Đầu tiên, bạn có thể vào google hình ảnh gõ 2 chữ “sâm cau”, thì có đến quá nửa số ảnh đó là Sâm cau giả (cái loại có rễ màu đỏ cam).
Thông tin khoa học của Sâm Cau
Sâm Cau (thật) có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn. (Hypoxidaceae), vị này trong y học cổ truyền Trung Quốc gọi là Tiên mao (Rhizoma Curculiginis – 仙茅 – chữ “mao” ở đây có nghĩa là cây “cỏ tranh”, chứ không phải “lông”).
Theo y học cổ truyền, Sâm cau có vị cay, ngọt, tính ấm, có độc, vào hai kinh can thận. Có tác dụng: ôn thận, tráng dương, trừ lạnh. Sử dụng trong các trường hợp: thận dương yếu, liệt dương, lạnh kinh niên, viêm khớp, đau do lạnh,….
Do có độc tính nên không sử dụng lâu dài, không sử dụng cho người hư yếu. Dùng Sâm cau kéo dài làm tinh hao kiệt sức. Do có độc nên khi chế biến, người ra rửa sạch và ngâm với nước vo gạo để khử bớt độc tính đi. Có nơi còn sử dụng thân rễ Sâm cau để gây sảy thai.
Không có Sâm Cau Đỏ!
Trong khi đó, loại Sâm cau mà một số anh chị đang bán phổ biến trên mạng (web,fanpage,…) hay ở các khu du lịch lại là rễ của một số loài cây thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae), phổ biến nhất là rễ loài Bồng bồng – Dracaena angustifolia Roxb., loài này mọc hoang ở nhiều nơi, cũng có một số gia đình trồng làm cảnh (xem ảnh chắc hẳn một số bạn sẽ thấy quen và có lẽ là hơi bất ngờ về loại thần dược quý hiếm mà mình mua), (ngoài ra còn một loài nữa cũng gọi là Bồng bồng hay Huyết giác nam bộ – *Dracaena cochinchinensis cũng có rễ màu đỏ cam và được bán với tên Sâm cau). Cả hai loài này đều chưa thấy nói đến tác dụng bổ dương trong y học cổ truyển. Trong y học cổ truyền thì Bồng bồng được sử dụng để nhuận tràng, lợi tiểu, chữa lỵ, bạch đới, lậu (lá) và lỵ ra máu (rễ, hoa),…Ngoài ra, các nghiên cứu dược lý chứng minh rằng Bồng bồng có độc tính. Người ta đã thử độc tính trên chuột nhắt trắng thấy LD50 khoảng 175mg/kg, bồng bồng cũng có độc tính với thai, có thể gây sảy thai ở động vật thí nghiệm.
Đương nhiên, thông tin ở trên là dựa vào các tài liệu cổ và các nghiên cứu hiện đại, chứ do chưa có nghiên cứu chứng minh nên tôi chưa biết là công dụng bổ dương thật sự của loài “Sâm cau giả” mà các anh chị bán nó mạnh đến đâu, có hay không (các bạn nào đã uống có thể đưa ý kiến). Tuy nhiên, việc các anh chị lấy thông tin về tác dụng của cây Sâm cau thật để gán cho cây Bồng bồng thì tôi thấy không ổn, nó tương đương với việc bán thuốc giả.
Một số anh chị còn cho thêm các tính từ gán đằng sau từ Sâm cau như Sâm cau “đỏ”, Sâm cau “nếp”,…vốn là những tính từ mang nghĩa tích cực (ý nói là loại tốt, loại tác dụng mạnh,…) để câu kéo khách hàng.
Có người còn làm hẳn clip để hướng dẫn ngâm rượu Sâm cau sao cho đúng cách, xem rất là bài bản và chuyên nghiệp ;)). Thực ra, làm vài ly rượu thì người nó đã bừng bừng khí thế lên rồi, chứ chắc gì đã là do tác dụng của thuốc đâu. Nhân tiện nói về đồ ngâm rượu, dân mình có cái hay là cái gì cũng ngâm rượu, từ cây cho đến con. Thậm chí, cả mấy vị thuốc bổ gan, giải độc gan các anh chị cũng mang ra ngâm rượu uống, rồi kháo nhau là gớm gớm thấy đỡ lắm, hehe.
Tóm lại, dù là loài gì đi nữa, “thật” hay “giả” thì với việc nó có độc tính như đã nói ở trên, việc ngâm với rượu và uống vô tội vạ là việc rất không nên làm.
Mặc dù, google là một cái “nồi cám lợn” với đủ loại thông tin nhiễu loạn, nhưng nếu biết kỹ năng hoặc chịu khó tìm hiểu thì cũng rất là hữu ích. Tuy nhiên, nhiều người không có kỹ năng hoặc là lười tìm hiểu. Nhưng đã mất công bỏ tiền ra thửa rượu ngon, lùng thuốc tốt thì việc bỏ ra chút thời gian tìm hiểu kỹ càng cũng không phải là quá đáng.
Chả nói đâu xa, ngay đến một số người trong ngành, cũng còn nhầm lẫn giữa Bụp giấm và Actiso nữa là, khi hỏi ra thì nói, em thấy “chị bán hàng” bảo vậy, thật hết chỗ nói.
Tác giả: Nghiêm Đức Trọng – Giảng viên Đại học Dược Hà Nội