ba kích “giả”: Polygala karensium Kurz.Ba kích “giả”: Polygala karensium Kurz.
Loài Viễn chí này mọc ở những nơi có khí hậu á nhiệt đới – ôn đới ở độ cao >700m – 3.000m (Lai Châu, Lào Cai, Vĩnh Phúc(Tam Đảo), Hà Giang, Kon Tum, Khánh Hòa,…), trong khi Ba kích thật (Morinda officinalis F.C.How) mọc ở độ cao thấp hơn, từ vài chục m – 500m.
Không những bán trực tiếp ở những địa điểm trên (và có thể bán ở những nơi mà mình chưa đi/chưa biết), rất dễ khi lướt vài vòng qua các diễn đàn, fanpage trên facebook, bạn có thể thấy khá nhiều người giới thiệu bán loại Ba kích “giả” này phân phối trên cả nước với tiêu đề khá hấp dẫn kiểu như “Ba kích rừng/tự nhiên từ Lào Cai”. Và chắc hẳn là có rất nhiều người mua nó về dùng thử.
Lần sau gặp ông bà nào bán loại này mà giới thiệu cho các bác, các bác cứ ném thẳng tên khoa học vào mồm mấy ông bà ấy cho há hốc mồm ra nhé =)).
Xung quanh câu chuyện về các loại thuốc bổ dương còn khá nhiều điều thú vị và nhầm lẫn, khi nào có thời gian sẽ chia sẻ dần với các quý bạn, quý chị và quý ông. Thông điệp quan trọng nhất ở đây là “Không nên đùa với sức khỏe của ‘của quý’ của chúng ta/chồng chúng ta”.
Xuất hiện Ba Kích giả xuất xứ ở Hà Giang
Thời gian gần đây lại xuất hiện thêm một loại Ba kích giả nữa, nguồn gốc chủ yếu ở Hà Giang, được bán nhiều trên mạng, và đặc biệt là bày bán ven đường, hoặc ở các điểm dừng chân dọc QL4C, chạy xuyên qua Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang.
Thậm chí còn là một mặt hàng trong một số Hội chợ về nông lâm sản các địa phương – được tổ chức ở Hà Nội. Giá loại này cũng tùy, từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng/1kg (vì được giới thiệu là hàng tự nhiên). Bạn nào đã đi cung đường này mà chịu khó chú ý, chắc hẳn đã thấy loại “Ba kích giả” này rồi (xem ảnh dưới). Loại Ba kích giả này củ rất ro, có những củ to hơn ngón chân cái, vỏ xù xì và có những đường nứt dọc củ, khá dễ phân biệt với Ba kích thật.
Vậy đây là loài gì?
Qua thời tìm hiểu và thu mẫu, mình xác định được nó là loài Cơm rượu trái hẹp – Glycosmis stenocarpa (Drake) Guillaumin (một loài họ Cam – Rutaceae). Đây là một loại cây gỗ nhỏ (Ba kích thật là dây leo), cao khoảng 1m, và chỉ mọc ở núi đá vôi (Ba kích thật mọc ở đồi hoặc núi đất). Lá loài này có mùi tinh dầu rất thơm, tuy nhiên nó chưa từng được ghi nhận về tác dụng làm thuốc trong các tài liệu, và mình cũng chưa thấy nơi đâu dùng cả.
Lưu ý khi đi mua Ba Kích về ngâm rượu
Một điều nữa các bạn cần chú ý là: Riêng với Ba kích, đừng bao giờ mua khi đi du lịch ở những vùng núi cao như Sapa, Cao nguyên đá Đồng Văn,…là nơi có độ cao lớn (>700 m – 2000m ).
Vì Ba Kích chỉ phân bố ở trung du miền núi phía Bắc, độ cao thường khoảng ~0 – 300 (-500 m). Nên nếu mua ở những địa điểm này thì (i) bạn sẽ mua phải Ba kích giả hoặc (ii) may ra thì mua được Ba kích thật với giá chắc chắn cao hơn bình thường (vì chi phí vận chuyển ngược + bán cho khách du lịch +…).
Vì như mình khảo sát sơ bộ ở Thị trấn Sapa 1 lần, trong vài chục địa điểm có bày bán Ba kích tươi, thì chỉ có duy nhất một địa điểm bán Ba kích là thật (và được chuyển từ dưới xuôi lên), tất cả các địa điểm còn lại đều là hàng giả.
Hãy là người tiêu dùng thông minh các bạn nhé, đặc biệt khi bạn bỏ tiền ra mua sức khỏe. Nếu muốn mua thì hãy tìm đến những cơ sở uy tín. Đừng bao giờ tin vô điều kiện với các anh/chị lang mạng, lang google, hoặc người không có chuyên môn. Có quá nhiều vấn đề bất cập về dược liệu như mình đã từng chỉ ra (Thương lục – Nhân Sâm, “Nấm Ngọc cẩu”, Sâm xuyên đá, Sâm cau giả, Đinh lăng giả,…) và sẽ còn tiếp tục chia sẻ với các bạn trong thời gian tới khi có thời gian.
Tác giả:Nghiêm Đức Trọng – Giảng viên Đại học Dược Hà Nội