DƯỢC LIỆU NHÂN SÂM

Dược liệu chứa Saponin

DƯỢC LIỆU NHÂN SÂM

Dược liệu Nhân sâm

  1. Tên khoa học:

Tên: Panax ginseng

Họ Việt Nam: Họ Nhân sâm

Họ Latin: Araliaceae

  1. Phân bố:

Nước ta chưa trồng được cây này. Dược liệu nhập từ các nước khác. Cây mọc hoang và được trồng ở đông bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Xô cũ… Người ta cho rằng loại mọc hoang có giá trị hơn loại trồng.

  1. Bộ phận dùng:

Dược liệu là rễ đã chế biến của cây Nhân sâm.

Dược liệu Nhân sâm

  1. Thành phần hoá học chính:

Saponin triterpen tetracyclic (Ginsenosid), vitamin, đường, tinh bột.

  1. Phương pháp kiểm nghiệm:

Định tính:

A. Phản ứng với dung dịch cloroform bão hoà stibi triclorid (TT)

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng

Định lượng: Tiến hành bằng phương pháp sắc ký lỏng.

  1. Phương pháp chế biến và bảo quản:

Chế biến: Thường thu hoạch Nhân sâm vào mùa thu (tháng 9 – 10), ở những cây trồng từ 4 năm trở lên. Rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy đến khô. Cũng có khi chế bằng cách đồ rồi ép để được hồng sâm.

Bảo quản: Đựng trong hộp kín, để nơi khô, mát, tránh mốc, mọt.

  1. Công dụng, cách dùng và liều lượng:

Công dụng: Thuốc bổ, chữa bệnh thần kinh suy nhược. Suy nhược cơ thể, ăn không ngon, ho suyễn, nôn mửa, hồi hộp, sợ hãi.

Cách dùng và liều lượng:

Ngày dùng 4 – 10g. Dạng thuốc hãm hoặc lấy dịch chiết bằng cách: Thái lát mỏng cho vào chén sứ, thêm ít nước, đậy nắp, đun cách thuỷ đến khi chiết hết mùi vị. Các dạng thuốc khác: thuốc bột, cao lỏng, rượu thuốc.

Lưu ý:

Trong y học dân tộc cổ truyền người ta phân biệt hai loại chính: Hồng sâm và Bạch sâm.

Hồng sâm: chọn củ mẫm to, nặng trên 37g, rửa sạch đất cát, cho vào nồi chưng chín trong khoảng 2 giờ, sau đó sấy hoặc phơi khô. Sau khi chế biến thì tinh bột có trong rễ bị chín và khi khô thì thể chất trong suốt nửa như sừng, có màu hồng mùi thơm, vị ngọt hơi đắng. “Thân” sâm hình thoi hoặc gần như hình trụ, phần trên và phần dưới hơi thót lại.

Phần “đầu” tức là cổ rễ, đôi khi nom rõ vết sẹo của thân. Rễ đôi khi phân nhánh nom như cánh tay, phần dưới có 2 hoặc 3 nhánh nom như chân. Củ càng to càng giá trị.

Bạch sâm (hoặc đường sâm): những củ sâm không đủ tiêu chuẩn chế hồng sâm thì chế Bạch sâm. Sau khi rửa sạch đất cát thì nhúng vào nước sôi vài phút, sau đó tẩm đường vài ngày rồi phơi hoặc sấy ở nhiệt độ không quá 60°. Dược liệu sau khi chế biến thì mặt ngoài màu trắng ngà, mềm, thường có tinh thể đường bám bên ngoài, mặt bẻ màu trắng ngà và xốp, mùi thơm, vị ngọt.

Ngoài 2 loại trên ra thì còn có:

– Sinh sái sâm là loại sâm để nguyên vỏ, sau khi loại sạch đất cát chỉ phơi khô.

– Đại lực sâm là loại sâm chế biến có nhúng vào nước sôi vài phút rồi lấy ra phơi.

– Tu sâm là rễ con của củ sâm.

– Người ta còn phân biệt loại trồng là viên sâm, loại mọc hoang là dã sơn sâm.

– Trà sâm: dịch chiết sâm, bốc hơi, bào chế dưới dạng bột hòa tan, đựng trong túi giấy bạc.

Dược liệu Nhân sâm – Panax ginseng, Araliaceae.

Chuyên đề dược liệu tốt nghiệp./.

Copy vui lòng ghi nguồn duoclieu.edu.vn

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *