Nhận biết đúng cây thuốc là việc làm quan trọng trong công tác kiểm nghiệm dược liệu, sử dụng thuốc an toàn và hợp lý.
Xác định đúng tên khoa học của cây có ý nghĩa sống còn trong khởi đầu nghiên cứu và phát triển thuốc có nguồn gốc từ cây cỏ. Muốn vậy, những người làm công tác liên quan đến cây cỏ làm thuốc phải biết các phương pháp nghiên cứu cũng như các đặc điểm hình thái, giải phẫu và phân loại cây cỏ, đặc biệt là thực vật có hoa – nhóm có mức độ đa dạng cũng được sử dụng nhiều nhất trong thực vật bậc cao.
Cuốn tài liệu này được biên soạn chủ yếu dành cho sinh viên Dược năm thứ hai, đang học môn học Thực vật. Do đó, các phần trong tài liệu này chỉ giới hạn trong chương trình thực tập đã được phê duyệt, từ mô thực vật, cơ quan dinh dưỡng và sinh sản, đến phần ứng dụng để mô tả và xác định tên khoa học của cây thuốc.
Các nội dung này được chia thành hai phần chính là
- Thực tập thực vật và nhận biết cây thuốc.
- Các dụng cụ và hóa chất dùng trong thực tập thực vật và nhận biết cây thuốc. Cuối cùng là phụ lục và mục lục tra cứu.
Phần “Thực tập thực vật và nhận biết cây thuốc” gồm 3 chương:
- Cơ quan dinh dưỡng của thực vật bậc cao, là nhóm thực vật thường được dùng làm thuốc nhất.
- Cơ quan sinh sản của thực vật có hoa.
- Phân loại và nhận biết cây thuốc.
Mỗi chương gồm các phần nhỏ, được soạn theo thứ tự các bài thực tập. Mỗi bài gồm 4 phần:
- Mục tiêu học tập;
- Nguyên liệu,
- Dụng cụ và hóa chất;
- Nội dung thực tập và đánh giá.
Phần “Các dụng cụ và hóa chất dùng trong thực tập thực vật và nhận biết cây thuốc” giới thiệu các dụng cụ và hóa chất thường dùng nhất trong tập tài liệu này. Phần các dụng cụ giới thiệu sơ lược cấu tạo, mục tiêu, cách sử dụng và bảo quản. Các hóa chất được giới thiệu công thức, nguồn gốc, cách pha chế (nếu cần), mục đích, cách dùng và bảo quản.
Phần phụ lục giới thiệu “Danh mục 150 thuốc cần nhận thức và nhớ tên Latin”. Phần lớn trong số này là các loài cây thuốc được quy định trong“Danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam” lần thứ IV, bao gồm các loài cây thuốc Nam thiết yếu, thuốc Y học cổ truyền có nguồn gốc Việt Nam. Ngoài ra còn có một số loài cây thuốc không được ghi trong Danh mục thuốc thiết yếu nhưng là đại diện của các họ cây được dùng làm thuốc ở Việt Nam mà các loài trong Danh mục không có. Phần mục lục tra cứu gồm tên các loài cây thuốc (tiếng Việt và Latin), phương pháp nghiên cứu, thuật ngữ, các dụng cụ, hóa chất thường dùng trong nghiên cứu mô tả và xác định cây thuốc.
Với các nội dung như vậy, ngoài đối tượng phục vụ chính là sinh viên Dược năm thứ hai, cuốn tài liệu này cũng có ích cho các đối tượng khác nghiên cứu cây cỏ làm thuốc như sinh viên đang học môn Dược liệu, Dược học cổ truyền, học viên cao học, nghiên cứu sinh và dược sỹ đang công tác trong lĩnh vực sử dụng và nghiên cứu phát triển thuốc từ cây cỏ.
Để cuốn tài liệu này phục vụ sinh viên cũng như các đối tượng nghiên cứu khác ngày một tốt hơn, chúng tôi mong nhận được sự góp ý của các bạn dùng tập tài liệu này, để có thể sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh hơn trong lần in sau.
Sau khi thực tập xong phần này, sinh viên sẽ có thể:
- Làm được các loại tiêu bản để nghiên cứu giải phẫu và kiểm nghiệm các
dược liệu từ cây cỏ, bao gồm cắt, tẩy, nhuộm kép và lên tiêu bản theo
phương pháp thông thường. - Mô tả được đặc điểm giải phẫu của các bộ phận thường dùng làm thuốc
như rễ, thân và lá bằng 3 phương pháp mô tả: bằng văn viết, hình vẽ và
ảnh chụp. - Mô tả được một cây thuốc, bao gồm đặc điểm hình thái và giải phẫu của
cơ quan dinh dưỡng (rễ, thân, lá), đặc điểm hình thái cơ quan sinh sản
(hoa, phấn hoa, quả, hạt) bằng 3 phương pháp mô tả: bằng văn viết, hình
vẽ và ảnh chụp. - Nêu được tên thường dùng (tiếng Việt) và tên Latin của 150 cây thuốc
thường dùng đặc trưng cho 80 họ có nhiều cây dùng làm thuốc ở Việt
Nam, dựa trên các mẫu không có nhãn. - Làm được tiêu bản mẫu khô và mẫu ngâm của cây thuốc.
- Xác định sơ bộ được tên khoa học của một cây thuốc đến bậc họ và chi khi có khóa phân loại thích hợp.
Hà Nội, tháng 4 năm 2012
Các tác giả