Tương truyền, rất lâu trước kia, tại huyện Thạch Trụ (石柱) (nay thuộc thành phố Trùng Khánh – 重庆, Trung Quốc), Hoàng Thủy Bá, trên núi Lão Sơn có một ngôi làng tên Tử Lí, trong làng có một thầy thuốc họ Đào. Vợ ông sinh hạ được hai nam và hai nữ. Vào một năm nọ, vợ và hai con trai ông lần lượt mắc bệnh mà chết. Gia cảnh bần hàn, không cách gì nuôi nấng, đành phải gửi một đứa con gái cho gia đình khác nuôi, chỉ để lại cô con gái út, cha con nương tựa lẫn nhau mà sống. Đào thầy thuốc gọi một người tên là Hoàng Liên đến làm giúp, thay ông trồng hoa chăm thuốc. Hoàng Liên tính tình tốt bụng, chăm chỉ và trung thực.
Không lâu sau, trong vùng mọi người đều mắc một căn bệnh tương tự nhau. Người bệnh có biểu hiện sốt cao, tức ngực, nôn mửa, tiêu chảy, sưng đau, dần dần từ người khỏe mạnh trở thành người yếu ốm, không còn khả năng lao động. Cô con gái yêu của Đào thầy thuốc thật may mắn, không bị mắc căn bệnh lạ này, vẫn còn đủ sức lực để làm việc nhà.
Vào một mùa xuân nọ, trong tiết thanh minh, nàng đi dạo chơi bên ngoài. Khi đến bên sườn núi, nàng bỗng phát hiện ra một loại cỏ dại có mép lá răng cưa, chùm hoa tụ tán dài, có màu vàng, xanh lá cây, trông rất là đẹp, liền thuận tay nhổ luôn đám cỏ lên xem, thấy rễ của nó giống hình liên châu hoặc như chân gà. Nàng liền mang về trồng ở vườn nhà.
Hoàng Liên mỗi lần bón phân tưới nước cho hoa cỏ trong vườn, cũng không quên loài cỏ dại kia. Theo năm tháng, loài cỏ dại càng ngày càng phát triển xanh tươi.
Mùa hè năm sau, Đào thầy thuốc ra ngoài chữa bệnh, hơn mười ngày không về nhà. Ở nhà, Đào cô nương mắc bệnh nằm liệt trên giường, không ăn uống gì được, mỗi ngày một gầy đi, trông như chỉ còn da bọc xương. Đào thầy thuốc về nhà, cùng với đồng nghiệp của mình nghĩ nhiều cách, nhưng cũng đành bất lực, không chữa trị được.
Hoàng Liên nghĩ thầm, Đào cô nương có trồng một loại cỏ dại ở trong vườn, đã nở ra những bông hoa nhỏ màu vàng xanh, sao không đem nó mà dùng thử một lần. Vì thế liền ra vườn nhổ tận gốc, rửa sạch, cả rễ và lá cho vào ấm đun lên, một lúc sau, mở nắp ấm ra đã thấy trong nồi nước toàn màu vàng.
Lúc này Hoàng Liên liền múc một bát nước, định bụng mang cho Đào cô nương, nhưng đột nhiên nghĩ, vạn nhất cây này có độc, có phải là ta hại Đào cô nương rồi không?. Không bằng chính mình thử trước một chút, chỉ cần mình không bị dính độc mà chết thì có thể mang cho Đào cô nương. Hắn lập tức uống một hơi cạn sạch, liền cảm thấy vị rất đắng.
Sau hai canh giờ, Hoàng Liên vẫn thấy mình còn sống, chân tay đều cử động được, nói được, nghe được, như vậy là loại cỏ dại này không độc, lúc này mới mang một bát thuốc cho Đào cô nương uống. Kể cũng lạ, Đào cô nương uống xong thang thuốc này, bệnh tình liền thuyên giảm. Cô nói với Hoàng Liên: “Đây đúng là một loại thuốc tốt, vị rất là đắng”. Lúc này, Hoàng Liên vốn yêu thầm Đào cô nương đã lâu, nghe xong buồn bã mà nói: “Ta đau khổ chờ một người, nhưng lại không được, có lẽ số mệnh ta cũng cay đắng [khổ] giống như nó vậy”.
Sau khi mọi người biết được Đào cô nương uống thang thuốc nọ mà khỏi bệnh, mọi người đều lên núi kiếm loại cỏ dại này đem về dùng, kết quả đều khỏi bệnh cả. Không lâu sau, Hoàng Liên một lần lên núi hái thuốc, bất cẩn ngã trọng thương, hắn mang theo mối tình đau khổ qua đời, trước khi qua đời, hắn nói với Đào cô nương: “Đào cô nương, ta yêu cô, nhưng ta đợi không được nữa rồi…”. Đào cô nương vì kỷ niệm Hoàng Liên, muốn bày tỏ lại tấm chân tình, liền đặt tên cho cây thuốc có vị đắng, thanh nhiệt giải độc này là Hoàng Liên.
Ghi chú:
1. Huyện Thạch Trụ (Trùng Khánh – Trung Quốc) có sản lượng Hoàng Liên chiếm 60% Trung Quốc và 40% thế giới.
2. Ở Việt Nam, Hoàng liên mọc nhiều (trước đây) ở dãy Hoàng Liên Sơn (ngoài ra còn ở một số nơi khác như Hà Giang). Có người nói, do trên dãy này mọc nhiều Hoàng Liên nên gọi Hoàng Liên Sơn, không biết có phải vậy không. Chỉ biết, bên Việt Nam có VQG Hoàng Liên trên dãy Hoàng Liên Sơn, thì ngay bên cạnh (Di Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cũng có Khu bảo tồn tự nhiên cấp quốc gia Hoàng Liên Sơn (黄连山国家级自然保护区 – Huanglianshan National Natural Reserve) ở cùng dãy núi.
3. Hai loài Hoàng liên (Coptis chinensis Franch., Coptis quinquesecta W.T.Wang) đều được ghi trong Sách đỏ Việt Nam 2007 ở mức Rất nguy cấp (CR – Critically Endangered).
Tác giả: Giảng viên đại học Dược Hà Nội – DS. Nghiêm Đức Trọng